Hôm 1/10, Iran đã bắn khoảng 200 quả tên lửa vào Israel để đáp trả các cuộc không kích và tấn công của Israel vào các đồng minh của Teheran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Iran đã phạm phải một sai lầm lớn và sẽ phải trả giá, trong khi Iran đe dọa sẽ đáp trả nếu Israel trả đũa.
Iran là thành viên của OPEC với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương ứng với 3% sản lượng toàn cầu. Xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng trong năm nay lên mức cao nhất trong nhiều năm là 1,7 triệu thùng/ngày bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Về lý thuyết, nếu chúng ta mất toàn bộ sản lượng của Iran - không phải là trường hợp cơ bản - OPEC+ có đủ công suất dự phòng để bù đắp cho cú sốc này", Amrita Sen, đồng sáng lập Energy Aspects cho biết.
OPEC+ đã cắt giảm sản lượng trong những năm gần đây để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Vì vậy, liên minh này đang nắm giữ hàng triệu thùng dầu công suất dự phòng.
Các nhà sản xuất OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích ước tính Ả Rập Xê Út có thể tăng sản lượng thêm 3 triệu thùng/ngày và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày.
OPEC+ đã họp vào thứ Tư (2/10) để thảo luận về việc tuân thủ các đợt cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, các nguồn tin của OPEC+ cho biết, họ đã không thảo luận về xung đột Israel-Iran. "Điều duy nhất được đề cập về tình hình địa chính trị và xung đột là hy vọng không leo thang", một nguồn tin của Reuters cho biết.
Theo Giovanni Staunovo, nhà phân tích của UBS, trong khi OPEC+ có đủ năng lực dự phòng để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Iran, phần lớn năng lực đó nằm ở khu vực Vịnh Trung Đông và có khả năng dễ bị tổn thương nếu như xung đột leo thang hơn nữa.
"Năng lực dự phòng có sẵn thực tế có thể thấp hơn nhiều nếu các cuộc tấn công mới vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở các quốc gia trong khu vực xảy ra", ông cho biết.
Cho đến nay, Israel vẫn kiềm chế không tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran. Các nhà phân tích dầu mỏ và chuyên gia an ninh cho biết, Israel có thể nhắm mục tiêu vào các địa điểm lọc dầu của Iran và cảng dầu Kharg Island - nơi xử lý khoảng 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này.
Trong cuộc xung đột Iran-Iraq vào những năm 1980, Israel thường xuyên tấn công các tàu chở dầu xung quanh Đảo Kharg và đe dọa phá hủy bến dầu.
"Iran có khả năng nhắm mục tiêu vào các hoạt động năng lượng ở các khu vực khác trong khu vực để quốc tế hóa chi phí nếu cuộc khủng hoảng hiện tại trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện", Helima Croft, nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết.
Năm 2019, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran vào các cơ sở chế biến dầu của Ả Rập Xê Út đã tạm thời làm giảm 50% sản lượng dầu thô của nước này.
"Trong trường hợp leo thang, Iran có thể tấn công các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông, cụ thể là Ả Rập Xê Út ", Tamas Varga, nhà phân tích từ PVM cho biết.
Ả Rập Xê Út và Iran đã có sự xích lại gần nhau về mặt chính trị kể từ năm 2019, giúp xoa dịu căng thẳng trong khu vực, nhưng quan hệ vẫn còn khó khăn.
Giá dầu đã giao dịch trong phạm vi hẹp từ 70-90 USD/thùng trong những năm qua bất chấp xung đột Nga-Ukraine và ở Trung Đông.
Rhett Bennett, Giám đốc điều hành tại Black Mountain có hoạt động tại lưu vực Permian của Mỹ cho biết, sản lượng tăng của Mỹ đã giúp xoa dịu nỗi sợ hãi trên thị trường dầu mỏ.
Mỹ sản xuất 13% dầu thô toàn cầu và gần 20% sản lượng dầu lỏng toàn cầu, so với 25% sản lượng dầu thô toàn cầu của OPEC và khoảng 40% dầu thô của OPEC+.
"Sự đa dạng về nguồn cung từ các nguồn trong nước của Mỹ kết hợp với công suất dự phòng lành mạnh trong OPEC, đang giúp thị trường cảm thấy được bảo vệ khỏi cú sốc lớn từ nguồn cung bất kể xung đột ở Trung Đông bùng phát liên tục", Bennett cho biết.
Tuy nhiên, một cuộc xung đột rộng lớn ở Trung Đông kết hợp với tác động lớn đến sản xuất chắc chắn sẽ đẩy giá dầu lên cao.
"Mỹ có thể sẽ cố gắng thúc đẩy Israel đưa ra phản ứng khiêm tốn hơn nhằm tránh căng thẳng leo thang đáng kể", Warren Patterson, nhà phân tích từ ING cho biết.