Ông Vũ Tiến Lộc: Chi phí kinh doanh vẫn cao

Trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng chủ tịch Liên minh VBF cho biết, cộng đồng kinh doanh trong nước vẫn lo ngại vì chi phí kinh doanh tăng cao.
Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc

Ông Lộc cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp mà VCCI đã tổng hợp, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác…

Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistic của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước.

“Do vậy, các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá từ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới”, ông Lộc gửi khuyến nghị của cộng đồng kinh doanh trong nước tới VBF 2017.

Cũng phải nhấn mạnh, năm 2017 đã được Chính phủ chọn là năm cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tại cuộc gặp với doanh nghiệp vào tháng 5/2017 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu này cho các kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017.

Thủ tướng cũng đã bắt đầu thực hiện bằng việc ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Các bộ, ngành cũng đã có những động thái tích cực, khi đã bỏ được 1 phí, giảm được 44 phí, lệ phí trong các ngành nông nghiệp, y tế, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyề thông, công an, kế hoạch và đầu tư...

“Tuy nhiên, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp còn cao, nhất là chi phí thực thi các thủ tục hành chính, thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành...”, ông Lộc nói.

Đây cũng là các khuyến nghị chính mà VCCI đã tập hợp, gửi VBF 2017.

“Vấn đề này phải xuất phát từ bộ ngành. DN chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm được ít nhất từ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh bởi gần một nửa điều kiện kinh doanh được bộ ngành đặt ra hiện nay là bất hợp lý, làm khó cho doanh nghiệp”, ông Lộc khẳng định.

Đặc biệt, ông Lộc cũng cho rằng Nhà nước cũng cần từng bước chuyển giao việc cung cấp dịch vụ công sang khu vực tư nhân để gia tăng hiệu quả dịch vụ công ích, từ đó giảm chi phí kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Lộc tin rằng, khu vực tư nhân đã đủ lớn mạnh để “cáng đáng” nhiều dịch vụ công vốn lâu nay vẫn nằm trong tay khu vực Nhà nước.

“APEC là điển hình cho thấy sự vươn lên của khu vực tư nhân Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, khi Việt Nam tổ chức APEC, Nhà nước phải tự xây dựng trung tâm tổ chức, nay thì tư nhân đã đảm đương được.

Hay trước kia, Nhà nước phải tự bỏ tiền mua xe phục vụ chuyển trở APEC thì lần này tư nhân đầu tư, Nhà nước bỏ tiền thuê lại”, ông Lộc dẫn chứng. “Điều này thể hiện rất rõ xu thế xã hội hoá dịch vụ công ích trong bối cảnh phát triển mới”.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục