Paypal bỏ 120 triệu đô mua startup về kiểm soát rủi ro thanh toán

Startup Simility được mong đợi sẽ giải quyết bài toán về an toàn trong giao dịch thanh toán của Paypal.
Simility được Paypal mua lại với giá 120 triệu USD. Simility được Paypal mua lại với giá 120 triệu USD.

Người khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục "mua sắm" với tham vọng tích hợp thêm công nghệ tiên tiến để phục vụ 237 triệu khách hàng.

Gần đây nhất, Paypal vừa thông báo bỏ 120 triệu USD tiền mặt để mua lại Simility, một startup giúp phòng tránh lừa đảo, rủi ro trong giao dịch thương mại.

Paypal từng là nhà đầu tư của Simility. Theo số liệu từ PitchBook, startup mới gọi vốn gần 25 triệu USD và được định giá 52,75 triệu USD. Thương vụ mua bán giữa Paypal và Simility dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 3 này. 

Tình trạng lừa đảo trong giao dịch trực tuyến giữa người mua – người bán hay các cá nhân trong một tổ chức là một trong các rào cản lớn nhất cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Vấn đề này càng bức thiết khi hoạt động mua bán online ngày càng phổ biến và thêm nhiều nền tảng thương mại xuất hiện.

Cơ chế vận hành của Simility dựa trên công nghệ APIs và Beacon (thiết bị phát tín hiệu bằng Bluetooth Low Energy), ứng dụng vào các giao dịch kỹ thuật số và hoạt động mua bán trên mobile, web hay các môi trường số khác.

Với công nghệ máy học (Machine learning) và quá trình xử lý, phân tích nguồn dữ liệu, Simility cung cấp giải pháp quản lý rủi ro, các tính năng nhận biết và cảnh báo khi nhận thấy tín hiệu mua bán gian lận, lừa đảo.

Việc mua lại Simility thể hiện tham vọng của Paypal, không chỉ nhằm nâng cấp hệ thống mà còn giải quyết bài toán về an toàn từ khách hàng, yếu tố chính tạo nên các giao dịch thanh toán trên web, mobile hay các điểm POS của hãng.

''Thương mại số đang trong thời kỳ bùng nổ, vấn đề lừa đảo online cần được chú ý, ngăn chặn và giải quyết bằng cách áp dụng các biện pháp mới'', Bill Ready, giám đốc điều hành Paypal khẳng định. Ông cũng cho biết: ''Paypal đã áp dụng nhiều công nghệ nhằm xử lý vấn đề này gần 20 năm nay, nhưng hiện tại vẫn chưa giải quyết triệt để. Với Simility, chúng tôi có thêm trợ thủ đắc lực trong việc quản lý giao dịch, loại trừ các tín hiệu lừa đảo, từ đó giúp môi thường thương mại điện tử diễn ra an toàn và nhanh chóng''.

Trước đó, Simility đã có một lượng khách hàng, đồng thời là đối tác với Paypal như eBay, StubHub, OfferUp, Dick’s Sporting Goods, Rebtel…

Paypal cho biết, sau khi quá trình mua bán hoàn thành sẽ mở rộng các công cụ của Simility.

Về phía Simility, CEO startup này cho biết: ''Mục tiêu của chúng tôi khi thành lập Simility là tạo ra một nền tảng quản lý rủi ro, cho phép các tổ chức vận hành trong môi trường kỹ thuật số có công cụ kiểm soát được mối nguy hiểm, tình trạng lừa đảo, xử lý khi dữ liệu bị rò rỉ''.

Theo đó, CEO bày tỏ sự phấn khích khi gia nhập ông lớn Paypal, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới, với sứ mệnh thúc đẩy thanh toán thương mại điện tử phát triển song hành cùng kinh doanh.

Trong vòng vài tuần, Paypal đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại, nhắm tới các tổ chức về công nghệ mới, các giải pháp thanh toán. Trong đó, có thể kể đến startup về thanh toán và dịch vụ iZettle, Hyperwallet hay Jetlore.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục