PCI cũng chỉ là một thước đo

Đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp (DN) được xem là giải pháp hữu hiệu để cải thiện lòng tin và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tại Đà Nẵng, việc đôn đốc thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh được thực hiện liên tục Tại Đà Nẵng, việc đôn đốc thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh được thực hiện liên tục

Cuộc gặp “không rào cản”

Chương trình Cà phê doanh nhân tháng 8 của Tuyên Quang vừa kết thúc rất thành công. Sự thành công mà ông Nguyễn Hữu Thập, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang nhắc tới không chỉ đơn giản là cuộc gặp “không rào cản” giữa DN của tỉnh và lãnh đạo địa phương, điều mà hiếm khi doanh nhân có thể thực hiện được trước đó.

“Chủ đề tháng 8 là Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN nhằm nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đến dự. Đại diện các ngành đều có mặt. DN nêu vướng mắc. Chủ tịch chỉ đạo giải quyết tại chỗ”, ông Thập cho biết.

Đây là lần thứ hai, Tuyên Quang tổ chức Chương trình Cà phê doanh nhân vào sáng thứ Bảy. Lần đầu tiên vào tháng 7/2014, chủ đề được lựa chọn là “Xúc tiến đầu tư - hội nhập phát triển”. Nhiều sở, ban, ngành sau đó bị khiển trách vì không đến dự theo yêu cầu của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện PCI của Tuyên Quang. Khi đó, đã có quan điểm “trên ấm, dưới lạnh” để lý giải cho sự thiếu vắng đó.

“Chúng tôi đang cảm nhận được những thay đổi trên thực tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ban đầu và những khó khăn được tháo gỡ mới là những khó khăn mang tính bề nổi”, ông Thập chia sẻ.

Cũng phải nói thêm, Tuyên Quang là địa phương đứng cuối Bảng Xếp hạng PCI 2013, do giảm điểm ở hầu hết các chỉ số thành phần, từ gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian... Trong số này, chi phí không chính thức giảm điểm mạnh nhất. Đây cũng là một trong 2 chỉ số thành phần có điểm thấp nhất của Tuyên Quang. Năm 2012, thứ hạng của Tuyên Quang cũng rất thấp, ở vị trí 62/63. Đây là lý do Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện PCI của Tuyên Quang được thành lập.

Có thể cần thêm thời gian để thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của DN và mong muốn cải thiện thứ hạng PCI của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhìn nhận, việc lựa chọn hình thức cà phê để đối thoại thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy của chính quyền địa phương.

“Trên thực tế, nhiều hội thảo với những bảng hiệu lớn không giải quyết được các vướng mắc của DN, không thu hút được sự quan tâm của DN bằng một không gian sáng tạo, gần gũi. Khi chính quyền địa phương và các doanh nhân gần nhau hơn, bỏ qua nghi lễ, DN sẽ thẳng thắn hơn và cán bộ địa phương cũng tin tưởng DN hơn. Nhiều vướng mắc có thể được cải thiện ngay khi hai bên cùng có lòng tin”, ông Tuấn phân tích.

Câu hỏi về động lực

Tuyên Quang không phải là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức đối thoại sáng tạo này. Tuy nhiên, bài học mà Tuyên Quang và những địa phương đi sau cần quan tâm có lẽ là kinh nghiệm mà ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ đã đúc rút, đó là nỗ lực cải thiện PCI đòi hỏi thời gian dài.

“Quan trọng nhất là giữ được mối quan hệ gần gũi, tin cậy giữa chính quyền địa phương và DN. Nếu chỉ vì mục tiêu thăng hạng nhất thời, thì năm nay, có thể PCI sẽ lên, nhưng sẽ xuống vì những cải thiện không mang tính dài hạn”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, không dễ có được tư duy này, nhất là khi thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI nhiều khi là mối quan tâm lớn của các vị lãnh đạo tỉnh, thay vì bản chất của từng thay đổi trong thứ hạng đó.

Mới nhất, sau khi PCI 2013 được công bố vào tháng 3/2014, đã có địa phương gửi công văn tới tận Văn phòng Chính phủ phàn nàn về thứ hạng PCI của họ. Những năm trước, đã có địa phương “xin” ra khỏi bảng xếp hạng vì “năm nào cũng đứng ở tốp cuối”… Thậm chí, có lãnh đạo địa phương còn kêu ca lý do họ không ở thứ hạng cao vì PCI không lấy ý kiến DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương…

“Khi làm báo cáo, ngành nào cũng tuân thủ đúng quy định về thủ tục hành chính. Nhưng khi cộng lại, có DN mất 3 tháng mới hoạt động được. Nếu lãnh đạo chỉ nhìn vào báo cáo của từng ngành, thì không thấy nhược điểm để cải thiện”, ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công thuộc Sở Công thương Bình Phước, thường trực Tổ công tác PCI Bình Phước phân tích và cho biết, Bình Phước đã đưa việc thực thi chương trình hành động nâng cao PCI vào tiêu chí xét thi đua giữa các cơ quan địa phương hàng năm.

Ngay ở Đà Nẵng, địa phương đang giữ ngôi đầu PCI 2013, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho biết, việc đôn đốc thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh được thực hiện liên tục.

“Hàng năm, chúng tôi đo chỉ số hài lòng của công dân, DN và công bố trên trang thông tin. Đây là một kênh thông tin để so sánh, bên cạnh những thông tin khác, đồng thời cũng là để người dân và DN thực sự hiểu công việc của cơ quan hành chính. Việc thực hiện các công việc này dựa trên nguyên tắc là thực chất và sát sao”, ông Hùng chia sẻ.

Điều quan trọng nhất, theo ông Hùng, là từng người đều cảm nhận được yêu cầu cần phải thay đổi, chứ không chỉ vì vị trí bao nhiêu trên các bảng xếp hạng.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục