Tại cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 ngày 17/7, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, phấn đấu trong năm 2021 có ít nhất 1 vắc-xin Covid-19 trong nước sản xuất thành công.
Để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin, Thứ trưởng giao các vụ/cục chức năng liên quan của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ được phân công để hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và nhập khẩu, cấp phép vắc-xin phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ sớm trình Chính phủ kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 hỗ trợ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (đối với các vắc-xin nghiên cứu sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ).
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng triển khai tại các địa phương nhằm đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và hiệu quả.
Trước đó tại tại cuộc họp ngày 7/7 Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã chỉ đạo việc phát triển vắc-xin Covid-19 trong nước cần đặt trong bối cảnh khẩn cấp hiện nay, cần có các giải pháp phù hợp với vắc-xin Covid-19 thế hệ 2 và phù hợp thực tế diễn biến dịch để sớm có vắc-xin sản xuất trong nước.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, song song với thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, Việt Nam cũng đã nỗ lực đàm phán, trao đổi với các đối tác nước ngoài để có vắc-xin phòng Covid-19 phục vụ tiêm chủng cho nhân dân.
Cùng đó, Việt Nam cũng đàm phán với nhiêu đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin.
Đến thời điểm hiện tại, sau 11 đợt tiếp nhận từ nhiều nguồn, Việt Nam hiện có hơn 8,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 với 4 loại khác nhau. Trong đó, vắc-xin AstraZeneca chiếm tỷ lệ lớn nhất với 5.559.650 liều. Xếp sau lần lượt là Moderna (2.000.040), Sinopharm (500.000) và Pfizer (194.200).
Sau khi tiếp nhận số vắc-xin này, NIHE đã phân bổ tới các đơn vị tiêm chủng mở rộng khu vực, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Số vắc-xin này tiếp tục được luân chuyển tới trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, bệnh viện trung ương và bệnh viện ngành để tổ chức tiêm cho người dân.
Về nguồn cung vắc-xin từ nay đến cuối năm theo Bộ Y tế đến nay, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 toàn cầu (COVAX Facility) (38,9 triệu liều);
Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc-xin của Pfizer/BioNTech (31 triệu liều); mua vắc-xin của AstraZeneca (AZ) (30 triệu liều); Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc-xin Sputnik-V của LB Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; Vắc-xin do Chính phủ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ (khoảng 3,5 triệu liều).
Tuy nhiên, do nguồn cung vắc-xin khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được 3.865.520 liều vắc-xin.
Tháng 7 dự kiến tiếp nhận 8.867.370 liều vắc-xin. Toàn bộ số vắc-xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.