Thẩm quyền xoay quanh tỷ lệ 35%
Tại điểm d, khoản 2, Điều 135 Luật Doanh nghiệp quy định ĐHĐCĐ có quyền quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác.
Cũng với tỷ lệ 35% tổng giá trị tài sản đó, cũng Luật Doanh nghiệp lại quy định Hội đồng Quản trị cũng có quyền phê duyệt. Cụ thể là Hội đồng Quản trị có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Nội dung này được quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 149, Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, “giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản” đang được pháp luật xem như một giới hạn mà chạm đến mức này thì giao dịch phải được ĐHĐCĐ hoặc Hội đồng Quản trị thông qua trước khi giao kết.
Thực tiễn đã phát sinh một vấn đề đối với các giao dịch mà giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản: trường hợp giao dịch nào thuộc về Đại hội đồng Cổ đông? Trường hợp nào thuộc về Hội đồng Quản trị?
Nếu xét từng câu chữ trong nội dung các điều luật liên quan, đó chính là khái niệm “đầu tư”. Các giao dịch đầu tư sẽ thuộc về ĐHĐCĐ. Tuy nhiên ranh giới phân biệt này quá mong manh, mơ hồ.
Đầu tư hay mua sắm?
Với tình huống của công ty được nêu, có người cho rằng việc mua tài sản lớn như vậy là hoạt động đầu tư nên phải được ĐHĐCĐ quyết định. Cũng có người cho rằng, đây chỉ đơn thuần là giao dịch mua sắm thêm thiết bị cho công ty nên chỉ cần được Hội đồng Quản trị thông qua. Như vậy, cùng một giao dịch người thì nhìn nhận là “đầu tư”, người thì nhìn nhận là “mua sắm”.
Thực tế, có nhiều hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được thể hiện bằng một giao dịch mua tài sản. Vậy, về mặt pháp lý, giao dịch như thế nào thì mới được xem là đầu tư? Luật Doanh nghiệp hiện không định nghĩa thế nào là hoạt động đầu tư. Tìm đến Luật Đầu tư, theo Luật này, đầu tư kinh doanh là các hoạt động bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
Rà soát thêm 30 Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) hiện hành cho thấy VAS chỉ đang dùng khái niệm “đầu tư” cho một số trường hợp gồm: Bất động sản đầu tư, đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.
Có thể thấy, vì Luật Doanh nghiệp không quy định rõ ràng nên tùy từng trường hợp, doanh nghiệp phải tự vận dụng các quy định pháp luật có liên quan để xác định giao dịch đó có phải là đầu tư hay không nhằm xác định cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp.
Trong thực tế, một số doanh nghiệp tự giải thích theo hướng nếu bán các tài sản cố định,thì thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, nếu bán tài sản lưu động như hàng hóa, sản phẩm của mình thì thuộc thẩm quyền của Hội đồng Quản trị. Cũng có một số doanh nghiệp chọn cách đẩy hết mọi hợp đồng bán tài sản chạm đến tỷ lệ 35% cho cấp có thẩm quyền cao nhất là ĐHĐCĐ để bảo đảm hiệu lực của giao dịch.
Luật chưa rõ, doanh nghiệp phải tự lo
Việc xác định thẩm quyền thông qua giao dịch sai sẽ dẫn đến nguy cơ giao dịch bị vô hiệu. Do đó, để phòng tránh rủi ro này, tại cuộc họp thường niên, ĐHĐCĐ có thể ủy quyền hằng năm cho Hội đồng Quản trị quyền quyết định các giao dịch đầu tư, bán tài sản có giá trị từ 35% đến một tỷ lệ nào đó (như 50%) trên tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Vượt trên hạn mức đó, thì giao dịch sẽ do ĐHĐCĐ quyết định.
Bên cạnh đó, về lâu dài, vấn đề phân định thẩm quyền này cần được đưa vào Điều lệ thành các quy định rõ ràng, bài bản và khả thi áp dụng nhiều lần.
Điều này tạo ra một bậc thang thẩm quyền tại doanh nghiệp, khắc phục sự trùng lặp, mơ hồ trong việc xác định thẩm quyền quyết định các giao dịch mua, bán, đầu tư theo Điều 135 và Điều 149 của Luật Doanh nghiệp.