Mô hình thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số
Khi sử dụng hệ thống Open Banking, ngân hàng có thể cung cấp cho các tổ chức tài chính, các đối tác thứ ba khác, quyền truy cập thông tin dữ liệu mở hoặc truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức hoặc khách hàng khi được phép thông qua Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật.
Open Banking là một hệ thống mà theo đó ngân hàng và các tổ chức tài chính mở giao diện lập trình ứng dụng (API), cho phép bên thứ ba truy cập thông tin dữ liệu cần thiết để phát triển ứng dụng và dịch vụ mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, đồng thời cung cấp cho chủ tài khoản/người dùng các tùy chọn minh bạch hơn về tài chính.
Hệ thống này được thiết lập để hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn và cải thiện trải nghiệm tài chính cho khách hàng.
Theo dự báo của Financial Brand, Open Banking là một trong 8 xu hướng fintech sẽ làm thay đổi ngành ngân hàng. Đây cũng là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất trong hệ sinh thái ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Nhờ có Open Banking, khách hàng sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ nhiều ứng dụng khác nhau ngoài ứng dụng ngân hàng số.
Người dùng cũng có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của mình từ các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng hiện tại.
Bên cạnh đó, người chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc người có thu nhập thấp cũng nhận được nhiều lợi ích hơn, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của họ bằng dữ liệu tài chính thay thế.
Về phía ngân hàng, Open Banking giúp ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác.
Ngân hàng có thể tạo ra được các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng lâu hơn và lượng khách hàng thân thiết tăng bền vững hơn. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng chính xác hơn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá, Open Banking là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, là một trong các khái niệm có thể ảnh hưởng tới cách thức vận hành và cung ứng dịch vụ của ngành ngân hàng.
Open Banking đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở hơn trong ngành ngân hàng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình Open Banking được dự báo sẽ tác động căn bản tới mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro truyền thống, đồng thời là cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc.
Thách thức bảo mật với ngân hàng mở
Open Banking mặc dù đã xuất hiện được một thời gian, nhưng nó khá mới đối với hầu hết người dùng và còn tồn đọng nhiều rủi ro nhất định.
Tuy nhiên, bảo mật an ninh là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý khi triển khai mô hình này.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động số hóa Ngân hàng theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban.
Đối với các NHTM, hoạt động Open Banking đang được triển khai ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức dịch vụ khác nhau.
Trong số đó, OCB là đơn vị tiên phong triển khai mô hình ngân hàng mở với nền tảng API và đã triển khai thành công vào cuối năm 2019.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, Open Banking là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của OCB.
Nền tảng API mở cung cấp hơn 30 API của ngân hàng để các đối tác có thể kết nối hệ thống OCB vào hệ sinh thái.
Hiện OCB đã đầu tư vào nền tảng API mở cấp doanh nghiệp có tiêu chuẩn bảo mật cấp cao nhất.
VietinBank ra mắt iConnect – nền tảng Open Banking trong năm 2019, cung cấp hơn 100 APIs và đã có kết nối với trên 60 đối tác qua các APIs tại thời điểm ra mắt, con số này hiện tại đã tăng hơn gấp đôi.
Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV… cũng đã bước đầu xây dựng và triển khai cung cấp Open API đến các đối tác.
Nam A Bank mang đến cho người dùng, khách hàng Ngân hàng số Open Banking phiên bản 2.0 với giao diện hiện đại, khác biệt.
Nhìn chung, các ngân hàng đang ngày càng mở rộng hợp tác, kết nối với các công ty công nghệ, Fintech để đón đầu và tận dụng các cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số.
Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi nền kinh tế toàn cầu với tốc độ chóng mặt. Không nằm ngoài "vòng xoáy" này, các ngân hàng Việt đẩy mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu để khẳng định vị thế trên thị trường.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho rằng, số hóa được xác định là chiến lược mũi nhọn trong mọi hoạt động. Open Banking thuộc hệ sinh thái công nghệ của luôn được ngân hàng chú trọng hoàn thiện và nâng cấp để mang đến những trải nghiệm mới mẻ, tối ưu nhất cho khách hàng.
Dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, các NHTM đang vướng mắc trong việc cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng như hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới như eKYC, ngân hàng đại lý (Agent Banking), cho vay online còn chưa ổn định.
VNBA kiến nghị các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép NHTM được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.