P2P Lending: Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ hai ngày sau tuyên bố hỗ trợ VO247 giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư, Fiin Credit cũng rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
P2P Lending: Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền

Thêm một ứng dụng mất thanh khoản

Như thông tin đã đăng tải trên Báo Đầu tư Chứng khoán số 49, sau khi công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) VO247 mất khả năng thanh khoản, không cho phép nhà đầu tư rút tiền, ngày 30/11/2022, CEO Fiin Credit đã tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư của VO247, tuyên bố hỗ trợ đơn vị này giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư “nhằm ngăn chặn khả năng đổ vỡ dây chuyền”. Tuy vậy, chỉ 2 ngày sau thông báo trên, ngày 2/12/2022, Fiin Credit cũng rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Fiin Credit là ứng dụng cho vay ngang hàng được sáng lập và phát triển bởi CEO Trần Việt Vĩnh. Theo công bố của Fiin Credit, tới tháng 1/2021, ứng dụng này có hơn 700.000 người dùng và 6.000 cửa hàng đối tác.

“Với lượng yêu cầu rút tiền liên tục tăng cao mỗi ngày trong thời gian gần đây, có thể công ty chúng tôi cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng và dẫn tới nguy cơ phải dừng hoạt động”, thông báo của Fiin Credit cho biết.

Trong bối cảnh này, Fiin Credit đề xuất nhà đầu tư ký hợp đồng cho Fiin Credit hoặc cá nhân CEO Trần Việt Vĩnh vay toàn bộ số tiền nhà đầu tư đang có và/hoặc đang đầu tư cho vay trên hệ thống của Fiin Credit. Thời hạn cho vay là 12 tháng, rút gốc một lần cuối kỳ. Nhà đầu tư nhận lãi theo chu kỳ 6 tháng một lần vào cuối kỳ của tháng thứ 6. Theo đó, từ ngày 2/12/2022, Fiin Credit tạm dừng tất cả các giao dịch rút tiền đầu tư và số dư tài khoản đang có của nhà đầu tư trên hệ thống của Fiin Credit để chuyển sang hợp đồng cho vay với kỳ hạn 12 tháng như thông tin nêu trên.

Diễn biến này đang khiến cộng đồng đầu tư cho vay ngang hàng lo lắng. Trên các diễn đàn đầu tư đang xuất hiện nhiều chia sẻ liên quan tới việc rút tiền ra khỏi thị trường. Đây có thể là yếu tố gây nên đổ vỡ dây chuyền với các công ty P2P Lending tại Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty P2P Lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn,

Lendmo, Wecash, InterLoan… Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động P2P Lending trên thực tế có thể nhiều hơn.

P2P Lending đang chệch hướng?

P2P Lending là mô hình cho vay kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay (nhà đầu tư); trong đó, các nền tảng/ứng dụng công nghệ đóng vai trò là trung gian kết nối người muốn cho vay và người cần vay.

Việc hai công ty P2P Lending rơi vào trạng thái mất thanh khoản đã hé lộ cách thức vận hành chệch hướng khỏi mô hình cho vay ngang hàng.

Việc hai công ty P2P Lending kể trên rơi vào trạng thái mất thanh khoản đã hé lộ cách thức vận hành chệch hướng khỏi mô hình cho vay ngang hàng.

Cụ thể, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư của VO247, CEO Fiin Credit cho biết, từ năm 2019, công ty này chuyển đổi từ cho vay khách hàng cá nhân sang cho vay tiểu thương, với đánh giá đây là đối tượng khách hàng có độ an toàn cao hơn.

Tuy nhiên, các khách hàng này yêu cầu vay dài hạn hơn, trong khi nhà đầu tư chỉ có nhu cầu cho vay ngắn hạn. Do đó, Fiin Credit đã nhận tiền gửi của nhà đầu tư với chu kỳ ngắn (khoảng 30 ngày) và cho vay kỳ hạn 3 - 12 tháng, rồi thu hồi nợ và xoay vòng.

Như vậy, Fiin Credit đã kinh doanh vốn huy động được trong khi không trích lập dự phòng rủi ro, không bảo hiểm cho các khoản huy động hay cho vay cũng như chịu sự quản lý chặt chẽ như với hoạt động ngân hàng truyền thống.

Dự kiến, Fiin Credit sẽ tiếp tục có các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư về vấn đề mất thanh khoản. Hiện tại, các nhà đầu tư buộc phải chấp nhận phương án chuyển đổi khoản vay, chờ đợi Fiin Credit thu hồi nợ, bởi nếu khiếu kiện, khả năng mất trắng khoản đầu tư là rất cao.

Nhìn nhận về câu chuyện đang diễn ra tại các P2P Lending, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng, do đó, các bên tham gia thị trường, bao gồm nhà đầu tư và các công ty cho vay ngang hàng sẽ không được pháp luật bảo vệ. Khi xảy ra tranh chấp, sẽ phải áp dụng quy định pháp luật của lĩnh vực, có thể không đúng bản chất.

“Khi các nền tảng công nghệ hay công ty cho vay ngang hàng bị phá sản do không có khả năng thanh khoản thì sẽ xử lý theo Luật Phá sản. Trong đó, sẽ phân loại khoản nợ có bảo đảm và không có bảo đảm, các nghĩa vụ ưu tiên thanh toán theo các quy định. Điều nhà đầu tư/người cho vay cần làm là nộp đơn đề nghị phá sản nơi công ty/ứng dụng có trụ sở để toà án thụ lý và giải quyết sớm nhất theo cách văn minh nhất”, luật sư Truyền khuyến nghị.

Nhìn từ sự đổ vỡ của mô hình này tại Trung Quốc

Giai đoạn 2007 - 2020, thị trường P2P Lending Trung Quốc đã bùng nổ mạnh mẽ trước khi sụp đổ chóng vánh, kéo theo rất nhiều hệ luỵ tiêu cực. Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, hơn 10.000 nền tảng cho vay ngang hàng đã từng hiện diện tại thị trường này, đáp ứng nhu cầu vay và cho vay của nhiều cá nhân/tổ chức.

Trong báo cáo năm 2014, chính quyền Trung Quốc kỳ vọng đây sẽ là một “sáng kiến tài chính” hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề về vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như vốn vay tiêu dùng mà hệ thống ngân hàng chưa thể đáp ứng.

Tuy nhiên, lượng vốn lớn chảy qua thị trường P2P Lending trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện cũng như thiếu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý đã khiến thị trường này nảy sinh hàng loạt vấn đề.

Trong đó, các ứng dụng/nền tảng P2P Lending đi chệch khỏi định hướng ban đầu chỉ là “nền tảng kết nối” người cho vay và người vay, hoạt động như một “ngân hàng ngầm” khi thu gom tiền để đầu tư, cho vay, đưa ra lãi suất cao để huy động vốn; hoặc các P2P Lending hoạt động theo mô hình ponzi - lấy tiền người sau trả cho người trước.

Theo số liệu của Crowdfund Insider, năm 2016, ước tính khoảng 40% số ứng dụng P2P Lending tại Trung Quốc hoạt động theo mô hình Ponzi. Khi Ezubao - một P2P Lending theo mô hình Ponzi phá sản năm 2016 đã gây ra thiệt hại khoảng 9 tỷ USD cho nhà đầu tư.

Cuối năm 2017, giới chức Trung Quốc bắt đầu thắt chặt thị trường cho vay ngang hàng, đưa ra các quy định giám sát hoạt động của công ty P2P Lending. Kết quả là thị trường này đã thu hẹp nhanh chóng. Tính đến cuối tháng 8/2020, chỉ còn 15 nền tảng P2P Lending còn hoạt động, giảm 99,5% so với 2 năm trước. Tới tháng 12/2020, giới chức Trung Quốc tuyên bố đóng cửa tất cả các công ty P2P Lending.

Sự kiểm soát của giới chức quản lý và sự sụp đổ của các công ty P2P Lending khiến 115 tỷ USD của các nhà đầu tư tới nay chưa được hoàn trả. Trong khi đó, số liệu từ giới chức Trung Quốc cho thấy, đã có ít nhất 50 triệu nhà đầu tư vào các ứng dụng P2P Lending tại thời điểm cuối tháng 6/2018, bình quân mỗi người đầu tư khoảng 22.788 Nhân dân tệ (3.400 USD).

“Với kinh nghiệm và thực tế hành nghề, theo tôi, nhà quản lý cần có thái độ dứt khoát về hoạt động cho vay ngang hàng, cấm hoặc cho phép, không thể bỏ lửng như các loại tiền điện tử hay một số dịch vụ phát sinh từ môi trường phi truyền thống trong thời gian qua”, luật sư Truyền nêu quan điểm.

Theo đó, ông cho rằng, nếu Nhà nước xác định P2P Lending không đủ hoặc chưa đủ điều kiện để hoạt động thì nên cấm, hoặc tiến hành thử nghiệm có kiểm soát. Nếu tiếp diễn tình trạng hiện tại, việc các công ty cho vay ngang hàng mất thanh khoản sẽ để lại nhiều hệ luỵ.

Thứ nhất, các dịch vụ phi truyền thống, công nghệ sẽ không có cơ hội phát triển. Thứ hai, gây bất ổn xã hội khi nhiều người thiếu hiểu biết bị hấp dẫn bởi lợi nhuận cao tìm kiếm cơ hội sinh lời mà không kiểm soát được rủi ro và không có cơ chế bảo vệ.

“Cần tham khảo mô hình Sandbox để giúp những lĩnh vực, dịch vụ mới phát triển kịp thời, phù hợp với định hướng chuyển đổi số mà Chính phủ đang hướng tới”, luật sư nói.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục