Phân bón Cà Mau đồng hành cùng ngành nông nghiệp xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã DCM) đã và đang nỗ lực trên hành trình phụng sự nền nông nghiệp nước nhà.
Phân bón Cà Mau đồng hành cùng ngành nông nghiệp xanh

Thành tích kinh doanh ấn tượng

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Công ty sản xuất 701.330 tấn ure và 130.470 tấn NPK, vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ ure đạt 581.300 tấn, NPK đạt 115.040 tấn.

Doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 9.555 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 1.056 tỷ đồng, tăng nhẹ về doanh thu nhưng tăng tới 71,3% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Nhờ chiến lược kinh doanh hiệu quả và tận dụng tối đa các nguồn lực, Công ty đã đạt được mức tăng trưởng khả quan, đóng góp tích cực vào ngành nông nghiệp Việt Nam và củng cố thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đang bắt đầu. Theo dự báo của AgroMonitor, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón tại đồng bằng sông Cửu Long trong niên vụ này đạt khoảng gần 900.000 tấn các loại. Trong đó, riêng đạm urê chiếm khoảng 350.000 tấn, NPK chiếm khoảng 270.000 tấn, tăng nhẹ so với niên vụ năm trước.

Lãnh đạo Phân bón Cà Mau cho biết, Công ty tiếp tục duy trì vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau tối ưu, với công suất đạt 110 - 115% công suất thiết kế, dự kiến cán mốc sản lượng 11 triệu tấn urê tại thời điểm giữa niên vụ Đông Xuân 2024 - 2025.

Bên cạnh đó, Nhà máy NPK Cà Mau hoạt động hiệu quả với công suất thiết kế 300.000 tấn/năm. Việc sở hữu thêm Nhà máy NPK Hàn Việt từ tháng 5/2024, với công suất thiết kế 360.000 tấn/năm, cùng sự đa dạng trong bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng đã giúp Phân bón Cà Mau vững vàng khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu dẫn đầu ngành phân bón.

Hiện Công ty có các dòng phân bón đơn như Đạm Cà Mau, Urea Bio Cà Mau, N46.Plus Cà Mau, DAP Cà Mau, Kali Cà Mau 61,…; dòng sản phẩm NPK Cà Mau phức hợp 1 hạt – 1 màu công nghệ poly phosphate và dòng phân bón hữu cơ OM CAMAU các loại.

Với sự đa dạng kể trên, bà con nông dân khi sử dụng Phân bón Cà Mau có thể dễ dàng chọn lựa theo nhu cầu và tối ưu canh tác theo đặc điểm dinh dưỡng của nhiều loại cây, thổ nhưỡng.

Phát triển xanh, bền vững

Không chỉ thành công trong kinh doanh, Phân bón Cà Mau còn ghi dấu với nhiều nỗ lực phát triển bền vững. Giai đoạn 2012 - 2023, Công ty đã giảm 12% tổng lượng năng lượng tiêu hao trong sản xuất phân bón. Riêng năm 2023, lượng khí tiêu hao đã giảm 0,44%, cường độ phát thải trên mỗi tấn sản phẩm giảm 0,56% so với năm trước.

Nhà máy Đạm Cà Mau hoạt động ổn định ở mức công suất 115 - 116%, đạt Top 10% nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu do Haldor Topsoe bình chọn. Công ty cũng ứng dụng thành công công nghệ thu hồi CO2 để sản xuất phân bón và thu hồi nhiệt thải để phát điện, giúp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phân bón Cà Mau cũng mạnh dạn nghiên cứu các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời và hydro xanh, đặt nền móng cho một hướng đi bền vững trong tương lai. Công ty đã thành lập Ủy ban ESG để giám sát và thực hiện các cam kết phát triển bền vững, đồng thời tăng cường sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, Công ty đang phát triển hệ sinh thái nông nghiệp thông minh với các sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường như NPK thế hệ mới, hữu cơ và vi sinh; xây dựng ứng dụng hữu ích như Trợ lý nông nghiệp 2Nông; triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật trên đa dạng nền tảng, giúp nông dân cả nước có thể tiếp cận, từ đó tăng hiệu quả canh tác, bảo vệ tài nguyên đất và nước.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến chuỗi hoạt động an sinh xã hội, khẳng định tinh thần trách nhiệm và cam kết của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng cộng đồng phát triển bền vững.

Tháng 10 vừa qua, Công ty triển khai Lễ ra quân trồng cây xanh chương trình “Vì một Việt Nam xanh” năm 2024, trao tặng nhà Đại đoàn kết và trao 50 suất học bổng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc.

“Vì một Việt Nam xanh” là chương trình an sinh xã hội trọng tâm của Phân bón Cà Mau, hướng đến mục tiêu trồng 300.000 cây xanh trong giai đoạn 2023 - 2025, góp phần ủng hộ đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động. Đây cũng là bước đi thiết thực khẳng định quyết tâm của Công ty trong lộ trình cùng quốc gia đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời thực hiện các mục tiêu ESG mà Phân bón Cà Mau đã cam kết triển khai.

Ngọc Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục