Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 cao hơn 8%

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phải “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030.

Sáng nay, 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Năm 2025 phải “tăng tốc và bứt phá”

Trình bày Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, khoa học, linh hoạt với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.

Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua chúng ta đã đúc rút được 5 bài học kinh nghiệm quý. Trong đó, quan trọng nhất là bài học phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và bài học nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Ảnh: Nhật Bắc

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Ảnh: Nhật Bắc

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Chúng ta phải “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Chủ đề của năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể để hướng đến các mục tiêu, chỉ tiêu.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1% và 71 chỉ tiêu khác.

Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tập trung đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024. Ảnh: Nhật Bắc

8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Từ mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2025.

Một là, hoàn thiện thể chế với mục tiêu “đột phá của đột phá”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước; thông qua nhiều luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Tập trung xây dựng khung pháp lý cho các thị trường như tài chính, chứng khoán, công nghệ, bất động sản. Sắp xếp bộ máy nhà nước “Tinh - Gọn - Mạnh”, tăng cường phân cấp, phân quyền; đổi mới thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.

Hai là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025, phấn đấu đạt trên 8% và tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030. Phát triển mạnh thị trường tài chính, chứng khoán; nâng cao hiệu quả tín dụng; tăng cường kỷ luật tài chính. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hợp tác công - tư và thu hút đầu tư nước ngoài. Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy du lịch và tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

Ba là, huy động tối đa nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thành động lực chính, phấn đấu đóng góp 55% GDP vào năm 2025. Khơi thông nguồn lực từ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, phát triển hạ tầng chiến lược. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, mở rộng cảng hàng không, nâng cấp hạ tầng viễn thông, nghiên cứu 6G và các công nghệ cao. Đẩy mạnh khai thác không gian biển, ngầm và vũ trụ; phát triển năng lượng tái tạo, nghiên cứu năng lượng hạt nhân. Đảm bảo hạ tầng y tế, giáo dục và xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm là, xây dựng Đảng vững mạnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư công, xử lý nghiêm vi phạm. Thực hiện tiết kiệm ngân sách, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Sáu là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; nâng cao năng lực khám chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa bỏ nhà tạm, dột nát, xây dựng nhà ở xã hội. Chú trọng phát triển xanh, ứng phó thiên tai, bảo vệ môi trường.

Bảy là, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Đẩy mạnh phòng chống tội phạm công nghệ cao; đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tám là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội. Phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền tích cực các mô hình điển hình, tạo động lực cống hiến. Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, củng cố niềm tin và khí thế thi đua trong toàn xã hội.

“Chúng ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trên nền tảng thành tựu sau 40 năm đổi mới, với bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm và hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục