P2P Lending đua lãi suất, gồng thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại vào cuộc đua thu hút tiền gửi, các nền tảng cho vay ngang hàng cũng tăng mạnh lợi suất dịch vụ đầu tư làm dấy lên lo ngại rủi ro gia tăng, nhất là sau sự cố mất thanh khoản của VO247.
CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh gặp gỡ các nhà đầu tư của VO247. CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh gặp gỡ các nhà đầu tư của VO247.

Lãi suất huy động lên tới 20%/năm

Fiin Credit, công ty sở hữu nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (peer to peer lending, viết tắt là P2P Lending) với 700.000 người sử dụng và 6.000 cửa hàng đối tác cho biết, từ ngày 9/11/2022, tất cả giao dịch cho vay qua Fiin Credit sẽ được áp dụng mức lãi suất 20%/năm, thay cho mức lãi suất từ 18 - 20%/năm trước đây.

Theo thông báo của Fiin Credit, trước bối cảnh lãi suất tiền gửi trên hệ thống các ngân hàng gia tăng, để giúp khách hàng/nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận nguồn tiền, gia tăng tài sản hiệu quả, Công ty đã có những điều chỉnh mới về lãi suất.

Một công ty cho vay ngang hàng khác là Tima cũng đưa mức lãi suất tham gia đầu tư lên tới 19%/năm. Tima tham gia thị trường từ năm 2015 và là nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng đầu tiên tại Việt Nam. Hiện công ty này đang sở hữu 15 cửa hàng giao dịch, có hơn 8 triệu người đăng ký vay và 64.110 người tham gia cho vay với tổng số tiền kết nối giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, vnvon.com - sàn giao dịch đầu tư ngang hàng vừa thông báo điều chỉnh lợi tức áp dụng cho nhà đầu tư từ ngày 28/11/2022. Cụ thể, với khoản đầu tư kỳ hạn dưới 30 ngày, lãi suất tăng thêm 0,5%/năm; kỳ hạn trên 30 ngày, lãi suất tăng thêm 1%/năm đưa mức lãi suất lên cao nhất là 17%/năm cho kỳ hạn đầu tư 90 ngày.

Cho vay ngang hàng không còn quá xa lạ với thị trường Việt Nam, nhất là khi có sự tiếp sức của các công ty công nghệ tài chính. Đây là hình thức cho phép các cá nhân/doanh nghiệp vay tiền trực tiếp từ người cho vay. Việc kết nối giữa người đi vay và người cho vay được thực hiện trực tuyến thông qua trang web, ứng dụng (app) và sàn giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending.

Đa phần các nhà đầu tư tham gia cho vay P2P Lending đều phần nào nhận thức được các rủi ro khi bỏ vốn, nhưng mức lãi suất 18 - 20%/năm thu hút họ, nhất là trong thời điểm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền điện tử, bất động sản gặp khó khăn, nguy cơ thua lỗ cao.

Nhà đầu tư cho vay qua các ứng dụng P2P Lending đối diện 2 nhóm rủi ro là chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và rủi ro quản trị khi không thể giám sát, nắm bắt được tình hình tài chính và hoạt động của ứng dụng.

Thực tế, nhà đầu tư hoàn toàn “mù tịt” về tỷ lệ nợ xấu, năng lực thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay cho vay của các app… Chỉ cần nợ xấu lớn, các công ty P2P Lending sẽ phải ôm nợ gánh khoản lãi 18 - 20%/năm và khi nhà đầu tư rút tiền, không có người cho vay mới các app sẽ mất khả năng thanh toán. Sự kiện VO247 “cạn” thanh khoản, ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền là tiếng chuông cảnh báo.

VO247 hay Vayonline 247 là công ty công nghệ tài chính kết nối người vay và người cho vay tại Việt Nam, do Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247 sở hữu và CEO Tạ Thanh Long điều hành. Ra mắt năm 2019, đến nay, qua hơn 2 năm hoạt động, VO247 có 6.000 nhà đầu tư và gần 70.000 người vay. Công ty này cho phép người vay thế chấp các tài sản như xe máy, ô tô, bất động sản… với điều kiện khá đơn giản, đặc biệt là chấp nhận lịch sử nợ xấu.

Ngày 28/11/2022, VO247 thông báo tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về.

“Dòng tiền đầu tư đang được cho vay vào đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp có tài sản như nhà hoặc xe. Thời điểm này, khách hàng vay cũng gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay. Điều này tạo nên tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ tại VO247. Thông thường, đây là một động thái tích cực giúp VO247 và các nhà đầu tư phát triển nguồn tiền, lợi nhuận mạnh mẽ hơn trong tương lai, ngược lại cũng khiến nguồn vốn lưu động của VO247 liên tục chạm mốc báo động trong 1 tháng thị trường biến động vừa qua, dẫn tới tình trạng dòng vốn lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư”, thông báo của VO247 cho biết.

Đáng nói nhất là CEO VO247 Tạ Thanh Long đã có cuộc gặp gỡ trực tuyến với cộng đồng nhà đầu tư và đưa ra giải pháp phá sản Công ty, chuyển giao các tài sản sang đại diện nhà đầu tư để nhà đầu tư tự làm việc với các bên liên quan thanh lý tài sản và thu hồi vốn.

Tổng số tiền mà VO247 cần trả cho các nhà đầu tư, bao gồm cả gốc và lãi, vào khoảng 150 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị các tài sản VO247 đang sở hữu ước tính khoảng 120 tỷ đồng.

Động thái này khiến cộng đồng nhà đầu tư VO247 nói riêng và các nhà đầu tư tham gia P2P Lending bức xúc cho rằng VO247 muốn “đem con bỏ chợ”, để nhà đầu tư tự xoay xở với tài sản cầm cố và đối diện rủi ro “mất trắng”.

Sợ đổ vỡ dây chuyền, Fiin Credit muốn nhận nợ VO247

Ngày 30/11/2022, CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư của VO247 với cam kết sẽ cùng VO247 thực hiện các nghĩa vụ với nhà đầu tư.

CEO Fiin Credit đề xuất 2 giải pháp. Fiin Credit sẽ chịu trách nhiệm cùng VO247 tổ chức, duy trì hoạt động của VO247 nhằm thu hồi nợ, thanh lý tài sản, trả tiền cho nhà đầu tư. Trong thời gian này, VO247 sẽ không tiến hành giải ngân khoản vay mới.

Từ ngày 9/11/2022, tất cả giao dịch cho vay qua Fiin Credit sẽ được áp dụng mức lãi suất 20%/năm.

“Sau khi VO247 thực hiện thu hồi nợ, thanh lý tài sản và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, nếu VO247 hoặc CEO Tạ Thanh Long không hoàn trả được hết, tính tới thời điểm chốt sổ trên hệ thống, cá nhân tôi cùng Fiin Credit sẽ đứng ra trả toàn bộ số nợ còn lại”, ông Vĩnh cam kết.

Thứ hai, Fiin Credit, VO247 và nhà đầu tư có thể thực hiện lấy số liệu để xác nhận và làm hợp đồng ba bên, cho phép VO247, hoặc Fiin Credit nhận nợ số tiền của nhà đầu tư trên hệ thống. Khi đó, VO247 hoặc Fiin sẽ trở thành “con nợ” và có trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động tiếp theo như thu hồi nợ, thanh lý tài sản và trả dần tiền cho nhà đầu tư trong lộ trình có thể là 12 tháng. Bởi qua tìm hiểu ban đầu, các dự án bất động sản, tài sản mà VO247 nhận cầm cố từ khách hàng không dễ thanh lý ở thời điểm này. Nguyên nhân xuất phát từ cả diễn biến chung của thị trường và các yếu tố pháp lý”, ông Vĩnh nói.

Về lý do tham gia vào vụ việc của VO247, ông Vĩnh cho biết: “Việc cùng VO247 giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư là cần thiết để bảo vệ thị trường chung, tránh cái nhìn tiêu cực của xã hội, bảo vệ mô hình dịch vụ mới hình thành tại Việt Nam trong 4 - 5 năm qua, trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ”.

Theo ông Vĩnh, cách đây vài năm, các công ty dịch vụ tài chính Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam cho vay với thủ tục rất đơn giản, nhưng lãi suất rất cao, có thể lên tới 30%/tuần. Điều này dẫn tới tâm lý người vay tiền là thích sử dụng các ứng dụng cho vay “dễ dãi” và tìm cách “bùng” nợ. Thậm chí, xuất hiện các cộng đồng người dùng trên internet chia sẻ cách vay tiền và trốn nợ của các app làm hoạt động cho vay ngang hàng bị tiếng xấu.

Dù sự tham gia hỗ trợ của Fiin Credit đã “trấn an” tâm lý nhà đầu tư VO247 nói riêng và cộng đồng nhà đầu tư P2P Lending nói chung, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại. Nếu Fiin Credit không “giải cứu”, nhà đầu tư VO247 sẽ phải tự xử lý như thế nào? Năng lực thu hồi nợ và xử lý nợ xấu của doanh nghiệp P2P Lending ra sao?

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục