P-notes: Có thực sự rủi ro?

(ĐTCK-online) Thời gian gần đây, trên TTCK Việt Nam xuất hiện một số quan ngại về việc các chứng chỉ tham gia đầu tư (Participatory notes - P-notes) - hình thức đầu tư mới vào Việt Nam, có thể sẽ tác động xấu đến TTCK do tính không kiểm soát được. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, P-notes không hẳn đã đáng ngại...
Hiện tại, NĐT nước ngoài đang chiếm tỷ trọng không lớn trên TTCK niêm yết. Hiện tại, NĐT nước ngoài đang chiếm tỷ trọng không lớn trên TTCK niêm yết.

P-notes không mới trên TTCK Việt Nam

Trên thực tế, hình thức đầu tư thông qua P-notes của các NĐT nước ngoài vào Việt Nam không phải mới xuất hiện như một số cảnh báo. Từ giai đoạn cuối năm 2006, đầu tư thông qua hình thức này vào TTCK Việt Nam đã xuất hiện.

Quý IV/2006, Deutsche Bank (DB) AG London đã có bản chào chứng chỉ đầu tư vào nhóm cổ phiếu tại Việt Nam mang tên Vietnam Top Select Certificate, với ngày phát hành là 25/10/2006, với giá ban đầu mỗi chứng chỉ đầu tư là 25 euro, tổng số chứng chỉ quỹ tối đa lên tới 2 triệu chứng chỉ, tương đương 50 triệu euro đầu tư ban đầu. Chứng chỉ đầu tư này được niêm yết ở Frankfurt, Stuttgart Stock Exchange và Luxembourg (Euro MTF).

Cùng thời điểm đó, ngày 17/11/2006, HSBC Private Bank (Suisse) SA cũng phát hành 10 triệu chứng chỉ đầu tư vào 10 mã chứng khoán được lựa chọn theo từng quý, giá ban đầu mỗi chứng chỉ đầu tư là 100 USD. Chứng chỉ đầu tư này mang tên The Vietnam Equity Select USD Certificate, niêm yết tại Luxembourg Stock Exchange. Ngoài hai tổ chức trên còn có Merrill Lynch, BNP Paribas, Citi Global cũng phát hành chứng chỉ đầu tư cổ phiếu trên TTCK Việt Nam ra quốc tế. Đa số các chứng chỉ trên đều đầu tư vào nhóm danh mục cổ phiếu lựa chọn, nhưng ngoài Citigroup Global, còn có thêm rất nhiều loại chứng chỉ đầu tư chỉ đầu tư vào một cổ phiếu hoặc một nhóm cổ phiếu theo ngành.

Điều này cho thấy, không phải chỉ đến thời gian gần đây, khi TTCK Việt Nam có dấu hiệu tăng trở lại thì dòng vốn đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam theo hình thức này. Với đặc điểm không cần phải đăng ký với cơ quan quản lý, hình thức đầu tư vào chứng chỉ đầu tư, về cơ bản không khác biệt so với hình thức đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư là mấy (ngoại trừ danh mục đầu tư).

Không thực sự đáng ngại

Một câu hỏi đặt ra lúc này là, P-notes liệu có đáng lo ngại? Và liệu một “bài học Ấn Độ” có xảy ra với TTCK Việt Nam?

Hiện tại, NĐT nước ngoài đang chiếm tỷ trọng không lớn trên TTCK niêm yết, chưa kể giao dịch từng phiên cũng không lớn. Chính vì thế, xác suất để các P-notes tác động mạnh đến diễn biến thị trường không cao. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, các P-notes dù có quy mô nhỏ nhưng lại chủ yếu đầu tư vào nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn và thanh khoản cao. Đây chính là nhóm cổ phiếu thông thường có tính dẫn dắt thị trường, nên có thể tác động đến xu hướng chung. Tuy nhiên, tác động xét theo khía cạnh này của các P-notes cũng giống tác động chung của các quỹ đầu tư chứng khoán khác, vì thông thường, đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi lựa chọn danh mục đầu tư các cổ phiếu niêm yết của nhà đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, trong số các P-notes mà người viết thu thập được thì hầu hết đều là chứng chỉ tham gia đầu tư vào danh mục cổ phiếu xác định sẵn, có thời hạn đầu tư tương đối dài, lên đến 10 năm, như của Merrill Lynch, HSBC… Một số chứng chỉ tham gia đầu tư khác có thời hạn ngắn hơn như chứng chỉ tham gia đầu tư vào từng mã chứng khoán xác định do Citigroup phát hành (thời gian thanh lý chứng chỉ quỹ dao động từ năm 2010 đến năm 1012 hoặc lâu hơn). Với những quy định về tỷ lệ đầu tư vào các mã chứng khoán, cách tính phí, thời gian thanh lý danh mục…, nhà phát hành chứng chỉ tham gia đầu tư thực chất đã làm công tác quản lý quỹ với quy mô nhỏ và danh mục đơn giản. Tác động của hoạt động đầu tư thông qua chứng chỉ này lên thị trường, xét theo khía cạnh đầu cơ ngắn hạn (tức làm tăng/giảm đột ngột cung tiền trong một khoảng thời gian ngắn) thực chất là không nhiều.

Chỉ duy nhất chứng chỉ tham gia đầu tư do DB London phát hành có tính chất giống như một chứng chỉ quỹ mở, ETF, tức là tổ chức phát hành theo định kỳ thực hiện mua vào/bán ra chứng chỉ đầu tư theo yêu cầu của NĐT. Hiện có một số quỹ mở đầu tư vào Việt Nam như: FTSE Vietnam Index ETF, HS-VAM Vietnam Index Linked Fund, Market Vectors Vietnam ETF, với quy mô giá trị tài sản ròng (tính đến hết ngày 21/8) ở mức khá nhỏ (quỹ đầu là 61 triệu USD, 2 quỹ sau lần lượt là 4 và 3 triệu USD) (nguồn: báo cáo quỹ các thị trường mới nổi của Rothschild).

Với đặc tính có thể dễ dàng thay đổi quy mô vốn đầu tư theo từng đợt thực hiện mua vào/bán ra chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tham gia đầu tư, nên tác động của những chứng chỉ này lên TTCK sẽ lớn hơn. Việc mua/bán ồ ạt các mã blue-chip khi thị trường tăng/giảm sẽ làm cho trạng thái thị trường dễ bị đẩy quá đà.

Bản thân hình thức đầu tư thông qua mua chứng chỉ tham gia đầu tư là khó kiểm soát, nhưng trên thực tế, điều này cũng không khác biệt nhiều với việc đầu tư thông qua các quỹ. Hơn nữa, với thời hạn đầu tư tương đối dài, các P-notes đầu tư vào gói cổ phiếu sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến thị trường, thậm chí có thể là nơi NĐT nước ngoài nhanh chóng thâm nhập TTCK Việt Nam. Trở ngại lớn nhất chính là việc tham gia của các quỹ mở, hoặc các P-notes có điều khoản mua/bán lại chứng chỉ định kỳ. Với quy mô TTCK vẫn chưa lớn, việc tham gia ngày một đông hơn của nhóm này sẽ có thể gây tác động không nhỏ đến TTCK Việt Nam.     

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục