“Bùng nổ” là cụm từ được nhắc nhiều ở phiên giao dịch cuối tuần, và cũng là phiên mở màn chào tháng mới khi các chỉ số và thanh khoản đều ghi nhân gia tăng vượt trội. Đà tăng ấn tượng của thị trường có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu "họ Vin" VIC, VHM, VRE. Phiên giao dịch này sẽ là động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng, hay lại tạo “áp lực” đối giao dịch của thị trường trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
"Bùng nổ" phá đỉnh phiên 19/3/2019 là những gì tôi chờ đợi từ bao lâu nay để xác nhận kịch bản mà tôi đã đưa ra: VN-Index sẽ lên 1.200 vào 2020 tại MBS Talk đầu tháng 6/2019 vừa qua - 2 tháng sau có điều chỉnh lại mục tiêu là 1100 +/- 30 trước tết âm lịch.
Đối với tôi, đây là phiên quyết định xu thế thị trường từ nay đến tết âm lịch bởi thị trường đã tích lũy ở vùng dưới 1.000 trong suốt 1 thời gian dài nên khiến nhiều nhà đầu tư chán nản với thị trường sau bao lần chạm vùng 1.000 và bật xuống. Sau phiên bùng nổ với khối lượng lớn và dưới sự dẫn dắt của nhóm VIN thì tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường đã chính thức được khơi thông mạnh mẽ.
Xét về mặt phân tích kỹ thuật, chúng tôi tự tin rằng đây chính là phiên tạo đà để đẩy thị trường lên vùng 1.100 +/- 30 trước tết âm lịch. Đây cũng không phải là lần đầu tiên VN-Index tích lũy 1 thời gian dài khoảng 3 tháng và sau đó tăng rất mạnh khi dải bollinger band được mở rộng theo hướng lên trên. Và những lần như vậy thông thường thị trường sẽ tăng trưởng liên tục không dưới 2 - 3 tháng.
Xét về mặt cơ bản thì hiện nay kịch bản trên được hỗ trợ bởi 1 nền tảng vĩ mô rất vững chắc mà nhiều phân tích trước đây đã từng đề cập như GDP quý III tăng trưởng mạnh nhất trong 9 năm trở lại đây trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất ổn và quan trọng nhất đối với dòng tiền ngoại đó là CPI và tỷ giá được kiểm soát rất tốt. Trong bối cảnh FED và các NHTW trên thế giới liên tục nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế thì sẽ có 1 lượng vốn giá rẻ được bơm vào thị trường chứng khoán, và thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi từ đó.
Chúng tôi cũng có một thống kê thú vị rằng, khi FED hạ lãi suất 3 lần liên tiếp 0.25%/lần thì thị trường chứng khoán sau đó sẽ tăng khá mạnh (thị trường phản ứng trung hạn tốt hơn khi FED hạ lãi suất 1 lần > 0.5%, đây cũng là mấu chốt hỗ trợ thị trường chứng khoán trong 3 tháng tới).
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường từ đầu năm đến nay đã rất khó khăn để vượt ngưỡng 1000 điểm trong khi đó chỉ cần một mình VHM đã đủ sức kéo chỉ số vượt qua mốc 1000 rất dễ dàng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Có thể ban đầu tâm lý chung còn khá nghi ngại nhưng sau khi chỉ số đã vượt qua 1.010 thì rõ ràng tâm lý “tham lam” lại trỗi dậy và nhà đầu tư đã mạnh dạn giải ngân hơn. Thị trường tăng thì sự hưng phấn lên theo nhưng vấn đề là khi thị trường đi lên quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ tạo áp lực sau đó.
Bản thân VIC, VHM đang ở vùng giá cao nhất vì vậy các áp lực này càng mạnh hơn khi hàng T3 trở về và đây yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý trong tuần sau.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Cá nhân tôi đánh giá phiên giao dịch cuối tuần qua mang ý nghĩa rất quan trọng khi nó xóa tan tâm lý ảm đạm và thận trọng kéo dài cả tháng trước đó. Động lực mua mạnh của các cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup sau thông tin đăng ký mua cổ phiếu quỹ cộng với dòng tiền mua ròng trở lại của khối ngoại đã giúp thị trường bừng sáng.
Tâm lý thị trường vẫn thận trọng trong phiên giao dịch sáng khi số cổ phiếu giảm vẫn chiếm đa số bất chấp điểm số tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi trong phiên giao dịch chiều với đà tăng lan tỏa trên nhiều cổ phiếu, thanh khoản cải thiện mạnh và thị trường sôi động trở lại.
Do đó, phiên giao dịch này mang tính bản lề để dẫn dắt dòng tiền quay trở lại thị trường và mở ra nhiều cơ hội ngắn hạn. Hơn nữa, bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế đang tích cực trở lại điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường Việt nam tích cực trong tuần giao dịch tới.
Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang giúp tâm lý thị trường bình ổn. Với xu hướng này, nhóm bluechips, đặc biệt nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 có còn dư địa tăng trưởng không?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Việc thị trường tăng mạnh do nhóm cổ phiếu trụ, đặc biệt là nhóm VIN đã không nằm ngoài dự báo của chúng tôi cách đây hơn 1 tuần bởi đây không phải là lần duy nhất thị trường tích lũy 1 thời gian dài và sau mỗi lần như vậy thị trường luôn khởi động con sóng mới bằng sự trỗi dậy của nhóm vốn hóa lớn.
Theo phân tích các lớp cổ phiếu, tôi đã dự báo rằng từ 28/10 đến cuối 1/2020, thị trường sẽ tăng trưởng qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ 28/10 đến 3 tuần đầu tháng 11: Dòng tiền sẽ chỉ tập trung vào các mã vốn hóa lớn và các mã nằm trong VN30. Trong đó dòng tiền sẽ tập trung chủ yếu vào nhóm họ VIN bởi đây là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30 mới áp dụng từ 4/11. Trong giai đoạn này thì các cổ phiếu còn lại của thị trường có tăng nhưng tăng rất ít.
Ông Dương Văn Chung
Giai đoạn 2: Từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 1/2020: Dòng tiền sẽ bắt đầu chuyển dịch sang các mã bluechip thông thường và các mã midcap (penny có nhưng rất ít). Giai đoạn này các mã trụ có tăng điểm nhưng tăng ít hơn giai đoạn 1 và chủ yếu mang tính duy trì nhịp tăng của thị trường. Giai đoạn này sẽ có nhiều cổ phiếu midcap tăng 25 - 35%.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhóm cổ phiếu lớn vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt chính do chính bản thân doanh nghiệp kinh doanh ổn định và giữ vị thế tăng trưởng tốt. Điều này tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế chung vẫn chưa thật sự vững mạnh và ngành sản xuất vẫn khá khó khăn.
Nhóm Vn30 đang được các quỹ cơ cấu mua vào cũng là yếu tố tích cực trong trung hạn và vì vậy là điểm trú chân tốt cho nhà đầu tư chọn lựa cổ phiếu nắm giữ. Nhóm ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng khá lớn trong Vn30 trong khi đó ngoài VCB, BID thì nhiều cổ phiếu vẫn đang ở vùng giá thấp khá tốt để tích lũy.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Trong nhóm VN30 động lực tăng ở các cổ phiếu như: VCB; VJC; BID; VHM; VRE; VIC; FPT; BVH; CTG là rất tốt. Trong khi các cổ phiếu còn lại đang tích lũy và ít chịu áp lực giảm. Do đó, xu hướng chung của các cổ phiếu thuộc VN30 và chỉ số này thiên về hướng tăng điểm.
Ở góc độ định giá thì những cổ phiếu này cũng không còn quá hấp dẫn để kỳ vọng về những đợt sóng tăng mạnh nhưng rõ ràng đây vẫn là điểm đến của dòng tiền lớn khi giải ngân. Ngoài ra, khi dòng tiền tham gia trở lại thì cơ hội tăng giá sẽ lan tỏa sang nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Trong điều kiện thị trường đang là “cuộc chơi” của chỉ số và các mã vốn hóa lớn. Đơn cử nhóm Vingroup ghi nhận tỷ trọng 2/3 trên toàn thị trường khi tăng 10,67 điểm trên tổng số 16,77 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên 1/11. Cơ hội có dành cho nhóm midcap, penny?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Như đã nói ở trên, đây không phải là lần duy nhất VNI tăng mạnh nhờ mã trụ ở giai đoạn đầu sau 1 thời gian dài tích lũy. Và chúng ta cần phải thích nghi với nó nếu muốn tồn tại trên thị trường.
Các mã trụ có vai trò rất lớn trong việc tạo xu thế và dẫn dắt dòng tiền về sau. Sau một thời gian tăng mạnh kéo chỉ số thì thị trường được nâng lên mức định giá mới. Sau khi mặt bằng định giá mới được thiết lập ổn định thì dòng tiền mới lan tỏa sang Bluechip thông thường và Midcap.
Về mặt thời gian dòng tiền lan tỏa sang midcap, tôi dự báo là từ cuối tháng 11 trở đi, sau nhịp chỉnh tại vùng VNI 1070 +/- . Còn với Penny thì chúng tôi không chắc chắn lắm bởi hiện nay phần lớn những nhà đầu tư thích lướt sóng penny đã chuyển dịch sang trading hợp đồng tương lai rồi.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Tôi cho rằng, nhóm mid cap và penny vẫn có những câu chuyện riêng của từng cổ phiếu và có thể “ăn theo” nhóm cổ phiếu bid cap trong những phiên tăng mạnh như vừa qua. Chưa có nhóm ngành nào nổi bật hiện tại vì vậy khả năng tạo một đợt sóng lớn ở các nhóm này là không nhiều.
Một vài doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nổi bật 9 tháng đầu năm có thể tạo sự đột phá đáng chú ý đặc biệt là những doanh nghiệp tái cấu trúc thành công và chuyển lỗ thành lãi sẽ được nhà đầu tư săn đón nhiều hơn do trước đó giá đã giảm nhiều.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Dòng tiền luôn là yếu tố then chốt của thị trường và mỗi khi dòng tiền trở lại cơ hội sẽ mở rộng trên nhiều nhóm ngành. Điểm tựa về điểm số giúp giải tỏa tâm lý e dè của dòng tiền và dòng tiền sẽ len lỏi để tìm kiếm cơ hội khi cảm nhận tích cực về xu hướng chung.
Ông Nguyễn Trung Du
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua chúng ta cũng thấy dòng tiền bắt đầu trở lại ở nhiều cổ phiếu trên nhiều nhóm vốn hóa với mức tăng nổi trội. Do đó, tôi tin rằng với bối cảnh tích cực của thị trường đang trở lại các cơ hội ngắn hạn sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần giao dịch tới.
Với biến động của thị trường hiện tại, theo các ông/bà, các đợt điều chỉnh có phù hợp cho giao dịch mua ngắn hạn kiếm lời?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Theo phân tích của chúng tôi, thị trường sẽ không có một nhịp điều chỉnh đáng kể nào cho tới khi VNI chạm vùng 1.060 đến 1.070. Sau khi chạm vùng 1.070 +/- VNI sẽ có 1 nhịp điều chỉnh khá, sau nhịp chỉnh này dòng tiền sẽ lan tỏa sang Midcap.
Vì vậy, xét về măt chỉ số thì từ nay đến cuối năm thì bất kể lúc nào thị trường rung lắc mạnh, điều chỉnh thì là cơ hội tốt để mua vào cổ phiếu và Long phái sinh
Còn đối với lớp cổ phiếu cơ sở thì có thể tạm chia thành 2 nhóm:
Nhóm 1 có thể tham gia luôn các cổ phiếu vốn hóa lớn để bắt nhịp tăng giai đoạn 1
Nhóm 2 có thể chủ động gom dần các mã Midcap có cơ bản tốt, dự báo kết quả kinh doanh quý IV tăng mạnh. Nhóm này thì mua sẽ không bị rủi ro ngắn hạn do chưa tăng nhưng nhà đầu tư sẽ có cảm giác sốt ruột vì thị trường tăng nhưng cổ phiếu trong danh mục tăng rất ít. Tuy nhiên, đây chính là những hành động mà nhà đầu tư lớn cần làm trước khi dòng tiền đổ mạnh vào đây vào cuối tháng 11.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường đang tích cực dần và tôi luôn giữ lạc quan đây là giai đoạn nắm giữ cổ phiếu tốt nhất trong năm. Sẽ có vài nhịp điều chỉnh nhưng xu hướng thị trường chung sẽ tăng trưởng từ đây cho đến hết quý 1 năm sau. Những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, thương mại bán lẻ, sẽ hấp dẫn hơn so với các nhóm ngành khác.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư, CTCK VNDriret
Hiện xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường đang trở lên tích cực hơn và việc chọn lọc mua vào mỗi khi thị trường điều chỉnh là chiến thuật hợp lý. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên nhớ rằng mức độ phân hóa của thị trường trong 2 năm qua là rất mạnh khi nhiều cổ phiếu vẫn suy giảm bất chấp xu hướng chung.
Trên thị trường sẽ có nhóm cổ phiếu tăng giá chủ động nhờ câu chuyện riêng của nó trong khi đó cũng có vô số các cổ phiếu tăng giá theo hiệu ứng "vơ bèo vạt tép" và thông thường việc tăng giá này mang lại rủi ro hơn là cơ hội.
Do đó, theo kinh nghiệm của tôi nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu có dòng tiền lớn từ các tổ chức đóng vai trò dẫn dắt bởi những chiếc thuyền lớn thường đi ra khơi xa hơn và tránh được giông bão tốt hơn so với những chiếc thuyền nhỏ.