P-notes: Cần một cái nhìn khách quan hơn

(ĐTCK-online) Trong thời gian gần đây, có một số bài báo đã phân tích về tác động của P-notes và lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của dòng tiền nóng từ kênh đầu tư P-notes đem lại. Xung quanh vấn đề này, ĐTCK xin giới thiệu với độc giả bài viết của Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt để có thêm một cái nhìn khách quan hơn.
P-notes trong giai đoạn vừa qua đóng vai trò tích cực đối với TTCK Việt Nam và chưa có dấu hiệu nguy hiểm.

Tại sao P-notes “thích” thị trường mới nổi?

P-notes là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành bởi các tổ chức đầu tư tài chính có uy tín như HSBC, Citibank, Deutsche Bank…, nhằm mang đến cơ hội đầu tư vào các thị trường nước ngoài, thường là các thị trường mới nổi, cho những NĐT tại nước bản địa. Đầu tư thông qua P-notes, các chủ thể tham gia không cần phải đăng ký với các cơ quan quản lý và không chịu ràng buộc bởi các thủ tục hành chính tại các nước bản địa.

TIN LIÊN QUAN

* P-notes: Có thực sự rủi ro?

* P-Notes, nơi dòng tiền giấu mặt

* Dòng vốn lớn bất thường từ khối ngoại

* Nhận diện dòng vốn ngoại

* Nhận diện dòng vốn nước ngoài trên TTCK

P-Notes vừa mang tính chất của một chứng chỉ quỹ, vừa mang tính chất của một công cụ thanh toán tương tự như thương phiếu. Theo đó, chủ sở hữu P-Notes có thể được hưởng quyền nhận cổ tức và lãi từ danh mục đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, trong trường hợp chủ sở hữu P-notes muốn rút vốn thì tổ chức phát hành sẽ cam kết hoàn trả khoản đầu tư dựa trên giá giao dịch hiện tại của P-notes. Tổ chức phát hành sẽ được hưởng một khoản phí để duy trì hoạt động của P-notes: bao gồm duy trì danh mục đầu tư, thực hiện chia cổ tức, lợi nhuận hoặc hoàn trả vốn cho các chủ sở hữu.

Để phát hành P-notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-notes cho các NĐT nước ngoài quan tâm đầu tư vào TTCK của nước sở tại.  

Tại Việt Nam , hiện có một số định chế tài chính như Deutsch Bank, Citigroup… đã phát hành sản phẩm P-notes cho NĐT vào TTCK Việt Nam . Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính xác tổng giá trị của P-notes liên quan đến TTCK Việt Nam đang giao dịch ở nước ngoài. 

Các cổ phiếu được các tổ chức phát hành P-notes lựa chọn để đưa vào danh mục thường là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao và thuộc các công ty lớn có thông tin minh bạch. Vì vậy, NĐT P-notes chủ yếu chỉ tiếp cận với một nhóm nhỏ cổ phiếu blue-chip trên TTCK Việt Nam (khoảng dưới 30 mã cổ phiếu). 

Các tác động từ P-notes

Để quảng bá cho sản phẩm P-notes của mình, những định chế tài chính lớn có uy tín toàn cầu như Deutsche Bank, Citigroup… sẽ thực hiện các nghiên cứu và phân tích về thị trường Việt Nam và quảng bá rộng rãi đến NĐT khắp thế giới. Như vậy, đây là một hình thức PR tích cực về TTCK Việt Nam và cập nhật các thông tin liên quan đến tới các NĐT nước ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường có dấu hiệu tăng trưởng ổn định và tiềm năng đầu tư trở nên rõ nét thì luồng vốn đầu tư gián tiếp thông qua P-notes sẽ có cơ hội tăng nhanh. Đây là điều kiện làm tăng quy mô giao dịch của thị trường và cho thấy mức độ quan tâm của các NĐT nước ngoài đến TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, do đầu tư thông qua P-notes không cần phải đăng ký với các cơ quan quản lý và không chịu các thủ tục hành chính như đăng ký mở tài khoản và thủ tục về quản lý ngoại hối, dòng tiền thông qua P-notes sẽ có thể thay đổi rất nhanh. Trong điều kiện thị trường có xu hướng xấu và điều chỉnh giảm, các chủ thể tham gia có thể thực hiện thoái vốn và áp lực thanh lý danh mục của các tổ chức sẽ lớn hơn. Điều này có khả năng gây ra sự biến động trên TTCK.

Đứng trước những lo ngại về sự gia tăng không kiểm soát được của P-notes, một số nhận định cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ thời điểm hiện tại. Trong trường hợp giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài phục hồi trở lại và lượng vốn có nguồn gốc từ P-Notes gia tăng, TTCK Việt Nam sẽ phải đối diện với 3 nguy cơ, đó là sự biến động bất lợi khó dự báo, sự luân chuyển dòng vốn không rõ nguồn gốc và nguy cơ bùng phát tội phạm rửa tiền. Chúng tôi mổ xẻ thêm về ý kiến nêu trên, nhằm có một cái nhìn khách quan và xác thực hơn đối với các nguy cơ này.

 

1. Sự biến động bất lợi khó dự báo

Nguồn tiền đầu tư của P-notes cũng giống như của các quỹ đầu tư khác, được huy động từ các NĐT quan tâm đến TTCK Việt Nam . Tuy nhiên, vì tính chất cho phép NĐT vào và ra quá dễ dàng, sản phẩm này thu hút nhiều quỹ cơ hội với chiến lược đầu tư lướt sóng ngắn hạn, có thể vào thị trường rất nhanh và ra đi cũng rất nhanh. Tuy nhiên, TTCK đều rất cần cả dòng tiền ngắn hạn và dài hạn. Nếu dòng tiền đầu tư dài hạn tạo ra tính ổn định, bền vững của thị trường thì dòng tiền ngắn hạn tạo tính thanh khoản, một yếu tố rất quan trọng của TTCK.

Hiện nay, tổng giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài chiếm một tỷ trọng khá thấp trên thị trường. Theo thống kê của chúng tôi, giá trị giao dịch của NĐT nước ngoài từ đầu năm đến nay chiếm 9,6% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Chỉ riêng trong tháng 7/2009, lượng giao dịch của NĐT nước ngoài bắt đầu tăng lên và đạt 14% giao dịch toàn thị trường. Như vậy, luồng tiền P-notes, theo ước tính của chúng tôi, chỉ dao động dưới 5 - 7% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường, chưa thể tạo ra biến động cho TTCK Việt Nam. 

Mặt khác, sự tham gia của khối ngoại có thể được xem là một trong những lực tác động tích cực đến TTCK. Và thực tế cho thấy, khi quy mô giao dịch của khối này tăng lên, tâm lý thị trường trở nên ổn định hơn. Chúng tôi tin rằng, việc tăng trưởng của dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam hiện là một tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo.

 

2. Nguy cơ bùng phát tội phạm rửa tiền

Nói đến nguy cơ này, chúng ta cần xem lại bản chất của hành động rửa tiền. Đó là hành động chuyển đổi những nguồn tiền phạm pháp, không có nguồn gốc rõ ràng thành nguồn tiền hợp pháp, là những nguồn tiền từ thu nhập hợp pháp và có đóng thuế với chính quyền.

Vậy hoạt động rửa tiền chỉ xảy ra khi nguồn tiền đầu vào là nguồn tiền phạm pháp. Đối với P-notes, nguồn tiền đầu tư được các định chế tài chính hàng đầu thế giới huy động từ những NĐT tổ chức và cá nhân có đăng ký hợp pháp tại các nước phát triển.

Các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đều có quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ để chống hành động rửa tiền theo quy định của các nước sở tại, nên nguồn tiền từ các ngân hàng này đều được thế giới công nhận là nguồn tiền hợp pháp hay nguồn tiền sạch. Trong khi đó, các hoạt động rửa tiền, thực hiện thông qua các private fund hoặc country fund còn dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều. Do đó, hoạt động rửa tiền qua P-notes sẽ không lớn, hay nói cách khác, nếu có sẽ nhỏ hơn nhiều so với hoạt động rửa tiền thực hiện qua các country fund, thường được điều hành bởi các quỹ đầu tư nhỏ và có các quy trình kiểm soát nội bộ đơn giản hơn.

Với các phân tích trên, chúng tôi cho rằng, P-notes trong giai đoạn vừa qua đã đóng vai trò tích cực đối với TTCK Việt Nam và chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, với một quan điểm thận trọng, cơ quan chức năng cần xem xét cơ chế quản lý hợp lý về mặt cung cấp thông tin đối với dòng tiền đầu tư P-notes thông qua các định chế trung gian. Nếu được quản lý và cân đối hợp lý, chúng tôi tin rằng, P-notes không phải là mối lo ngại và sẽ phát huy những giá trị tích cực của mình đối với TTCK Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục