Tôi, đầu tiên
Tôi chọn tiêu đề cho phần này là “Tôi, đầu tiên” như một cái cớ để được viết ra những cột mốc đầu tiên mà tôi cùng các anh em tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã làm được. May mắn hơn, khi đến nay, những phát minh này vẫn được trân trọng sử dụng.
Thời điểm ấy là năm 1999. Tôi về nước sau khi hoàn thành chương trình học tài chính ngân hàng tại Úc. Giai đoạn này, chứng khoán như “làn gió lạ” lướt qua nền kinh tế Việt Nam. Thị trường sơ khai và người chơi còn mông lung trước sự xuất hiện của ngành tài chính này, ngay cả người trong ngành cũng không tránh được cảm giác mới lạ .
Nhóm 5 người được Công ty (BVSC Hội sở Hà Nội) cử vào Nam gây dựng chi nhánh gồm có anh Uyên Nguyên, anh Phương, chị Mai Trinh và tôi. Chúng tôi là những thành viên đầu tiên của công chứng khoán Bảo Việt tại thị trường TP.HCM.
Ngày 19/5/2000, BVSC Chi nhánh TP. HCM chính thức khai trương. Đây như hồi trống khai hội cho TTCK tại Thành phố. Chi nhánh đã được mở, nhưng anh em chúng tôi vẫn phải loay hoay về phương thức quản lý, bởi lúc ấy, Internet là một thứ xa xỉ để tìm kiếm thông tin, nên mọi người chấp nhận cảnh vừa làm vừa thiết kế xây dựng những quy chuẩn cho ngành chứng khoán. Và phát minh đầu tiên của BVSC được đưa ra thị trường và còn sử dụng cho đến ngày hôm nay đó chính là phiếu đăng ký lệnh giao dịch chứng khoán.
Cùng trong thời gian đó, chị Phúc Lâm (nguyên Giám đốc BVSC) kết hợp với Sở GDCK TP. HCM (HOSE) qua Thái Lan để nghiên cứu hệ thống giao dịch chứng khoán. Vài ngày sau đó, chị Lâm đã quyết định mua lại hệ thống này và BVSC tiếp tục tiên phong trở thành đơn vị có hệ thống giao dịch sàn chứng khoán đầu tiên.
Nếu ai hỏi tôi điều gì đã đưa tôi đến và níu giữ tôi làm “người tình chung thủy” với BVSC đến thời điểm này, tôi chỉ biết trả lời một từ duy nhất là Duyên. Ngày hôm nay, ngồi gõ ra từng dòng trí nhớ, tôi thấy mình may mắn. Tôi sẽ viết với những gì mộc mạc nhất, đúng như cái chất con người tôi.
Ngày 28/7/2000, sau một thời gian dài chuẩn bị, sàn chứng khoán tại BVSC đã sáng đèn, với 2 mã giao dịch đầu tiên là REE và SAM. Tôi còn nhớ, mới sáng sớm mà khách hàng đã “tấn công” chúng tôi trong hàng dài chờ đợi, chẳng bạt lều nào che cho hết dòng người đổ về BVSC. Người mua thì nhiều, còn người bán thì “lần không ra”, thị trường như “dòng domino” cứ đổ dồn về một phía.
Lúc này TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn “gieo mầm”, khách hàng cá nhân nườm nượp đổ tiền đầu tư, còn BVSC cũng quen dần với nhịp độ thị trường. Tôi thấy yên tâm với hiện tại nên bắt đầu nghĩ ra một hướng đi mới, đó là nhóm các khách hàng tổ chức. Họ đầy tiềm lực về tài chính, mình chỉ cần giúp họ cách kiếm thêm tiền từ chứng khoán chắc chắn họ sẽ đầu tư, tôi nghĩ vậy.
Cột mốc đánh dấu cho sự ra đời của thị trường khách hàng tổ chức tại BVSC chính là hợp đồng ký với Merril Lynch.
Để tiếp cận được khách hàng lớn như Merril Lynch, tôi và Sơn (hiện là Trưởng phòng Khách hàng tổ chức của BVSC) đã quyết định thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Hồng Kông để thuyết phục họ mở tài khoản tại BVSC.
Tôi không nhớ rõ từng chi tiết trong chuyến đi, nhưng tôi nhớ hoài cái kiểu “bụi đời” của 2 thằng đi ngoại giao với đối tác lớn mà ở khách sạn rẻ tiền, đi xe bus, ăn tiết kiệm và chỉ khi họp với đối tác mới dám đặt phòng tại khách sạn 5 sao...
Bây giờ nhìn lại, 2 anh em tôi đoán chắc do đối tác thấy chúng tôi chân chất, nhiệt huyết nên mới chấp nhập lời mời.
Từ Merril Lynch đã mở ra cho BVSC cánh cửa rộng lớn hơn với những khách hàng lớn như UBS, Dragon Capital, PXP, Deutches Group, Prudential Singapore, Jardine Flemming group… Tôi biết ơn họ rất nhiều, vì họ là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển vượt bậc của Chi nhánh.
Sau những phi vụ với các đối tác lớn, tôi đã mạnh mẽ, tự tin cùng anh em xông pha, tiên phong làm mới thị trường với nhiều hình thức kinh doanh khác, như:
- 2000, BVSC đã ra bản cáo bạch đầu tiên.
- Năm 2004, BVSC tiên phong mở ra dịch vụ Tư vấn Cổ phần hóa doanh nghiệp, Tư vấn Đấu giá. Các doanh nghiệp lớn như Savico, SHB… đều là những khách hàng của BVSC vào giai đoạn 2008. Hiện nay, số doanh nghiệp được tư vấn đã vượt qua con số 300.
- Năm 2005, BVSC là công ty chứng khoán đầu tiên tư vấn cho DN FDI lên sàn.
- Năm 2006, thị trường được dịp “dòm ngó” BVSC kỹ hơn khi “dám” bảo lãnh cho REE phát hành cổ phiếu với giá 32.000 đồng/CP, trong khi giá thị trường chỉ là 25.000 đồng/CP.
- Năm 2008, giải thưởng danh giá đầu tiên Best Equity House 2008 do Finance Asia trao tặng cho BVSC. Đây là “tấm bằng” quý giá cho anh em chúng tôi sau chuỗi thời gian dài miệt mài làm việc và cố gắng.
- Năm 2010, BVSC mở dịch vụ Tư vấn M&A đầu tiên.
Tôi, thị trường
17 năm TTCK đã có biết bao thay đổi
Phải khẳng định rằng, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh, nhất là khi sản phẩm mới ra đời, cụ thể ở đây là chứng khoán phái sinh sẽ giúp thị trường tiếp tục phát triển.
Suốt thời gian qua, tôi đã chứng kiến nhiều sự rẽ ngang của các “anh tài” chứng khoán, người bỏ cuộc chơi, người vướng vào vòng lao lý...
Quy mô sản phẩm giờ đây lớn hơn nhiều. Từ vài tỷ đồng, nay đã lên ngàn tỷ đồng. Từ vài mã cổ phiếu, bây giờ đã ngót nghét hơn 700 mã, chưa kể đến hàng trăm công ty chuẩn bị niêm yết, cũng như các công ty chứng khoán mới ra đời. Chỉ nói riêng thị trường trái phiếu đã thấy rất rõ sự lớn mạnh, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú tại Hà Nội và TP. HCM.
Tính chất giao dịch của thị trường giờ đây cũng phức tạp hơn nhiều. Về giao dịch cá nhân, các nhà đầu tư bắt đầu hướng đến chiều sâu, với nhiều kỹ thuật giao dịch chuyên nghiệp hơn.
Khi quy mô và tính chất thay đổi thì về bản chất, TTCK cũng đang có sự xoay chuyển để khớp nhịp đập với nền kinh tế. Trong đó, mạnh mẽ nhất là sự trỗi dậy của các “đội lái” với tính chất đầu cơ và vai trò ngày càng cao. Điều này là tất yếu khi chứng khoán vẫn là “gà đẻ trứng vàng”.
Nói như vậy không có nghĩa là thị trường bất ổn định. 17 năm qua, dù xu thế kinh doanh có nhiều đổi thay, nhưng với doanh nghiệp chọn hướng phát triển bền vững, đến thời điểm này, họ vẫn hoạt động rất tốt như VNM, REE… Và ngược lại, cũng có rất nhiều cổ phiếu thăng trầm theo biến động thị trường…
Tuy nhiên, song song với việc phát triển, tôi cũng quan ngại đến “mặt tối” của nó có thể tạo rủi ro cho các nhà đầu tư, đó chính là yếu tố kinh nghiệm và kiến thức.
TTCK Việt Nam dù đã có những tiến bộ vượt bậc, song vẫn đang ở mức sơ khởi so với thị trường thế giới. Vì vậy, nếu các môi giới Việt Nam không trau dồi kiến thức theo chiều sâu, các công ty chứng khoán không tập trung đầu tư, phát triển đào tạo nguồn nhân lực theo hướng căn bản, bền vững thì khả năng rất cao sẽ tạo nên những đội nhóm với vai trò làm thao túng thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp.
Suốt thời gian qua, tôi đã chứng kiến nhiều sự rẽ ngang của các “anh tài” chứng khoán, người bỏ cuộc chơi, người vướng vào vòng lao lý...
Buồn là cảm giác rất tự nhiên khi phải đón nhận những thông tin ấy, nhưng cũng không giấu được suy nghĩ tự hào vì tôi và những anh em làm chứng khoán lớp đầu tiên vẫn đứng vững, phát triển trong ngành nghề được đánh giá nhiều rủi ro như chứng khoán.
Cuối cùng, phát triển và thay đổi là quy luật tất yếu, một tín hiệu đáng mừng cho thị trường nói chung và cho các công ty chứng khoán như BVSC nói riêng.
Chứng khoán tác động ảnh hưởng đến cá nhân tôi như thế nào?
Có thể nói, chứng khoán chính là “động lực” giúp tôi trưởng thành. Cứ tưởng tượng, một cậu thanh niên mới ra trường, mang theo tinh thần “chiến đấu” bất kham mong sớm gặt hái được thành quả trong nghề, để đến khi trưởng thành, mọi thứ sẽ phải chắc chắn và chuyên sâu. Tôi chính là cậu thanh niên ấy.
Một phần bản thân tôi thay đổi để theo kịp thị trường, đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Một phần nữa (phần này rất lớn và quan trọng) là thời gian đã giúp tôi có kinh nghiệm và cảm quan về các vấn đề của thị trường.
Giờ đây, tôi muốn tập trung vào chiều sâu của các mảng kinh doanh. Thay vì tham gia đầu tư “lướt sóng”, nay tôi chuyển hướng sang đầu tư kiến thức cho lớp kế cận, hướng họ đi theo con đường đầu tư cơ bản, nghiêm túc, vừa đáp ứng được sự linh hoạt của nền kinh tế, vừa đảm bảo sự chín chắn trong ý thức kinh doanh.
Với doanh nghiệp, tôi tập trung vào tư vấn trong vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Mỗi doanh nghiệp sẽ phát triển theo chiều rộng về quy mô và chiều sâu về chất lượng, bao gồm công nghệ, nhân lực và tài chính. Từng doanh nghiệp vững vàng sẽ tạo nên doanh thu ổn định cho nhà nước.
Kỳ vọng
Tôi kỳ vọng về một sự hòa nhập giữa TTCK Việt Nam và thế giới.
Giá trị kinh tế của TTCK sẽ đóng góp vào hiệu quả chung của nền kinh tế. Tôi thường nhìn vào cuộc sống của người dân qua mỗi năm để đánh giá chất lượng kinh tế và lần này cũng vậy: chứng khoán sẽ đóng góp thiết thực, cải thiện nền kinh tế đất nước, dù ít hay nhiều.
Về con người, tôi mong rằng, mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường cần phải hiểu rõ và hiểu sâu hơn bản chất thị trường. Chứng khoán là đầu tư, không phải là sòng bạc. Mỗi ngày, tôi luôn khao khát đào tạo ra một đội ngũ môi giới hiểu được đúng và đủ về chứng khoán.
Tôi, BVSC
Có người hỏi tôi, anh thấy BVSC khác gì so với các công ty khác? Tôi trả lời rằng: “Nhân viên BVSC tư vấn từ trong tim”. Đó là sự thật. Tôi luôn động viên anh em hãy làm việc bằng “trái tim nóng”, có thể đôi khi tình cảm khiến mình sai, nhưng về lâu dài, tình cảm sẽ luôn bền vững và giúp giữ chân được nhiều khách hàng.
Tôi chia sẻ quan điểm làm việc như vậy, bởi chính tôi cũng được các thế hệ đi trước truyền lại. 17 năm nếu so với tuổi đời con người thì chưa dài, nhưng với hành trình của một sự nghiệp thì có lẽ đã đủ bản lĩnh trưởng thành.
Trải qua những thăng trầm cùng thị trường từ lúc sơ khai đến nay, từ những ngày đầu gian khó cho đến đỉnh cao hưng thịnh, tôi cảm nhận được rõ từng nhịp thở của thị trường và BVSC. Dẫu có những lúc áp lực đổ dồn, không được ai chia sẻ, tôi muốn buông xuôi, nhưng vì “cái tình, cái chất” ở đây đã giúp tôi bình tĩnh nhìn lại trách nhiệm của bản thân, những khó khăn đã trải qua… rồi tôi tự níu mình ở lại.
Nhìn lại quá trình 17 năm làm việc và cống hiến cũng giống như “bước nghỉ” để lấy động lưc bước tiếp trong hành trình dài sắp tới. Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu không thể là một bức tranh đẹp, thì hãy là một mảnh ghép đẹp, để bức tranh trở nên hoàn mỹ.