P/E trên 20 lần, chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn vốn ngoại?

(ĐTCK) Năm 2017, dòng vốn ngoại đóng vai trò quan trọng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Với mức định giá chung hiện nay, thị trường không còn rẻ so với nhiều nước trong khu vực. Đâu sẽ là yếu tố duy trì sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài?
Trong năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Trong năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu

P/E TTCK việt nam cao hơn nhiều thị trường

“Số liệu từ Bloomberg và FiinPro, định giá theo P/E thị trường Việt Nam đến hết ngày 8/1/2018 ở mức 20,2 lần, cao hơn khá nhiều so với các thị trường tương đồng trong khu vực như Pakistan có P/E là 8 lần, Malaysia và Trung Quốc có P/E là 16 lần, Thái Lan có P/E là 18 lần và gần tiệm cận với các thị trường có mức định giá cao nhất như Indonesia và Philipines, P/E là 22 lần. Theo tôi, TTCK Việt Nam hiện không còn rẻ so với khu vực”, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime nhận xét.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, nhiều cổ phiếu có mức tăng giá lớn hơn nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến định giá và rủi ro của thị trường tăng.

“Năm 2017, chúng ta dựa vào rất nhiều dòng tiền nước ngoài, nay thị trường không còn rẻ so với khu vực thì liệu có còn hấp dẫn hay không?”, ông Linh nêu vấn đề.

P/E trên 20 lần, chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn vốn ngoại? ảnh 1

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng chia sẻ: “Tôi nhìn sự phát triển của thị trường chứng khoán một cách thận trọng. Tôi làm ngân hàng nên luôn đánh giá từ phía rủi ro. Thị trường chứng khoán năm 2017 tăng tốt, nhưng tôi không đồng ý là tăng ổn định, bền vững. Ta phải nghiên cứu, nhà đầu tư nào bỏ tiền vào, khối ngoại bao nhiêu, từ quốc gia nào? Dòng tiền đó ra vào như nào, họ đến Việt Nam với mong muốn xây dựng hay trục lợi và khi nào thị trường chênh vênh thì rút? Ta cần nghiên cứu sâu về vấn đề này và phải thận trọng”.

Cơ hội vẫn lớn

TTCK Việt Nam có thể giảm sức hấp dẫn do định giá đắt hơn so với nhiều thị trường trong khu vực, nhưng ông Mạc Quang Huy cho rằng, có những yếu tố hấp dẫn mới được bổ sung.

“Yếu tố định giá rẻ chung của thị trường giảm đi, nhưng thị trường vẫn có những cơ hội đầu tư do dự báo lợi nhuận các công ty niêm yết tiếp tục tăng mạnh ở mức khoảng 20% trong năm 2018, cũng như nhiều cổ phiếu còn định giá ở mức khá hấp dẫn. Ngoài ra, một số công lớn, hoạt động hiệu quả dự kiến cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước năm 2018 sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư ngoại nói riêng tìm kiếm lợi nhuận trong năm nay”, ông Huy nhận định.

Ông Thomas Felix Baden, quyền Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ hợp lực (Unicap) nhìn nhận, cổ phần hoá doanh nghiệp là cách mà thị trường Việt Nam mở rộng cửa thu hút vốn nước ngoài.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, dân số trên 95 triệu người tạo ra thị trường tiêu dùng lớn. Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt công việc của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động thương mại và đầu tư. Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, vì vậy khi các doanh nghiệp nước ngoài đến đây có thể dễ dàng tìm kiếm được những người lao động chăm chỉ, có kỹ năng tốt”, ông Thomas nói.

Điều gì sẽ quyết định mức độ thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu?

Ông Huy cho rằng, có 13 yếu tố lớn tác động đến dòng chảy vốn này. Trong đó, các yếu tố mang tính bên ngoài Việt Nam gồm: tăng trưởng kinh tế của các nước; lãi suất USD và trái phiếu chính phủ Mỹ; biến động giá trị USD và các đồng tiền mạnh khác như Bảng Anh, Euro, Nhân dân tệ, Yên Nhật; biến động địa chính trị tại các khu vực căng thẳng trên thế giới; mức sinh lời của các tài sản phi rủi ro khác, gồm lợi tức từ trái phiếu chính phủ của các quốc gia phát triển; mức sinh lời kỳ vọng của thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Các yếu tố nội tại của Việt Nam gồm: tăng trưởng GDP; tỷ giá USD/VND; mức sinh lời cao từ đầu tư vào thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư; tính bạch và cơ hội đầu tư mới; sự dễ dàng trong việc chuyển vốn vào và ra khỏi Việt Nam; quy mô thị trường chứng khoán; thanh khoản thị trường và hoàn thiện các sản phẩm mới.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục