Sự đồng hướng của niềm tin về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, sự chuyển biến tích cực về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố - hai điểm sáng nhất trong Bảng Xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 - cho thấy môi trường cạnh tranh thực sự không đến từ sức ép của chính quyền địa phương lên “phiếu bầu” của doanh nghiệp.
Hai điểm sáng này được rút ra qua đánh giá của gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dựa trên những phân tích chi tiết về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các địa phương năm 2014 so với năm trước đó.
Điều đó cho thấy, công tác điều hành của các địa phương đã tác động trực tiếp và ngày càng lớn tới sự tăng trưởng hay trì trệ của doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa, phần lớn giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp ở địa phương nằm trong tầm tay của chính quyền địa phương.
Nhưng phải nhấn mạnh rằng, mặc dù năm nay, chất lượng điều hành của các địa phương đã cải thiện trong 3 năm liên tục, nhưng vẫn chưa vượt qua được mức kỷ lục của năm 2011. Hơn thế, kết quả điều tra năm nay vẫn tái hiện xu hướng cải cách của những năm trước. Đó là các tỉnh tiên phong chững lại và chưa có bướt đột phá. Một số địa phương bứt phá chủ yếu do sự thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong những lĩnh vực dễ cải cách như đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp...
Có thể nhìn thấy rõ hơn mối liên quan này khi xem xét từng chỉ số thành phần của PCI. Năm nay, điểm chấm cho các lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và chi phí thời gian đều tăng. Đặc biệt, tính minh bạch có xu hướng cải thiện rất mạnh khi đạt mức điểm cao thứ 2 trong suốt 10 năm thực hiện PCI (chỉ sau năm 2008). Lần đầu tiên, thời gian khởi sự doanh nghiệp được rút ngắn kỷ lục…
Dẫu vậy, cũng phải nói thêm rằng, những cải cách về thủ tục đang dần tới hạn. Trong khi đó, tính năng động, chi phí không chính thức và tiếp cận đất đai - những yếu tố đòi hỏi những thay đổi rất lớn về tư duy, cách hành xử và tính thực chất trong cải cách - lại sụt giảm.
Rõ ràng, kỳ vọng vào tiến trình cải cách của doanh nghiệp còn rất lớn, đồng nghĩa với dư địa để chính quyền các địa phương tạo nên những thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn trong môi trường kinh doanh. Nhưng tính khả thi của các kỳ vọng này lại trông vào sự năng động hơn, sáng tạo hơn của các cấp chính quyền địa phương, trực tiếp là các vị lãnh đạo, mà điều này lại không dễ.
Ngay trong báo cáo PCI 2014, đơn vị thực hiện là VCCI đã phải dành không ít thời gian để hiệu chỉnh và xử lý các trường hợp can thiệp vào kết quả chỉ số PCI.
Thậm chí, năm 2014, mức độ can thiệp đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới tính khách quan và độ chính xác của Bảng Xếp hạng khi doanh nghiệp ở một số tỉnh cho biết, họ nhận được yêu cầu phản ánh thông tin tích cực về địa phương nếu nhận được phiếu kháo sát của VCCI.
Thực tế cho thấy, áp lực về thứ hạng trên Bảng Xếp hạng PCI thường niên đang khiến chính quyền nhiều địa phương phải nỗ lực tìm cách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo đó, những nơi nào có thái độ đối phó với kiến nghị từ doanh nghiệp thì môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương đó sẽ càng trở nên kém minh bạch và kém bền vững hơn.
Có lẽ cùng phải nhắc đến những đánh giá của khu vực FDI về những điểm chưa được của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đó là chi phí không chính thức còn lớn; chất lượng hạ tầng và dịch vụ hành chính công như y tế, giáo dục chưa cao; nhiều quy định còn chồng chéo, tác động bất lợi tới tâm lý nhà đầu tư...
Một lần nữa, chất lượng, hiệu quả công việc thực tế ở địa phương được xác định là rào cản lớn của môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, không một thành phố hay tỉnh nào có thể khoả lấp được các rào cản này nếu chỉ tác động đến phiếu bầu của doanh nghiệp thông qua mệnh lệnh hành chính hay áp lực từ chính quyền địa phương.