Giá trị của Open Banking đối với hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp
Với những tiến bộ công nghệ và sự phát triển của Open Banking, các doanh nghiệp hiện nay có thể tận dụng tối đa những lợi ích mà mô hình này mang lại khi được kết nối trực tiếp với dữ liệu ngân hàng qua ứng dụng lập trình mở (API). Từ việc tự động hóa quy trình tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền đến tối ưu hóa chi phí hoạt động, Open Banking đang dần trở thành xu hướng không thể thiếu trong quản trị tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tự động hóa quy trình tài chính và giảm sai sót: Open Banking cho phép doanh nghiệp tự động hóa quy trình ghi nhận và đối chiếu dữ liệu tài chính, giúp giảm thiểu thời gian và sai sót trong công tác kế toán. Trước đây, việc nhập liệu thủ công không chỉ dễ dẫn đến sai lệch, mà còn tốn kém chi phí và nguồn lực. Với sự tích hợp dữ liệu tự động qua Open API, doanh nghiệp không cần phải thực hiện nhiều bước đối chiếu thủ công, mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao trong báo cáo tài chính. Điều này góp phần giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, tăng hiệu quả tài chính và tạo ra những báo cáo kế toán đáng tin cậy hơn.
|
Ông Lê Hoài Ân, Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp |
Quản lý dòng tiền hiệu quả và cập nhật thời gian thực: Với ngân hàng mở, các doanh nghiệp có thể tổng hợp tài khoản từ nhiều ngân hàng khác nhau, từ đó dễ dàng theo dõi và quản lý dòng tiền trên toàn hệ thống. Việc có cái nhìn tổng quát về dòng tiền, cùng với khả năng cập nhật theo thời gian thực cho phép doanh nghiệp đưa ra các quyết định tài chính kịp thời, điều chỉnh ngân sách một cách linh hoạt hơn. Trong bối cảnh kinh tế biến động, khả năng quản lý dòng tiền hiệu quả giúp doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các rủi ro tài chính không mong muốn.
Tăng cường quản lý chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận: Dữ liệu từ Open Banking cung cấp cho kế toán quản trị thông tin chi tiết và kịp thời về các khoản chi tiêu của doanh nghiệp. Điều này cho phép bộ phận kế toán phân tích chi phí theo thời gian thực và đưa ra các giải pháp tối ưu hóa chi phí ngay khi cần thiết. Khi các khoản chi tiêu được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp không chỉ giảm thiểu được các khoản lãng phí, mà còn cải thiện biên lợi nhuận, nâng cao hiệu quả hoạt động.
|
Xu hướng triển khai Open Banking trong các ngân hàng lớn
Các ngân hàng quy mô lớn và vừa tại Việt Nam như Vietcombank, Techcombank và BIDV đang tích cực triển khai các giải pháp kết nối dữ liệu ngân hàng với hệ thống quản trị tài chính của doanh nghiệp thông qua Open API. Những ngân hàng này không chỉ cung cấp giải pháp tích hợp dữ liệu giao dịch tức thời, mà còn cho phép doanh nghiệp truy cập các công cụ quản lý tài chính tiên tiến, giúp tối ưu hóa quy trình thanh toán, quản lý dòng tiền và đối soát tài khoản một cách liên tục. Các ngân hàng đã xây dựng nền tảng API có khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp, qua đó mang đến cho doanh nghiệp công cụ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Thông qua tích hợp API với hệ thống quản trị của doanh nghiệp, các ngân hàng cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp công cụ quản trị dòng tiền tức thời và toàn diện. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được tình hình tài chính của mình theo thời gian thực, đồng thời có khả năng dự báo dòng tiền ngắn hạn và trung hạn chính xác hơn. Những tính năng này giúp các doanh nghiệp có đủ thông tin để ra quyết định tài chính linh hoạt, đồng thời tạo điều kiện để lập kế hoạch tài chính phù hợp với tình hình kinh doanh.
Một trong những điểm nổi bật của Open Banking là khả năng tổng hợp thông tin từ nhiều ngân hàng vào một hệ thống duy nhất. Điều này cho phép các doanh nghiệp lớn có nhiều tài khoản ngân hàng quản lý và đối soát tất cả giao dịch tài chính từ một nơi duy nhất, giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về dòng tiền và nhanh chóng điều chỉnh khi cần thiết, qua đó tiết kiệm được thời gian, cải thiện tính minh bạch và kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn.
|
Hình 2 cho thấy, API hai chiều được sử dụng để tích hợp hệ thống Core Banking của ngân hàng với hệ thống ERP của doanh nghiệp. Hệ thống API của ngân hàng có thể kết nối với các sổ phụ ở các ngân hàng khác để có thể tổng hợp thông tin về một mối. Các giao dịch tiền sẽ được dán nhãn dựa trên các mã tài khoản ảo đã được thiết lập, giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền vào từ các nhà phân phối và dòng tiền ra từ các nhà cung cấp theo thời gian thực một cách đơn giản, từ đó thực hiện việc tối ưu dòng tiền.
Việc các ngân hàng lớn triển khai Open Banking không chỉ giúp doanh nghiệp quản trị tài chính, mà còn giúp ngân hàng nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhờ tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp dễ dàng tích hợp hệ thống ngân hàng với hệ thống quản trị nội bộ, họ có xu hướng sử dụng tài khoản thanh toán nhiều hơn để quản lý dòng tiền, giúp ngân hàng tăng cường CASA một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, các giải pháp kết nối Open Banking giúp ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính linh hoạt và đa dạng hơn cho khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Khách hàng doanh nghiệp không chỉ được trải nghiệm dịch vụ ngân hàng truyền thống, mà còn có quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính nâng cao như quản lý thanh toán tự động, tối ưu hóa dòng tiền và các gói vay tùy chỉnh. Việc này không chỉ nâng cao sự hài lòng của khách hàng, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi ích của mô hình Open Banking, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào bảo mật dữ liệu và hợp tác chặt chẽ với ngân hàng để đảm bảo khả năng tương thích cũng như tối ưu hóa hệ thống. Thêm vào đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn hóa Open Banking để tạo môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ này, đồng thời bảo vệ an toàn tài chính cho hệ thống ngân hàng.