Phải có bách nghệ trong đòi nợ xấu

Trong bối cảnh hiện nay, để đòi nợ, doanh nghiệp (DN) phải dùng đến các loại “võ” cùng biện pháp “Đông - Tây” kết hợp.
Phải có bách nghệ trong đòi nợ xấu

Tại đại hội cổ đông thường niên 2013, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết, ông ngày đêm canh cánh, trăn trở với nhiệm vụ xử lý nợ xấu, nợ khó đòi. Tính đến hết quý III/2013, nợ xấu giảm mạnh, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao (7,74% dư nợ). Trong quý II, SHB là một trong những ngân hàng dẫn đầu về nợ xấu (trên 9%). Xét về giá trị tuyệt đối, sau 9 tháng đầu năm 2013, SHB vẫn đang “vướng” hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn vẫn cao.

Còn CTCP Trang trí nội thất Dầu khí đã gửi thông tin lên báo chí để phản ánh việc CTCP Xây lắp (CPXL) Dầu khí Hà Nội cố tình dây dưa không trả khoản nợ hơn 1.600 tỷ đồng cho công trình trụ sở Viện Dầu khí tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trong khi đó, tại CTCP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Thanh Hà (Haforexim), tính đến cuối năm 2012, vốn chủ sở hữu của Công ty đã âm hơn 118 tỷ đồng do tình trạng thua lỗ và bị nhiều DN chiếm dụng vốn. Đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều DN khác và đó cũng là lý do vì sao nhiều DN quyết định áp dụng những biện pháp quyết liệt, như bán nợ cho công ty thu mua nợ hoặc tiến hành khởi kiện…  để thu hồi được các khoản nợ của mình.

Chẳng hạn, sau nhiều lần đòi hơn 10 tỷ đồng tiền nợ không được, CTCP Công nghiệp Cimexco đã quyết định khởi kiện Công ty Cơ khí Việt Á (thuộc CTCP Tập đoàn Đầu tư thương mại và công nghiệp Việt Á) ra tòa vì thiếu cam kết trong việc trả nợ. Động thái này của Cimexco không đơn giản chỉ để đòi khoản nợ hơn 8 tỷ đồng, mà còn để cảnh tỉnh với những DN khác trong quá trình ký kết các hợp đồng làm ăn.

Phải có bách nghệ trong đòi nợ xấu ảnh 1

Bà Đỗ Thị Xuân Hảo, CEO Trung tâm Bánh mứt Bình Minh là CEO của chương trình tuần này

Trước đó, phía Việt Á có kế hoạch là đến ngày 31/12/2013 sẽ trả hết nợ cho Cimexco; nếu không thực hiện được, Việt Á sẽ trả phải thêm lãi theo quy định. Tuy nhiên, phía Cimexco cho rằng, kế hoạch trả nợ của Việt Á chỉ là để đối phó, còn thực chất, Việt Á không có thiện chí thực hiện. “Chúng tôi đã đưa ra một thỏa thuận giải quyết tranh chấp, đó là CTCP Tập đoàn Đầu tư thương mại và Công nghiệp Việt Á cam kết bảo lãnh, trả nợ thay, nếu Việt Á không có khả năng trả nợ hoặc vi phạm bất kỳ nghĩa vụ trả nợ nào, nhưng họ không cam kết. Vậy thì những kế hoạch trả nợ của họ lấy gì đảm bảo, họ cố tình chây ì trả nợ để chiếm dụng vốn của chúng tôi, rồi lại đưa chiêu “chỉ lấy được tiền gốc là may” thì ai cũng bó tay với kiểu làm ăn của họ”, đại diện Cimexco cho biết.

Hay như với báo cáo tài chính của CTCP Bê tông Biên Hòa đã thực hiện kiểm toán, thì trong năm tài chính, đơn vị đã trích bổ sung nợ khó đòi số tiền 8,23 tỷ đồng.

Bên cạnh những DN sử dụng các hành động cứng rắn như trên, thì cũng có không ít DN áp dụng các biện pháp mềm dẻo hơn, như kiên nhẫn trao đổi, đàm phán với bên đi nợ để hai bên cùng thống nhất được phương án trả nợ phù hợp nhất.

Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, để xử lý nợ xấu phải dùng đến rất nhiều biện pháp, từ việc vận động khách hàng trả nợ đến việc đi rình rập con nợ hay phải tuân thủ theo pháp luật để đưa ra tòa phát mại tài sản... “Nói chung là phải có bách nghệ trong đòi nợ, phải có các loại võ và dùng tất cả những biện pháp Đông - Tây kết hợp”, ông Hiển nói tại đại hội đồng cổ đông SHB.

Tuy nhiên, tất cả những giải pháp nêu trên của các DN chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, để hoạt động tài chính của DN ổn định và an toàn hơn, thì cần phải có một chiến lược quản trị tài chính chủ động. Cùng với đó là một đội ngũ nhân lực có đủ khả năng và chuyên môn. Trong trường hợp DN không đủ sức, thì cần phải có sự hỗ trợ, tư vấn của các đơn vị chuyên nghiệp đến từ bên ngoài.

Vũ Anh (baodautu.vn)
Vũ Anh (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục