OPEC chỉ có một lựa chọn trước dịch cúm Corona

(ĐTCK) Các nhà sản xuất dầu mỏ bắt đầu cảm nhận được thiệt hại mà dịch cúm do virus Corona gây ra. Trong bối cảnh này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cần trả 2 lời câu hỏi: Dịch bệnh kéo dài bao lâu và những hậu quả nghiêm trọng tới mức nào? Tuy nhiên, câu trả lời cần có thời gian, trong khi OPEC không thể chờ đợi.
Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters.

Cuối tuần trước, OPEC và Ủy ban Kỹ thuật chung không phải OPEC (JTC) quyết định họp mặt vào ngày 4 - 5/2, thay vì lịch định kỳ sẽ diễn ra vào ngày 5 - 6/3 để đánh giá tác động của dịch cúm, thống nhất phương án sản lượng như hiện tại hay giảm sâu hơn để cứu giá dầu, khi tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá dầu đã giảm hơn 20%.

Một trong những thử thách chính mà OPEC cùng các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác phải đối mặt là không xác định được ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ lớn tới mức nào.

Hiện nay, dự báo mới nhất mà S&P Global Platts đưa ra là nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm gần 2,6 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 2 triệu thùng/ngày trong tháng 3 ở kịch bản xấu nhất. Con số khổng lồ này đủ sức gây chấn động với mọi nhà sản xuất dầu mỏ.

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của OPEC, nên các nhà sản xuất khu vực này sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Số liệu được tổng hợp bởi Bloomberg cho thấy, gần ¼ lượng dầu được đưa ra khỏi khu vực này trong năm ngoái là tới Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 khách hàng lớn khác tại châu Á và đều đang ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Corona gây ra.

OPEC chỉ có một lựa chọn trước dịch cúm Corona ảnh 1

4 quốc gia châu Á chiếm 2/3 lượng dầu xuất khẩu của OPEC.

Đầu tháng 2/2020, OPEC công bố dự báo cho thấy, Trung Quốc chiếm khoảng hơn ¼ nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trưởng trong năm 2020 trên toàn cầu.

Thậm chí, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, Đại lục đóng vai trò còn lớn hơn khi 40% tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ xuất phát từ khu vực này.

Đáng chú ý, trong các báo cáo kể trên, dịch bệnh liên quan tới virus Corona chưa được nhắc tới.

Theo giới chuyên gia, bệnh dịch không ảnh hưởng tới mọi nhà sản xuất dầu mỏ như nhau. Chẳng hạn, với quy định hạn chế dịch chuyển và kéo dài các kỳ nghỉ, nhà sản xuất năng lượng phục vụ vận tải sẽ tổn thất đầu tiên và lớn nhất.

Xăng, năng lượng máy bay và khí gas chiếm khoảng 55% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc năm 2020 và có tốc độ tăng trưởng gần 60%.

Chưa kể, việc cấm vận các chuyến bay bởi nhiều hãng hàng không, bao gồm British Airways PLC, Delta Air Lines Inc, cùng với lệnh hạn chế du lịch của Trung Quốc sẽ tạo tác động lớn tới các nhà sử dụng năng lượng vận tải khắp nơi.

Một khi những người tiêu dùng cuối cùng giảm nhu cầu sử dụng, các nhà sản xuất dầu thô, các chế phẩm từ dầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Nhiều nhà máy lọc hóa dầu có vốn nhà nước tại Trung Quốc có thể giảm sản lượng xuống mức dưới 70% để đối phó với nhu cầu đi xuống, theo nhận định của JLC, thậm chí một số doanh nghiệp tư nhân có thể giảm dưới 50%. Khi đó, nhu cầu nhập khẩu dầu thô đầu vào cũng phải cắt bớt.

Hiện tại, những dấu hiệu suy giảm đã xuất hiện. Việc vận chuyển dầu từ Mỹ La tinh tới Trung Quốc đã tạm ngừng trong tuần trước.

Các nhà sản xuất tại vịnh Ba Tư bắt đầu ghi nhận lại đơn đặt hàng từ khách hàng trong tháng 3 và đây là chỉ dấu chính xác nhất cho biết các nhà sản xuất tại Đại lục liệu giảm sản lượng mạnh tới mức nào.

Trong bối cảnh hiện tại, việc giảm sản lượng sâu hơn nữa gần như là lựa chọn phải làm đối với OPEC nếu muốn hỗ trợ đà tăng của giá dầu khi nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc giảm xuống.

Tuy nhiên, quyết định này khó có thể nhận được sự chấp thuận từ các quốc gia ngoài OPEC, trong đó có Nga.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục