Penny dậy sóng: Khi niềm tin lạc mất!

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ - đầu cơ (penny) đang “dậy sóng” trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và thị trường chung suy giảm. Đằng sau sự hưng phấn đó có thể là câu chuyện buồn về niềm tin và nhiều điều trăn trở về thị trường.
Penny dậy sóng: Khi niềm tin lạc mất!

Sôi động nhóm penny

Lệnh vào nhấp nháy liên tục trên bảng điện tại không ít mã cổ phiếu penny, giá cổ phiếu tăng nhiều phiên, thậm chí tăng trần, dư mua khối lượng lớn.

Không khó để nhận ra, trong một bức tranh ảm đạm của thị trường, nhóm cổ phiếu penny đang có “sóng” lớn.

Lâu lắm rồi, nhóm cổ phiếu này mới trở lại và trở lại mạnh mẽ đến vậy. Tiền đang vào penny!

Thống kê Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HOSE trong 1 tháng trở lại đây cho thấy, đa phần trong số đó là những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, giá dưới hoặc quanh mệnh giá. Nhiều mã có mức tăng 1 tháng và 3 tháng trên 50%.

Thống kê về giá là dễ nhận ra, nhưng vẫn chưa thể hình dung được hết độ nóng của nhóm cổ phiếu penny, mà phải trực tiếp xem bảng điện, trực tiếp chứng kiến sự bùng nổ về khối lượng giao dịch mới thấy hết được sự sôi động của nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu trụ hụt hơi

Trường hợp các cổ phiếu penny bùng nổ và thu hút dòng tiền, trong khi các cổ phiếu trụ có diễn biến tiêu cực hiếm khi xảy ra.

Thông thường, nhóm cổ phiếu trụ phải ít nhất giữ được mặt bằng giá mới có thể tạo điều kiện cho nhóm cổ phiếu nhỏ bứt phá; nếu không, sự suy giảm các cổ phiếu trụ sẽ khiến tâm lý chung tiêu cực và dòng tiền rất khó lan tỏa đến nhóm penny, nhóm cổ phiếu được xem là có rủi ro cao hơn.

Trong trường hợp có diễn biến phân kỳ của nhóm cổ phiếu trụ và nhóm penny, phân kỳ thường xảy ra theo hướng các cổ phiếu trụ tăng nhưng tiền không vào nhóm penny và sự lan tỏa chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu kéo chỉ số.

Nhiều thị trường chứng khoán quốc tế cũng có “quy luật” như vậy.

Chẳng hạn, trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong nhịp tăng từ năm 2014, sự đồng thuận giữa nhóm cổ phiếu lớn (chỉ số S&P500) và nhóm cổ phiếu nhỏ (chỉ số Rusell 2000) là tương đối cao.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, đà tăng dần co lại ở nhóm cổ phiếu trụ khi đến tháng 12/2019, S&P500 đã vượt đỉnh, trong khi Rusell 2000 vẫn còn đang loay hoay.

Trong một số giai đoạn, nhóm cổ phiếu penny có thể tăng mạnh hơn, nhưng điều kiện cần là nhóm trụ duy trì được diễn biến khả quan.

Penny dậy sóng: Khi niềm tin lạc mất! ảnh 2

Diễn biến chỉ số S&P500 và Rusell 2000 từ năm 2014 đến nay (Nguồn: Bloomberg).

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ lâu có một quy tắc kinh nghiệm hay được áp dụng, đó là khi tiền chảy qua nhóm cổ phiếu penny thường là dấu hiệu của cuối sóng.

Tuy nhiên, tiền chảy qua nhóm penny theo quy tắc kinh nghiệm nói trên là khi tiền trước đó đã được chảy vào nhóm trụ; tiền chảy qua penny sau khi thị trường đã xác lập xu hướng tăng và tăng nhiều là dấu hiệu cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần hưng phấn thái quá và các trụ có khả năng suy yếu sau đó khiến thị trường giảm.

Còn hiện tượng tiền chảy vào penny như thời điểm hiện tại trong bối cảnh các cổ phiếu trụ đang ảm đạm, nhiều mã giảm giá mạnh là một tín hiệu rất đáng chú ý.

Khi niềm tin lạc mất

Để giải thích hiện tượng phân kỳ mạnh giữa nhóm trụ và nhóm penny theo hướng hiếm gặp như hiện tại, có lẽ cần trở về thời điểm gần nhất xảy ra hiện tượng tương tự.

Từ tháng 6 - 10/2014 là khoảng thời gian các diễn biến tương tự xảy ra, khi các cổ phiếu đầu cơ hoạt động rất sôi nổi, trong khi các trụ chìm nghỉm.

Trong biểu đồ diễn biến chỉ số VN30 và VN Smallcap, khung phía dưới thể hiện sức mạnh tương đối (Relative Strength - RS) của hai chỉ số này, với RS càng lớn thể hiện VN30 càng khỏe hơn VN Smallcap và ngược lại.

Những nhà đầu tư đã trải qua giai đoạn đó, giai đoạn từ giữa năm đến cuối năm 2014, chắc hẳn cũng đều đồng ý, từ sau đỉnh năm 2008 thì đó là giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam mang đậm tính đầu cơ nhất, với các penny thanh khoản cao hút dòng tiền.

Nhiều nhà đầu tư lao vào “canh bạc” với những game, những đội lái và những phiên giao dịch không tưởng.

Penny dậy sóng: Khi niềm tin lạc mất! ảnh 3

Diễn biến chỉ số VN30 và VN Smallcap từ năm 2014 đến nay.

Vậy đâu là nguyên nhân ở cả hai giai đoạn, năm 2014 và hiện tại? Tại sao nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, nhiều bluechip bị thờ ơ?

Lời giải thích hợp lý nhất có lẽ là niềm tin. Điểm chung của cả hai giai đoạn là niềm tin đã gần như lạc mất. Đầu tư chứng khoán suy cho cùng là một nghề để kiếm tiền và kiếm được tiền là thước đo quan trọng nhất.

Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ tư duy ngắn hơn, tức đầu tư ngắn hạn và khi việc tin vào các giá trị cơ bản, tin vào những phân tích chuyên sâu không thể ra tiền trong ngắn hạn, họ sẽ tin vào nơi nào dòng tiền hiện hữu.

Khi cổ phiếu trụ, cổ phiếu bluechip, cổ phiếu cơ bản tốt… không mang lại hiệu quả, họ vẫn sẽ tin vào nơi có thể kiếm tiền nhanh hơn, dù cho các cổ phiếu đó có thể có vấn đề, thậm chí ai cũng có thể nhận ra đây chỉ là những cuộc chơi về giá.

Không sao, miễn là họ tin rằng, họ thông minh hơn so với phần còn lại và có thể kiếm tiền.

Có chút gì đó nghịch lý, có chút gì đó hơi đi ngược, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến như vậy.

Có câu nói gần như trở thành châm ngôn, thị trường luôn đúng và dòng tiền luôn thông minh. Khi tiền yếu, khi không đủ để kéo chỉ số, kéo các trụ, không đủ để lan tỏa rộng, dòng tiền nhỏ còn lại tìm cách len lỏi vào ngách để đâu đó kiếm những cơ hội mà ở đó dễ thành công hơn.

Như đã nói, thị trường luôn đúng và câu chuyện hiện tại là câu chuyện của niềm tin. Tin vào điều đúng hay không, đó có phải là cuộc chơi lành mạnh hay không, nhà đầu tư có lẽ không quan tâm nhiều, miễn sao có hiệu quả, có hy vọng trong giao dịch.

Tình trạng trên cho thấy, các cơ quan quản lý cần nỗ lực hơn trong việc gây dựng lòng tin đúng, tạo dựng cuộc chơi lành mạnh hơn trên thị trường chứng khoán - thị trường của niềm tin.

Bùi Văn Huy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục