Cụ thể, OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, thấp hơn 107.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó sau khi dữ liệu từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như châu Phi đều thấp hơn kỳ vọng.
OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm nay gần 20% kể từ tháng 7, phù hợp với sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô. Tuy nhiên, triển vọng của OPEC vẫn lạc quan hơn đáng kể so với các cơ quan dự báo khác. Con số này cũng gần gấp đôi so với dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Trước đó, OPEC+ đã hai lần trì hoãn việc khôi phục lại sản lượng đã cắt giảm kể từ năm 2022 do sự sụt giảm của giá dầu. Một loạt các đợt tăng sản lượng khiêm tốn hàng tháng dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm tới, và sẽ được xem xét tại một cuộc họp vào ngày 1/12.
Giá dầu Brent đã giảm khoảng 18% kể từ đầu tháng 7 và hiện đang giao dịch ở mức gần 72 USD/thùng, vì các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng xung đột ở Trung Đông sẽ không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của khu vực. Thay vào đó, các nhà đầu tư đang tập trung vào sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm trong nhiều tháng liên tiếp.
Trong khi đó, triển vọng giá dầu còn có thể bị lung lay bởi sự trở lại vào năm tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông đã tuyên bố sẽ áp thuế quan thương mại nghiêm ngặt đối với Trung Quốc và các quốc gia khác. Trong nhiệm kỳ trước, chính quyền Trump đã siết chặt xuất khẩu dầu từ Iran - thành viên của OPEC - trong một cuộc tranh chấp về chương trình hạt nhân của nước này và thường xuyên chỉ trích OPEC vì giữ giá dầu ở mức cao.
OPEC dự đoán mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu sẽ đạt trung bình 104 triệu thùng/ngày trong năm nay. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.
IEA sẽ công bố báo cáo hàng tháng mới nhất về thị trường dầu mỏ toàn cầu vào thứ Năm (14/11). Cơ quan này dự đoán rằng tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại khi thế giới chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu thảm khốc.
Có sự khác biệt lớn giữa các cơ quan dự báo về sức mạnh của nhu cầu tăng trưởng vào năm 2024, một phần là do sự khác biệt về nhu cầu từ Trung Quốc và tốc độ chuyển sang nhiên liệu sạch hơn của thế giới.
Mặt khác, việc giá dầu gần chạm mức thấp nhất trong tháng này diễn ra trong bối cảnh triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc suy yếu, đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lo ngại thị trường có thể chuyển sang tình trạng cung vượt cầu.
“Tâm lý trên thị trường dầu mỏ vẫn chủ yếu là bi quan: sức mạnh của đồng đô la Mỹ, lo ngại về nhu cầu và kỳ vọng về sự cân bằng dầu mỏ nới lỏng đang gây áp lực lên giá…Để thay đổi triển vọng cho năm tới, chúng ta phải chứng kiến OPEC+ trì hoãn việc đưa dầu trở lại trong phần lớn năm 2025 hoặc Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt đối với Iran một cách hiệu quả”, Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV cho biết.