OPEC+ tiếp tục đẩy mạnh tăng sản lượng trong tháng 8

(ĐTCK) Hôm thứ Bảy (5/7), OPEC+ đã nhất trí tiếp tục tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày vào tháng 8, qua đó đẩy nhanh hơn nữa mức tăng sản lượng trong động thái giành lại thị phần.

OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kể từ năm 2022 để hỗ trợ thị trường dầu mỏ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm. Nhưng sau đó đã đảo ngược lộ trình trong năm nay để giành lại thị phần và khi Tổng thống Donald Trump đề nghị OPEC+ khai thác nhiều sản lượng hơn để giúp giữ giá xăng ở mức thấp hơn.

Việc tăng sản lượng sẽ đến từ tám quốc gia thành viên - Ả Rập Xê Út, Nga, UAE, Kuwait, Oman, Iraq, Kazakhstan và Algeria. Tám quốc gia này đã bắt đầu nới lỏng mức cắt giảm sản lượng gần đây nhất vào tháng 4.

Mức tăng vào tháng 8 thể hiện sự gia tăng so với mức tăng hàng tháng là 411.000 thùng/ngày mà OPEC+ đã phê duyệt cho tháng 5, tháng 6 và tháng 7 và 138.000 thùng/ngày vào tháng 4.

OPEC+ đã trích dẫn triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản lành mạnh của thị trường, bao gồm lượng dầu tồn kho thấp là lý do để tăng thêm sản lượng. Bên cạnh đó, các nguồn tin cho biết OPEC+ muốn mở rộng thị phần trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất đối thủ như Mỹ đang tăng lên.

"OPEC+ đang gửi đi một thông điệp rõ ràng cho bất kỳ ai vẫn còn nghi ngờ rằng OPEC_ đang chuyển hướng mạnh mẽ sang chiến lược thị phần", Jorge Leon, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Rystad Energy cho biết.

“Với việc OPEC+ đã chuyển sang chiến lược thị phần thay vì chiến lược bảo vệ giá, thì việc duy trì mức cắt giảm tự nguyện mang tính tượng trưng là vô nghĩa”, Harry Tchilinguirian, giám đốc nhóm nghiên cứu tại Onyx Capital Group cho biết.

OPEC+ đang đẩy mạnh sản lượng vào một thị trường được dự đoán là sẽ rơi vào tình trạng dư cung vào cuối năm nay. Giá dầu Brent đã giảm 8,5% kể từ đầu năm tới nay khi sản lượng dầu thô tăng từ cả OPEC+ và các quốc gia ngoài OPEC+, trong khi mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đã phủ bóng đen lên nhu cầu dầu trong tương lai.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một lượng thặng dư đáng kể sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. Trong khi đó, JPMorgan và Goldman Sachs cũng dự đoán rằng giá dầu sẽ giảm xuống mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn trong quý IV do ảnh hưởng của tình trạng dư cung.

Giá dầu đã tăng vọt trong cuộc xung đột giữa Iran và Israel vào tháng trước, nhưng đã nhanh chóng giảm trở lại khi dòng chảy dầu vẫn không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của dầu mỏ có vẻ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới và một số đại biểu cho biết OPEC+ đang đẩy nhanh việc tăng nguồn cung một phần để tận dụng nhu cầu mạnh hơn trong mùa hè ở bán cầu bắc. Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang sản xuất nhiều dầu thô nhất kể từ thời điểm năm 2019 và giá một số loại nhiên liệu như dầu diesel đã tăng vọt.

Mặt khác, việc giá giảm cũng đang ảnh hưởng tới ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ. Trong một cuộc khảo sát gần đây, các giám đốc điều hành trong ngành đá phiến của Mỹ cho biết họ dự kiến ​​sẽ khoan ít giếng hơn đáng kể trong năm nay so với kế hoạch vào đầu năm 2025, với lý do giá dầu thấp hơn và sự không chắc chắn xung quanh thuế quan của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, theo kế hoạch, OPEC+ sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 3/8.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục