Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất vì thiếu hệ thống phân phối, thiếu quảng bá...
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động trong việc khẳng định vị thế và chiếm chỗ đứng ở thị trường trong nước. Điều này, các doanh nghiệp Việt cần học hỏi từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Thái Lan, khi hiện nay họ đang dần tăng cao thị phần tại thị trường Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần có quy định về tỷ lệ bán hàng Việt đối với từng mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước đã sản xuất tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong xu thế hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc liên kết với nhau.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt đoàn kết còn rất kém. Các doanh nghiệp cần phải thấy trên trường quốc tế nhu cầu là gì, sản phẩm gì Việt Nam có thể cung cấp được.
“Chúng ta nên khuyến khích con em đi học quay về địa phương để áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, từ đó sẽ tăng cơ hội tôn vinh đặc sản vùng miền. Điều này có lợi thế cho việc khảo sát xuất khẩu, con người và sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ được phát triển và được tôn vinh”, bà Hiếu đề xuất.
Cũng tại Diễn đàn, Ban Tổ chức đã tôn vinh, ghi nhận những nỗ lực của 25 doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa chất lượng, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và góp phần nâng cao sức mạnh và sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.