Lách giám sát đặc biệt, Phạm Công Danh rút 6.000 tỷ thế nào?

(ĐTCK) Dù VNCB bị kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát, nhưng Phạm Công Danh và đồng phạm vẫn có thể rút số tiền lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.
Kể từ khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, thanh khoản của VNCB luôn ở mức báo động Kể từ khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, thanh khoản của VNCB luôn ở mức báo động

Cuối tháng 7/2014, vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Giữa năm 2012, Ngân hàng có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng.

Theo phương án tái cơ cấu, nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh, sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh làm đại diện) đã nhận chuyển nhượng 252,1 triệu cổ phần từ nhóm cổ đông Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn đại diện). 

Với việc sở hữu 84,92% cổ phần, Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank. Cùng thời điểm 2012, Trustbank đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát. Mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát – Ngân hàng Nhà nước.

Tháng 7/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 24 bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB, giám đốc các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.    

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 7/2/2013, chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT. Sau khi tuyển chọn, Danh đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành hoạt động Ngân hàng, bao gồm Phan Thành Mai - Phó tổng giám đốc thường trực (sau này là Tổng giám đốc VNCB); Mai Hữu Khương - Thành viên HĐQT, phụ trách bộ phận tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh làm Giám đốc Khối Kinh doanh.

Đến ngày 23/5/2013, Trustbank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (viết tắt là VNCB, hiện nay là CBBank).

Kể từ khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, kết quả hoạt động của VNCB không khả quan, có chiều hướng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao, thanh khoản luôn ở mức báo động.

Kết luận thanh tra số 224/KL-TTGSNH ngày 10/7/2012 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, VNCB âm vốn chủ sở hữu hơn 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.061,1 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2012 đã kiểm toán cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ lũy kế hơn 8.765,8 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 5.711,1 tỷ đồng. Năm 2013, lỗ lũy kế là 11.348,2 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 8.293,5 tỷ đồng.

Ngày 26/7/2014, khi vụ án bị khởi tố, VNCB âm vốn sở hữu ở mức kỷ lục là 18.469 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 38.255,8 tỷ đồng; trong khi tổng tài sản là 16.745,6 tỷ đồng. 

Cơ quan điều tra – Bộ Công an đã chỉ ra rằng, hậu quả trên chủ yếu do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra. Sau khi lãnh đạo VNCB, Phạm Công Danh tìm cách xoay sở để có nguồn tiền trả nợ, tăng vốn, chi chăm sóc khách hàng…

Thủ thuật “qua mặt” cơ quan giám sát

Kết luận điều tra xác định, Phạm Công Danh lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát của VNCB, cũng như các thuộc cấp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh lập các hồ sơ vay vốn khống để rút tiền ngân hàng này bằng cách gửi tiền sang 3 ngân hàng khác để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty của Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên. Hậu quả là VNCB bị thiệt hại số tiền lên tới 6.123,7 tỷ đồng.

Vì sao trong bối cảnh bị kiểm soát đặc biệt, Phạm Công Danh vẫn dễ dàng rút số tiền rất lớn như vậy?

Quá trình điều tra làm rõ, Phạm Công Danh thành lập 12 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, trong đó có Công ty Nhất Vinh¸ Công ty Nhà Quốc Thắng, Công ty Địa ốc Bảo gia, Công ty Nhà Đại Long, Công ty Thành Công, Công ty Hương Việt…, để Danh lấy pháp nhân đứng tên trong hồ sơ vay vốn. Giám đốc của những công ty này đều là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị…, của Tập đoàn Thiên Thanh, được trả lương từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng. Họ không được quản lý con dấu, giấy tờ pháp lý. Các công ty có treo biển, nhưng không có hoạt động, không phát sinh doanh thu.

Với ý định này, Phạm Công Danh tạo dựng biên bản họp HĐQT của VNCB ngày 23/3/2013, ban hành Nghị quyết với chủ trương dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng làm tài sản bảo đảm cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng mà VNCB có tiền gửi thị trường 2… Giao Ban Tổng giám đốc, các giám đốc khối kinh doanh liên hệ các ngân hàng hoàn tất thủ tục vay vốn.

Tháng 4/2013, Phạm Công Danh cùng Phan Thành Mai, Nguyễn Quốc Viễn đến Sacombank gặp ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) đề nghị vay 1.800 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Sacombank, Phạm Công Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương làm đầu mối chính lập và hoàn chỉnh hồ sơ vay của 6 công ty, liên hệ phối hợp với Sacombank.

Tiếp nhận hồ sơ, ngày 26/4/2013, Sacombank giải ngân số tiền 1.800 tỷ đồng vào tài khoản 6 công ty trên. Ngay sau đó, các công ty này chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Công Danh mở tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Hết thời hạn hợp đồng tín dụng, do khách hàng vay vốn không trả được nợ, theo điều khoản, Sacombank tự động thu hồi nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay 35 tỷ đồng từ 2 tài khoản tiền gửi của VNCB.

Thực tế, 6 công ty khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, không nhận nợ vay với VNCB, nên ngân hàng này “mất trắng” khoản nợ trên.

Điệp khúc “bảo lãnh, rút tiền”

Năm 2013, VNCB và BIDV ký kết thỏa thuận hợp tác với nội dung: “BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán…, trên cơ sở VNCB có khách hàng/đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này, BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB (tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo)…”.

Theo đó, tháng 9/2013, Phạm Công Danh chủ động gặp lãnh đạo BIDV đặt vấn đề VNCB có các khách hàng doanh nghiệp cần vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng để BIDV xem xét theo đề án “4 nhà”.

Tương tự với thủ thuật như Sacombank, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn của 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Danh cũng quyết định dùng tài sản bảo đảm gồm 6 lô đất tại Sân vân động Chi Lăng (Đà Nẵng) và số 209 Trường Chinh (phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), đồng thời bảo lãnh bằng 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB.

BIDV đồng ý giải ngân cho 12 công ty của Danh tổng số tiền 4.700 tỷ đồng. Sau đó, số tiền này được chuyển vào tài khoản của 4 công ty là bên bán hàng do Phạm Công Danh chỉ định.

Tài liệu điều tra cũng cho thấy, các bị can lặp lại phương thức trên để vay 1.706 tỷ đồng tại TPBank. Tuy nhiên, các ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank đều đã thu hồi số tiền cho vay và không bị thiệt hại.

Không có văn bản chỉ đạo?

Lời khai của bị can Phan Thành Mai thể hiện, việc gửi tiền thị trường 2 tại BIDV, VNCB có xin ý kiến Tổ giám sát. Tuy nhiên khi bảo lãnh và trả nợ thay, VNCB không báo cáo, không hạch toán ngay vào sổ sách của Ngân hàng.

Cuối tháng 5/2013, khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp tại TP.HCM, Phan Thành Mai đã báo cáo chi tiết tình hình hoạt động của VNCB và dùng tiền gửi thị trường 2 tại BIDV, Sacombank, TPBank để bảo lãnh khoản vay của các công ty tại 3 ngân hàng này. Mai cũng xin ý kiến về việc dùng số tiền dự kiến tăng vốn (khoảng 4.500 tỷ đồng) để bù đắp thiệt hại cho VNCB. Trường hợp vẫn tiếp tục tăng vốn, VNCB xin nhận lại các khoản vay được coi là khoản vay tại VNCB và bù thêm tài sản khác của Phạm Công Danh.

Ngoài báo cáo miệng, Phan Thành Mai ký văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo, nhưng không nhận được văn bản trả lời, hay sự chỉ đạo chính thức nào. Sau cuộc họp, VNCB thực hiện hạch toán toàn bộ số tiền hơn 6.000 tỷ đồng vào khoản phải thu của các công ty. Mai thừa nhận, việc làm này nhằm hợp thức hóa sổ sách.

Đỗ Mến – Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục