PGS-TS xã hội học Nguyễn Tuấn Anh: Thiếu vốn xã hội thì không vay mượn của ai được

“Nói về vốn xã hội thì cốt yếu nhất là lòng tin và quan hệ có đi, có lại giữa các thành viên trong xã hội. Vốn xã hội đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của chúng ta. Đời sống kinh tế cần tiền thì cuộc sống này cần vốn xã hội. Thiếu tiền thì vay được, nhưng thiếu vốn xã hội thì không vay ai được”, PGS.TS Xã hội học Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ với Báo Đầu tư trong câu chuyện về xây dựng niềm tin trong cuộc sống.
PGS-TS xã hội học Nguyễn Tuấn Anh: Thiếu vốn xã hội thì không vay mượn của ai được

Thưa PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, khi bàn về niềm tin trong cuộc sống hiện đại, nhiều người mới quan tâm đến khái niệm “vốn xã hội”, dù đó là khái niệm không mới với khoa học xã hội nhân văn thế giới. Ở Việt Nam, khái niệm này cũng đã được đề cập nhiều năm qua, nhưng có vẻ như không nhiều người thực sự hiểu và quan tâm đúng mức tới nó?

Đúng là trên thế giới, người ta đã nghiên cứu về vốn xã hội từ rất lâu. Khái niệm vốn xã hội được đề cập lần đầu tiên vào nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phải từ thập niên 80 của thế kỷ XX, chủ đề vốn xã hội mới được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

Ở Việt Nam, chúng ta khó xác định thời điểm cụ thể khái niệm vốn xã hội được dùng trong giới học thuật. Nhưng thực tế là, nhiều công trình nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, như sử học, dân tộc học, văn hóa học... đã bàn về vốn xã hội từ rất lâu, dù có thể các nghiên cứu này chưa dùng đến thuật ngữ “vốn xã hội”.

Thiếu tiền có thể vay được, nhưng thiếu vốn xã hội thì không vay ai được, chỉ có thể tự ta vun đắp, xây dựng từng ngày, mà trước hết là xây dựng niềm tin.

Qua nhiều nghiên cứu chúng ta thấy trong xã hội Việt Nam truyền thống, nhất là ở các làng xã cổ truyền, vốn xã hội thường được biểu hiện qua các hình thức tổ chức xã hội như dòng họ, hội, phường, phe, giáp… Và, người dân nông thôn, thông qua các hình thức tổ chức xã hội đó, đã tạo dựng, khai thác, sử dụng vốn xã hội để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong sản xuất và kinh doanh, mà còn trong các sự kiện quan trọng của đời người, hay trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như sinh nở, cưới xin, tang ma, giỗ tết.

Khi bàn về vốn xã hội, người ta đề cập đến lòng tin và quan hệ có đi có lại trong các mạng lưới xã hội. Lòng tin và quan hệ có đi có lại là cơ sở quan trọng của đời sống cá nhân và cộng đồng. Như vậy, thực ra chúng ta vẫn đang hàng ngày tạo dựng, duy trì và vận dụng vốn xã hội. Nói cách khác, chúng ta luôn sống, “hít thở” trong “môi trường” vốn xã hội, nhưng chúng ta có gọi tên hay nhận ra điều đó hay không mà thôi. 

Việt Nam tự hào có nền văn hiến lâu đời với tính cố kết cộng đồng cao. Vậy trong suốt chiều dài đó, vốn xã hội được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Tính cố kết cộng đồng cao là chỉ báo quan trọng phản ánh niềm tin giữa con người Việt Nam với nhau. Trong suốt chiều dài lịch sử, niềm tin đó đã là cơ sở quan trọng đối với sự hình thành cũng như vận hành của các thiết chế xã hội phù hợp ở từng giai đoạn phát triển đất nước, gắn kết các cá nhân riêng lẻ lại với nhau để cùng đấu tranh, sinh tồn và phát triển.

Người Việt Nam tin nhau, dựa vào nhau để vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai từ thuở mông muội sơ khai. Người Việt Nam tin vào nhau để xây dựng khối đại đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, các tộc người, các làng xã trên khắp đất nước, để chiến thắng nhiều kẻ thù lớn mạnh, giành lấy nền độc lập, tự do.

Dưới một góc nhìn nhất định, thực tiễn này phản ánh vai trò quan trọng của vốn xã hội trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam từ quá khứ, đến hiện tại và cả tương lai. 

Còn trong đời sống thường nhật, có thể nhận diện “hình hài” vốn xã hội từ một hoạt động gần gũi nhất, quen thuộc nhất như thế nào, thưa ông?

Tôi xin nói về một hiện tượng rất phổ biến ở các làng quê, thậm chí cả đô thị Việt Nam, đó là sự tồn tại của các nhóm tín dụng xoay vòng tự nguyện - một hình thức tín dụng phi chính thức, thường được gọi là chơi “họ”, “hụi” hay “phường tiền”.

Dưới góc nhìn của vốn xã hội, chúng ta thấy quá trình thành lập và hoạt động của các nhóm tín dụng xoay vòng diễn ra trên cở sở vốn xã hội, cụ thể là lòng tin và sự có đi có lại giữa các thành viên với nhau.

PGS-TS xã hội học Nguyễn Tuấn Anh: Thiếu vốn xã hội thì không vay mượn của ai được ảnh 1

 PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh là nhà nghiên cứu chuyên sâu về mảng vốn xã hội và biến đổi làng xã

Các thành viên của nhóm tín dụng này, sau một khoảng thời gian nhất định, đóng góp một khoản tiền để một thành viên của nhóm nhận khoản tiền đó. Việc góp tiền và nhận tiền của các thành viên trong nhóm cứ diễn ra xoay vòng từ người này đến người khác.

Như vậy, việc vận hành của nhóm tín dụng xoay vòng dựa trên quan hệ có đi có lại. Thêm nữa, sự có đi có lại như thế lại dựa trên lòng tin giữa các thành viên của nhóm. Những thành viên của nhóm chỉ tin nhau và thỏa thuận miệng với nhau chứ không có bất cứ tài sản thế chấp nào. Mỗi người đều tin rằng, mình góp tiền vào đó, người khác nhận rồi sẽ đến lượt mình.

Trong làng xã Việt Nam xưa, nhóm họ, hay phường tiền như thế này có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người dân, khi mà các định chế tín dụng hiện đại như ngân hàng, quỹ tín dụng chưa hiện diện.

Như trên đã nói, đó là một trong các hình thức để người dân gắn bó với nhau, hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong sản xuất - kinh doanh, mà còn trong các sự kiện trọng đại của đời người.

Giai đoạn hiện nay, ở nhiều làng quê mà chúng tôi có dịp nghiên cứu, các nhóm tín dụng xoay vòng vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nông thôn. Hình thức tín dụng này đã hỗ trợ nhiều người về nguồn lực tài chính để họ phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc lo những việc lớn trong đời như “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, hay khi gia đình không may gặp hoạn nạn.

Điểm đáng lưu ý ở đây là trong những năm qua, ở nhiều làng quê, phố thị đã xảy ra những vụ vỡ “họ”, bể “hụi”, khi một thành viên (thường là chủ hụi) “ôm” phần tiền đóng góp của cả nhóm bỏ trốn. Thực tế này diễn ra là do những nhóm họ, hụi này đã bị khuyết mất điều quan trọng của vốn xã hội, đó là lòng tin. Thiếu lòng tin nên quan hệ “có đi có lại” giữa các thành viên, hay sự vận hành của các nhóm họ, hụi này đã đổ vỡ. 

Thưa ông, nói đến “lòng tin”, quan hệ “có qua có lại” - những đặc điểm quan trọng của vốn xã hội, phải chăng ở tầm rộng hơn, nên đề cập đến mối quan hệ giữa Chính phủ, cơ quan công quyền với người dân?

Đó là phạm trù vốn xã hội với trách nhiệm công dân. Điều này đã được các học giả trên thế giới nghiên cứu từ lâu. Năm 2000, nhà chính trị học người Mỹ Robert Putnam có một nghiên cứu về sự tham gia chính trị của dân chúng Hoa Kỳ, với kết luận rằng: Từ giữa những năm 1960 cho đến những năm 2000, một bộ phận dân chúng đáng kể ở Hoa Kỳ ít quan tâm đến chính trị và công việc công cộng, không đi bầu cử, không tham gia các cuộc họp chung, ít tham gia các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị và tổ chức công dân.

Nhiều người Mỹ cho biết họ có tư cách thành viên trong nhiều tổ chức cộng đồng khác nhau, nhưng họ không dành thời gian cho các tổ chức đó, không tham gia họp hành, công việc hội đoàn. Nói cách khác, họ chỉ “đánh trống ghi tên” mà không thể hiện trách nhiệm với tổ chức của họ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ lại từ chối trách nhiệm công dân? Một trong những khía cạnh mà R. Putnam nhấn mạnh là lòng tin đối với chính quyền. R. Putnam cho biết nhiều người Mỹ người không tin rằng chính quyền đã làm đúng nhất, tốt nhất trong hầu hết mọi thời điểm. Như vậy, rõ ràng là trách nhiệm công dân phụ thuộc vào một yếu tố rất quan trọng là lòng tin của công dân vào chính quyền. 

Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một bộ máy hành động, kiến tạo; các công sở hướng đến xây dựng đội ngũ công chức và nền hành chính phục vụ, một số địa phương để người dân chấm điểm, bày tỏ mức độ hài lòng của họ với đội ngũ công chức; hay Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động của các địa phương… Phải chăng, các hoạt động đó đều có thể làm gia tăng vốn xã hội, thưa ông?

Điều gì giúp người ta tin tưởng nhau, chủ thể này hành động vì chủ thể kia và ngược lại (quan hệ có đi có lại) thì đều có thể là cách để làm giàu vốn xã hội.

Những hoạt động giúp gia tăng lòng tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền đang được toàn hệ thống chính trị nỗ lực thực hiện. Khi người dân tin tưởng vào chính sách do Nhà nước ban hành và thực hiện, trách nhiệm công dân của họ cũng sẽ tăng lên.

Về điểm này, nhà nghiên cứu Tôn Thất Nguyễn Thiêm trong một ấn phẩm năm 2006 đã nhấn mạnh: Để công dân không từ chối trách nhiệm công dân thì chính quyền/nhà nước phải tạo dựng lòng tin đối với quần chúng, phải ứng xử với quần chúng đúng nghĩa hai chiều: Chính quyền làm gì cho cộng đồng, cộng đồng thể hiện trách nhiệm thế nào với chính quyền. 

Các nghiên cứu về vốn xã hội cũng chỉ ra rằng, vốn xã hội nếu không được nuôi dưỡng, sử dụng đúng đắn thì sẽ gây tác hại tiêu cực. Ông có thể chỉ rõ những trường hợp đó?

Thực ra bên cạnh những tác động tích cực, vốn xã hội cũng có thể tạo ra những hệ quả tiêu cực đối với con người và đời sống xã hội. Điều này phụ thuộc vào việc sử dụng vốn xã hội. Chẳng hạn khi nói đến một dạng vốn xã hội được gọi là “vốn xã hội co cụm vào trong”, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến sự đóng kín của một nhóm hay cộng đồng, trong những bối cảnh nhất định có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Một là, nó ngăn cản óc sáng tạo của các thành viên, làm giảm năng lực cạnh tranh, tạo ra tâm trạng an phận thủ thường, bằng lòng với những điều đã có, đơn giản vì họ không phải cạnh tranh với người bên ngoài, không cần sáng tạo để tiến bộ.

Trong bối cảnh kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu mãnh liệt hiện nay, tổ chức hay doanh nghiệp nào chỉ nuôi dưỡng vốn xã hội co cụm vào trong, khép kín thì sẽ thua thiệt, không thể đổi mới, phát triển được.

Hai là, ở góc độ lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, vốn xã hội co cụm vào trong còn có thể dẫn đến sự ràng buộc giữa các thành viên trong tổ chức theo hướng lòng tin không trong sáng, nghĩa là giữ bí mật cho nhau những điều có lợi cho bản thân mà có hại cho tổ chức, có hại cho tập thể, có hại cho cộng đồng, có hại cho xã hội. Đây chính là sự có đi, có lại dựa trên lòng tin khép kín nhằm mang lại lợi ích bất hợp pháp.

Chính vì thế, khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch; đồng thời kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm về kinh tế, về chính sách, về cán bộ… thì chúng ta tin tưởng rằng, niềm tin của nhân dân sẽ được củng cố, gia tăng, cũng có nghĩa là gia tăng vốn xã hội cho sự phát triển.

Thiếu tiền chúng ta có thể vay được và làm việc để trả nợ, nhưng thiếu vốn xã hội thì không vay ai được, chỉ có tự chúng ta vun đắp, xây dựng từng ngày, mà trước hết là xây dựng niềm tin.

Đan Thanh thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục