Không thể “một mình một chợ”
Tại Kỳ họp 11 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan.
Theo các đại biểu Quốc hội và chuyên gia, khi TPP được phê chuẩn, thì sẽ tác động ngay đến nhiều lĩnh vực, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, vì phải chuẩn bị nhiều yếu tố để sẵn sàng tham gia hội nhập.
Doanh nghiệp nhà nước là một trong những nội dung đàm phán chính của TPP và cũng là một trong những nội dung đàm phán rất gay go, bởi tại nhiều quốc gia tham gia TPP, đặc biệt là ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng và còn được Nhà nước hỗ trợ.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song tiến trình tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều hạn chế. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo...
"Tôi cho rằng đừng có phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đã là doanh nghiệp Việt Nam đó là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam…" - Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ
Sau khi đàm phán với các nước, đặc biệt là với Hoa Kỳ, Việt Nam đã thông qua một số quy định của Hiệp định TPP về DNNN. Trong đó bao gồm các nội dung chủ yếu như: các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; DNNN không được nắm vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính...; Nhà nước không được trợ cấp quá mức cho các DNNN, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Với việc Việt Nam gia nhập TPP, các DNNN sẽ phải chấp nhận luật chơi của quốc tế, không thể tiếp tục hoạt động theo kiểu “một mình một chợ” như hiện nay.
Thúc đẩy cải cách
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thì cần chủ động thay đổi về “chất”, tức là trong cách quản trị doanh nghiệp, có hệ thống nhà đầu tư chiến lược bên ngoài khu vực nhà nước tham gia; đồng thời thay đổi cách tư duy, vận hành mục tiêu của cổ phần hóa. Nếu chúng ta chỉ cổ phần hóa với một tỷ lệ cổ phần rất nhỏ bán ra bên ngoài, đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp nhà nước mua cổ phần lẫn nhau, thì bản chất câu chuyện không thay đổi.
“Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi cả tư duy lẫn con người. Đã đến lúc phải dùng những nguyên tắc quản trị hiện đại đối doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, có thể áp dụng đầy đủ hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể nguyên tắc minh bạch hóa thông tin, thiết lập cơ chế giám sát hữu hiệu đối với doanh nghiệp nhà nước. Phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, cho giới hạn trong khoảng thời gian nhất định không thoái vốn, không cổ phần hóa được, thì thay lãnh đạo doanh nghiệp...”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM đề xuất.
Theo một số đại biểu Quốc hội, thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp đã trở nên thành công nhờ cổ phần hóa. Vì vậy, thách thức của Chính phủ là phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa… Cấp bách hơn là đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu loại bỏ độc quyền và những ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước, áp đặt kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo “tương thích” với cam kết TPP.
Đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Chúng ta phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Làm mạnh doanh nghiệp dân tộc trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà anh nào cũng được hưởng, phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng được triết lý của văn hóa ‘Doanh nghiệp dân tộc Việt’. Tôi cho rằng đừng có phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đã là doanh nghiệp Việt Nam đó là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam…”.