Open Banking: Mô hình thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng mở (Open Banking) đang dần trở thành hệ thống không thể thiếu đối với các ngân hàng thương mại.
OCB đã triển khai thành công mô hình ngân hàng mở với nền tảng API từ cuối năm 2019. OCB đã triển khai thành công mô hình ngân hàng mở với nền tảng API từ cuối năm 2019.

Xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0

Open Banking là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Khi sử dụng hệ thống Open Banking, ngân hàng có thể cung cấp cho các tổ chức tài chính, các đối tác thứ ba khác quyền truy cập thông tin dữ liệu mở, hoặc truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức/khách hàng khi được phép thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật.

Để thành công trong mô hình Open Banking, các ngân hàng cần đầu tư hợp tác với các đối tác trong hệ sinh thái B2C, vì họ là những người tương tác với khách hàng thường xuyên và phục vụ nhu cầu của khách hàng mỗi ngày.

Ông Anirban Roy, Phó tổng giám đốc Khối Công nghệ và ngân hàng số OCB

Ông Anirban Roy, Phó tổng giám đốc Khối Công nghệ và ngân hàng số OCB

Đối với OCB, Open Banking là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số tổng thể. Vì lý do bảo mật, chúng tôi không thể chia sẻ chi tiết, tuy nhiên, OCB hứa hẹn sẽ tung ra nhiều sáng kiến thúc đẩy sự phát triển của Open Banking với sự cộng tác của nhiều đối tác trong hệ sinh thái B2C trong năm nay.

Open Banking là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng. Theo đó, OCB cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng.

Khi dữ liệu được chia sẻ với các đối tác phi ngân hàng, có nguy cơ dữ liệu bị xâm phạm nếu các đối tác không tuân theo các tiêu chuẩn bảo mật nghiêm ngặt được đưa ra từ phía ngân hàng.

Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.

Để bảo mật dữ liệu của khách hàng, OCB đã đầu tư vào nền tảng mở API cấp doanh nghiệp, đây là nền tảng có tiêu chuẩn bảo mật API cấp cao nhất.

OCB đã triển khai thành công mô hình ngân hàng mở với nền tảng API từ cuối năm 2019. Sự kết nối với các đối tác thông qua Open API đã giúp OCB mở rộng khả năng tiếp cận của khách hàng đến nhiều sản phẩm đầu tư tài chính như mua bảo hiểm (du lịch, xe máy, tai nạn) hay đầu tư chứng chỉ quỹ VinaCapital… trực tuyến ngay trên ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI.

Open Banking là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng - xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, OCB giám sát chặt chẽ quá trình phát triển của hệ thống theo tiêu chuẩn Open Banking PSD 2 và kết hợp các phương pháp tốt nhất từ PSD2 vào các nền tảng mở API.

Tôi cho rằng, Open Banking là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chuyển đổi số là trải nghiệm khách hàng. Open Banking cho phép khách hàng truy cập Ngân hàng từ các kênh ngân hàng số khác nhau.

Do đó, khách hàng sẽ mong đợi mức độ trải nghiệm của mình không thay đổi, dù sử dụng hình thức truy cập nào. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải nghĩ xa hơn cho sản phẩm và tập trung vào tư duy bán hàng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Nhờ có Open Banking, khách hàng sử dụng được các sản phẩm của ngân hàng từ nhiều ứng dụng khác nhau ngoài ứng dụng ngân hàng số. Người dùng cũng có thể nhìn thấy bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của mình từ các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng hiện tại.

Người chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc người có thu nhập thấp cũng nhận được nhiều lợi ích, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng bằng dữ liệu tài chính thay thế.

Open Banking còn giúp ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác. Ngân hàng có thể tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng lâu hơn và lượng khách hàng thân thiết tăng bền vững hơn. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng hỗ trợ ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng chính xác hơn.

Quy định liên quan đến các tiêu chuẩn Open Banking

Về khuôn khổ pháp lý, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 (2019) về chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749 (6/2020) về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030; Ngân hàng Nhà nước đã ban Thông tư 16/2020/TT-NHNN quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) (12/2020; Quyết định 316 phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm)… Đây là những nền tảng quan trọng cho hoạt động ngân hàng mở trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, ngân hàng mở tồn tại những rủi ro, chủ yếu bởi sự cởi mở của mô hình này. Vì thế, bảo mật an ninh là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý khi triển khai. Khi chưa có tiêu chuẩn chung cho ngân hàng mở, các ngân hàng khác nhau sẽ triển khai những giao thức bảo mật API khác nhau, dẫn đến có khả năng bị đánh cắp dữ liệu từ một số thành phần tham gia Open Banking nếu xuất hiện những giao thức API chưa đủ mạnh.

Khách hàng cũng không thể chắc chắn 100% về những gì một công ty làm với dữ liệu của mình. Với các ngân hàng, bằng cách chuyển các tương tác của ngân hàng từ làm việc trực tiếp với khách hàng sang làm việc với nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng cần thực hiện lại các thủ tục để quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn và bảo mật.

Mặc dù đã có nhiều quyết định quản lý liên quan đến số hóa, nhưng chưa có quy định cụ thể liên quan đến các tiêu chuẩn Open Banking như ở châu Âu hay Ấn Độ.

Việc thiếu các tiêu chuẩn Open Banking sẽ có những rủi ro sau: các ngân hàng khác nhau sẽ triển khai hình thức bảo mật API khác nhau, có thể một vài hình thức trong số đó sẽ kém bảo mật hơn các bên còn lại, dẫn đến một vài ngân hàng có khả năng bị đánh cắp dữ liệu; các đối tác hệ sinh thái phi ngân hàng sẽ phải kết nối bằng cách sử dụng định dạng API khác nhau tùy thuộc từng ngân hàng, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của phần mềm hệ thống; rủi ro cho việc trải nghiệm của nhóm khách hàng dưới tiêu chuẩn, vì tất cả các ngân hàng sẽ cung cấp thông tin không giống nhau.

Kinh nghiệm của OCB là luôn xem xét và chuẩn bị tốt việc ứng phó với các rủi ro đầu vào, hiệu ứng cộng hưởng và các vấn đề khó đoán định khác, dù toàn hệ thống được bảo mật cao nhất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế nhằm đảm bảo khi tích hợp hệ thống Open API vào hệ thống của đối tác, tổ chức sẽ đảm bảo an toàn về thông tin.

Cụ thể, OCB có quy trình quản lý rủi ro an toàn thông tin và hoạt động chặt chẽ, giám sát nghiêm ngặt tất cả các hoạt động trao đổi dữ liệu giữa đối tác Open Banking và OCB. Ngân hàng sẽ hành động, khắc phục ngay lập tức trong trường hợp phát hiện thấy sự bất thường trong quá trình truy cập dữ liệu.

Ngân hàng Nhà nước đang dần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động số hóa, cũng như hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ. Thực tế, thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang được chuẩn hóa nhưng còn thiếu; tỷ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt còn cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông...

Vì vậy, để giảm đáng kể các giao dịch tiền mặt, Việt Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý ID tập trung, tương tự như những gì Ấn Độ đã làm với khuôn khổ dự án Aadhar. Đồng thời, cơ quan quản lý nên đưa ra hướng dẫn Open Banking tương tự như Chỉ thị PSD2 ở EU.

Anirban Roy
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục