Trước khi mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này là Ngân hàng Xây dựng – VNCB), Phạm Công Danh (sinh năm 1965) là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (viết tắt là Tập đoàn Thiên Thanh).
Theo tài liệu điều tra, năm 2012, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank) đã gặp nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín, đại diện là bà Hứa Thị Phấn đặt vấn đề mua lại Ngân hàng Đại Tín.
Bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) bán 254,7 triệu cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ) với giá 4,4 tỷ đồng, kèm việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm Hứa Thị Phấn (khoảng 3.553 tỷ đồng) và hỗ trợ các dự án bất động sản tại Thủ Đức và Đồng Tháp do Phấn làm chủ đầu tư.
Tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm phát hiện một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi và mối quan hệ phức tạp giữa Hứa Thị Phấn và khách hàng, nên Thắm quyết định chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh với điều kiện Danh phải đưa cho Thắm 800 tỷ đồng. Năm 2013, Phạm Công Danh chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB).
Khi đó, Tập đoàn Thiên Thanh đang có khoản vay 1.700 tỷ đồng tại Chi nhánh Sở giao dịch II và 900 tỷ đồng tại Chi nhánh Hải Vân, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chưa tất toán. Theo quy định, với vai trò vừa là Chủ tịch HĐQT của VNCB, vừa là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh không thể vay vốn tại VNCB. Chưa kể, VNCB đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, không được tăng trưởng tín dụng.
Để có nguồn tiền thanh toán, Phạm Công Danh dựa vào mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo một ngân hàng để vay 1.800 tỷ đồng, biện pháp bảo đảm chính là khoản tiền của VNCB tại ngân hàng này. Với thủ đoạn sử dụng 6 công ty do mình thành lập và điều hành, Phạm Công Danh và đồng phạm dễ dàng tạo lập hồ sơ vay vốn khống, gấp rút vay số tiền trên. Hết hạn hợp đồng, theo thỏa thuận, ngân hàng đã thu hồi nợ gốc và lãi, còn VNCB phải gánh chịu khoản vay trên.
Mặt khác, trong thương vụ chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đang nợ tiền nhóm Hứa Thị Phấn. Do đó, Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới vay 1.666,8 tỷ đồng của ngân hàng khác. Phạm Công Danh sử dụng một nhóm pháp nhân vay tiền ngân hàng để mua trái phiếu do Tập đoàn Thiên Thanh phát hành. Tài sản đảm bảo là số lượng trái phiếu và bảo lãnh bằng tài khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này.
Cơ quan điều tra xác minh, trong tổng số 1.666,8 tỷ đồng được giải ngân cho 11 công ty của Phạm Công Danh, có 1.600 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung. Sau đó, Danh dùng 600 tỷ đồng trả nợ vay của nhóm Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn làm đại diện), 194 tỷ đồng trả cho ông Trần Quý Thanh, tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng (cho VNCB), trả nợ CTCP Đầu tư phát triển Hải Tiến, trả lương cán bộ-nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi tiền vay cho các công ty của Danh...
Năm 2013, theo đề án tái cơ cấu VNCB, Phạm Công Danh cần nguồn tiền lớn để chứng minh năng lực tài chính nhằm tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.700 tỷ đồng. Theo tài liệu điều tra, Danh chủ động đến gặp và đề nghị giới thiệu một số công ty cần vay vốn theo đề án “gói 4 nhà” sang một ngân hàng TMCP để vay vốn. Hai bên đã thống nhất chủ trương và 4 chi nhánh của ngân hàng này đã giải ngân cho 12 công ty tổng số tiền 4.700 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại ngân hàng và một số bất động sản khác.
Đặc biệt, số tiền giải ngân được chuyển đến tài khoản nhiều cá nhân, mà thực chất đều là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Các cá nhân trên tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản 3 công ty khác. Nguồn tiền được sử dụng tăng vốn điều lệ của VNCB dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm. Ngoài ra, còn một số khoản để sử dụng trả nợ, trả lãi vay cho các công ty do Phạm Công Danh thành lập, điều hành.
Với các chiêu trò “phù phép”, Phạm Công Danh biến dòng tiền từ VNCB để trả các khoản nợ của Tập đoàn Thiên Thanh, nhóm Hứa Thị Phấn, tăng vốn cho VNCB... Hậu quả là chỉ trong vòng 3 năm (2012-2014), vốn chủ sở hữu của VNCB đã âm tới 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên tới gần 38.226 tỷ đồng.