“Dầu mỏ là thứ không thể thay thế trong tương lai gần”, Haitham Al Ghais, Tổng thư ký OPEC cho biết trong khi phát biểu khai mạc hội nghị Năng lượng châu Á được tổ chức tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia.
“Trong triển vọng toàn cầu của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045”, ông cho biết và nói thêm rằng, dầu sẽ vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng vào thời điểm đó.
Tổng thư ký OPEC nói thêm rằng, việc đầu tư dưới mức vào ngành dầu mỏ sẽ chỉ thách thức khả năng tồn tại của các hệ thống năng lượng hiện tại và dẫn đến “sự hỗn loạn năng lượng”.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6% từ năm 2022 lên 105,7 triệu thùng/ngày vào năm 2028 nhờ vào lĩnh vực hóa dầu và hàng không, trong các điều kiện chính sách và thị trường hiện tại. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu dầu hàng năm sẽ giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn 400.000 thùng/ngày vào năm 2028.
Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol cho biết: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch đang tăng tốc, trong đó nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này khi xe điện, hiệu suất năng lượng và các công nghệ khác phát triển”.
Tương tự, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu ước tính sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ là 2,2% mỗi năm từ nay đến năm 2030, giảm từ mức 2,6% trong giai đoạn 2011-2021.
Ông Al Ghais thừa nhận rằng, năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng của thế giới trong tương lai và khẳng định rằng một số quốc gia thành viên OPEC “đã đầu tư đáng kể” vào khu vực này.
“Chúng tôi thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 23% cho đến năm 2045. Hydro khí, hydro hạt nhân và sinh khối sẽ mở rộng. Nhưng rõ ràng là dầu vẫn là một phần không thể thiếu trong hỗn hợp”, ông cho biết.