Phần chìm của Bảng Xếp hạng FAST 500

Theo Bảng Xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 (FAST 500) vừa công bố, đằng sau sự nổi lên của những ngành tăng trưởng nhanh là sự đi xuống của khối doanh nghiệp (DN) nhà nước và khối DN niêm yết.
Phần chìm của Bảng Xếp hạng FAST 500

Tại buổi Lễ công bố FAST 500 cuối  tuần qua, nhiều DN ngành thủy sản, bất động sản, ngân hàng, ICT… vẫn đạt tốc độ cao về tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trong giai đoạn  khó khăn, khủng hoảng (2009- 2012).

Con số báo cáo tại Lễ công bố cho thấy, 2009 – 2012 là giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2006 của DN FAST 500. Theo đó, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2009 - 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các DN FAST 500 giai đoạn 2008 - 2011. Đây là năm mà tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các DN FAST 500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua.

Xét riêng Top 5 của Bảng Xếp hạng, CAGR trung bình năm nay đạt trên 158%, trong khi con số tương ứng của Bảng Xếp hạng năm trước là 374% cho thấy, sức ảnh hưởng "dài hơi" của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009 tới hầu hết quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù khó khăn, song cộng đồng DN đã có sự cố gắng vươn lên. Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính kinh tế quốc gia cho rằng, FAST 500 đã ghi nhận tôn vinh xứng đáng những đóng góp của DN. FAST 500 cũng là minh chứng cho thấy sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho DN.

Theo đánh của các chuyên gia kinh tế, FAST500 đã phản ánh chính xác tình hình sức khỏe DN. Xét về ngành nghề, thực phẩm, đồ uống là ngành có nhiều DN tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).

Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành, thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong Bảng Xếp hạng năm ngoái. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%). Như vậy, mặc dù có sự “soán ngôi” về số lượng của ngành thực phẩm, đồ uống, song là ngành “tăng trưởng nóng”, bất động sản vẫn tiếp tục ghi dấu trong Bảng xếp hạng FAST 500 năm nay.

Ngoài sự “đổi ngôi” của một số ngành như trên, điểm sáng lớn nhất của FAST 500 là sự trưởng thành của DN tư nhân qua từng năm, cả về lượng và chất.

Số lượng DN tư nhân trong Bảng Xếp hạng FAST 500 luôn chiếm tỷ lệ áp đảo (trên 60%), kể cả trong giai đoạn sóng gió của kinh tế toàn cầu và Việt Nam (từ năm 2009 đến 2012). Xét về tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trong 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011 và 2009-2012, nhóm DN tư nhân cũng dành luôn "vương miện" với CAGR trung bình lần lượt là 56,2%, 47,8%, 48,1% và 50,3%.

Trong khi đó, lợi nhuận của khối DN nhà nước lại có xu hướng giảm dần: 42,2%, 43,1%, 37,5%, 38,9%.

Một phần “chìm” nữa của FAST 500 là tỷ lệ ROA trung bình của nhóm doanh nghiệp niêm yết trong Bảng Xếp hạng FAST 500 có xu hướng giảm. So với năm 2009, tổng tài sản của các DN niêm yết này tăng hơn 210% trong năm 2012, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng chưa đến 150%.

Dù có DN đi lên, DN đi xuống, song cộng đồng DN Việt Nam đều tin rằng, giai đoạn tới, kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn. Đây là cơ hội để DN tăng cường sản xuất, kinh doanh, khẳng định thương hiệu, ghi dấu ấn trên trường quốc tế.    

Trần Mạnh(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục