Phác họa thị trường quý IV và 2017

(ĐTCK) Một số điểm nhấn của kinh tế thế giới, sự chuyển động của kinh tế vĩ mô Việt Nam và những tác động đến thị trường chứng khoán quý IV/2016, rộng hơn là năm 2017, vừa được các chuyên gia mổ xẻ tại Diễn đàn Chuyên gia phân tích 2016 (VIPF).
Theo một tính toán, 15 công ty mới sẽ mang lại khoảng 15 tỷ USD vốn hóa cho thị trường chứng khoán

Dự báo 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bức tranh kinh tế của hai cường quốc lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc sẽ có những gam màu gì? Theo giới phân tích, đầu tư, chính sách tranh cử của ông Trump là tăng trưởng kinh tế, hạ thuế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, bởi vậy tỷ lệ việc làm sẽ tăng mạnh dưới thời Đảng Cộng hòa, theo tính toán sẽ tăng 2,5 lần so với thời Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn. Thị trường sẽ phản ứng tích cực với việc ông Trump lên nắm quyền.

Với kinh tế Trung Quốc, đang có 3 vấn đề được quan tâm gồm: giá trị nhân dân tệ; bong bóng bất động sản và ngân hàng; nền kinh tế liệu có thể “hạ cánh mềm” hay không?

Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giảm giá nội tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hóa xuất khẩu. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã liên tục phá giá nhân dân tệ, từ tháng 8/2015 đến tháng 10/2016, nhân dân tệ mất giá 10%. Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nội tệ cho đến tháng 8/2017 vì khi ông Trump lên nắm quyền, vấn đề thương mại với Trung Quốc sẽ được đưa ra thảo luận đầu tiên.

Liệu giữa Mỹ và Trung Quốc có xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại dưới thời ông Trump? Câu trả lời của các chuyên gia tại hội thảo là rất ít khả năng vì hai nước đang quá phụ thuộc vào nhau. Hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với dư nợ ước khoảng 30% tổng nợ nước ngoài của Mỹ (hơn 1,131 triệu tỷ USD) và mỗi năm Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ khoảng 300 tỷ USD. Thay đổi cục diện này nhanh chóng là điều không dễ dàng với ông Trump và cả nước Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc gần đây có nhiều nhận định về nguy cơ bong bóng tín dụng, nợ xấu ngân hàng và bất động sản, nhưng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có đủ nguồn lực và khả năng kiểm soát tình hình để xử lý, tạo ra những cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế và ít có khả năng gây sốc cho kinh tế toàn cầu. 

Hướng chuyển động của kinh tế Việt Nam

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong bối cảnh mới nêu trên, kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển động gì nhằm vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để phát triển?

Theo ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, GDP của Việt Nam nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng 6,3 - 6,4%. Năm 2017, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết với mục tiêu GDP tăng 6,7%, đây là mục tiêu không dễ đạt được, mức tăng 6,5% khả thi hơn, nhưng Chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì nếu GDP tăng thấp, nợ công sẽ phình to, bội chi ngân sách lớn.

Một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, liệu Việt Nam có thực hiện giảm giá VND để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu? Trong bối cảnh Trung Quốc và nhiều nước khác trong khu vực theo đuổi chính sách giảm giá nội tệ, như Malaysia trong vòng 1 năm qua đã giảm giá nội tệ 20%, các chuyên gia nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có động thái điều chỉnh tỷ giá tiền đồng và dư địa cho năm 2017, tiền đồng phải mất giá trên 2% mới tạo ra sự cạnh tranh nhất định cho hàng hóa xuất khẩu (năm 2016, dư địa giảm giá tiền đồng còn 1% so với chính sách định hướng của Ngân hàng Nhà nước).

Khả năng phá giá tiền đồng ở mức độ lớn hơn 5% là khó xảy ra vì Việt Nam theo đuổi chính sách ổn định. “Chúng ta đã có nhiều bài học và trả giá quá đắt, với cả chục ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, nợ xấu tăng cao”, ông Hùng nói.

Giảm giá tiền đồng, lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng, nhưng theo các chuyên gia, Chính phủ đang có chủ trương hạ lãi suất nên lãi suất khó có thể vọt lên cao trong năm 2017. Trong khi đó, ngoại tệ đang dư thừa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp, tạo dư địa cho việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định.

Bên cạnh đó, một yếu tố được giới đầu tư đánh giá cao đó là Chính phủ nhiệm kỳ này thể hiện mạnh mẽ tinh thần của Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, trong đó tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, vào sản xuất, phân bổ nguồn lực theo thị trường và giảm lợi ích nhóm. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện rất rõ tinh thần phân bổ lại các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. 

Cơ hội đầu tư năm 2017

Một số chuyên gia dí dỏm nhận xét, năm 2016 là năm thanh bình đột biến của thị trường chứng khoán.

“Cuối năm 2015, khi chúng tôi tổ chức hội nghị của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, nhiều người còn dự đoán rằng, thị trường chứng khoán sẽ cực kỳ thê thảm, lãi suất tăng đáng kể”, một chuyên gia chia sẻ.

Hiện tại, VN-Index đang dao động trong khu vực 670 - 680 điểm, tăng khoảng 100 điểm so với cuối năm 2015. Theo một số phân tích, VN-Index có thể đạt 699 điểm vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, đại diện một quỹ đầu tư cho rằng, hàn thử biểu của thị trường tăng còn do yếu tố kỹ thuật, chứ không hoàn toàn phản ánh sức khỏe nội tại của các doanh nghiệp. Cụ thể, quỹ đầu tư này đã thống kê số liệu tài chính của các doanh nghiệp niêm yết và thấy rằng, doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 của các doanh nghiệp tăng 12,9%, nhưng lợi nhuận ròng giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tăng mạnh một phần là do tiền được bơm vào thị trường chứng khoán thông qua cho vay giao dịch ký quỹ (margin), hệ thống ngân hàng dư thanh khoản đẩy tiền vào công ty chứng khoán.

Liên quan đến margin, giới phân tích chia sẻ quan điểm, cơ cấu giao dịch ký quỹ hiện nay có nhiều điểm khá khác biệt. Trước đây, công ty chứng khoán chủ yếu cho nhà đầu tư cá nhân vay, nhưng nay các tổ chức sử dụng giao dịch ký quỹ nhiều, trong đó có mục đích dùng để thâu tóm doanh nghiệp.

Diễn biến của thị trường chứng khoán và các chỉ số, nhìn qua có cảm giác về một năm thắng lợi của các nhà đầu tư, nhưng nếu phân tích kỹ thì không thực sự lạc quan.

“Đơn cử, loại bỏ cổ phiếu ROS ra khỏi VN-Index, chỉ số sẽ giảm đáng kể”, giám đốc một quỹ đầu tư nói.

Trong một số báo cáo gửi các nhà đầu tư gần đây, quỹ đầu tư trên đã phải thống kê chi tiết rằng, nếu không có cổ phiếu ROS trong rổ tính VN-Index, thành tích của họ tốt hơn VN-Index là bao nhiêu; có ROS, họ trở thành đi sau thị trường thế nào.

Số liệu phân tích cũng cho thấy một yếu tố cần lưu ý, đó là chỉ số giá trên lợi nhuận (P/E) của các mã blue-chips, hơn nửa trong số đó hiện đạt 22 - 40 lần, báo hiệu giá nhiều cổ phiếu đang ở mức cao.

Trong khi đó, năm 2017, cục diện thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Trước hết là sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu mới, với quy mô lớn. Những doanh nghiệp đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) từ nhiều năm trước như Sabeco, VEAM, VNA, ACV… sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết/đăng ký giao dịch.

Theo một tính toán, 15 công ty mới sẽ mang lại khoảng 15 tỷ USD vốn hóa cho thị trường chứng khoán, trong đó Sabeco đạt quy mô 3 tỷ USD, ACV là 2,25 tỷ USD, BSR là 1,58 tỷ USD, Novaland là 1,4 tỷ USD.

Các cổ phiếu mới sẽ chiếm khoảng 30% trong Top 10, 40% trong Top 15, 60% trong Top 20. Nâng hình ảnh cho VN-Index và tạo ra nhiều lựa chọn, thực đơn phong phú cho giới đầu tư, những cổ phiếu mới được đánh giá hấp dẫn để bỏ vốn.

Với những cổ phiếu hiện có mức P/E cao, theo quan điểm của một số quỹ đầu tư, cũng không hẳn không có cơ hội.

“Tôi cho rằng, nếu cổ phiếu có EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) cao thì P/E trên 20 lần vẫn rẻ, nếu chúng ta nhìn sang các thị trường chứng khoán khu vực như Ấn Độ, Indonesia…”, đại diện một quỹ đầu tư lớn bày tỏ quan điểm.

Nhìn nhận về thị trường năm tới, nhiều chuyên gia phân tích chia sẻ nhận định rằng, sẽ có nhiều biến động lớn hơn, độ nóng cao hơn, dòng tiền chảy mạnh hơn. Đầu năm 2016, giá hàng hóa đi xuống mạnh, rủi ro lớn, kiếm lợi nhuận khó. Nhưng hiện nay, giá nhiều loại hàng hóa đã hồi phục, thậm chí được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo đó, thị trường chứng khoán 2017 sẽ không phẳng lặng.

“Kinh tế năm 2017 sẽ đạt tăng trưởng 6,5 - 6,7%, lạm phát được kiềm chế ở mức 4 - 5% cho phép Chính phủ kiểm soát được lãi suất, duy trì mức lãi suất thấp, hỗ trợ thị trường chứng khoán. Kinh tế Việt Nam đang ổn định, hồi phục, tăng trưởng và chúng tôi dự báo, trong 3 năm tới sẽ đạt đỉnh ngắn hạn. Thị trường chứng khoán thông thường đạt đỉnh trước nền kinh tế 1 năm. Cơ hội đầu tư năm 2017 là hiện hữu”, giám đốc bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán lớn nói.

Hoàng Giang - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục