Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Ba sau khi các nhà lập pháp của Mỹ cho biết, các chính sách về cải cách thuế sẽ dễ dàng được thông qua do nhận được sự đồng thuận của các đảng viên Cộng hòa, khác với chính sách y tế thay thế chương trình Obamacare, chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng giảm trở lại trong phiên thứ Tư.
Phố Wall giảm điểm sau lời đe dọa chính phủ sẽ ngừng hoạt động của Tổng thống Donald Trump nếu quốc hội Mỹ không thông qua chương trình chi tiêu chính phủ mới, trong đó có việc tăng trần nợ.
Dù sau đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng, việc ngừng hoạt động của Chính phủ là không cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không làm dịu tinh thần của các nhà đầu tư và phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ khi chốt phiên.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones giảm 87,80 điểm (-0,40%), xuống 21.812,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,47 điểm (-0,35%), xuống 2.444,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,07 điểm (-0,30%), xuống 6.278,41 điểm.
Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng euro trong tháng 8 tăng lên mức cao nhất 6 năm rưỡi. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu cũng không thể duy trì được đà tăng trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của Thống đốc các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole (Mỹ), trong đó phát biểu của ông Mario Darghi, Chủ tịch ECB sẽ ít nhiều tác động tới chứng khoán châu Âu.
Ngoài ra, cổ phiếu WPP của nhà quảng cáo lớn nhất thế giới mất tới 10,9% sau khi cắt giảm triển vọng doanh thu năm cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 0,91 điểm (+0,01%), lên 7.382,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 55,04 điểm (-0,45%), xuống 12.174,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,47 điểm (-0,32%), xuống 5.115,39 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại nhờ phản ứng tích cực với chứng khoán Mỹ phiên trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc đảo chiều giảm nhẹ trở lại. Chứng khoán Hồng Kông tạm dừng giao dịch do ảnh hưởng của cơn bão Hato.
Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 50,80 điểm (+0,26%), lên 19.434,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,52 điểm (-0,08%), xuống 3.287,70 điểm.
Trái ngược với chứng khoán, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên điều chỉnh hôm thứ Ba. Việc giá vàng hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và đồng USD giảm. Sau khi tăng mạnh 0,48% trong phiên thứ Ba, chỉ số USD giảm 0,42% trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 23/8, giá vàng giao ngay tăng 5,9 USD/ounce (+0,46%), lên 1.290,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,7 USD/ounce (+0,29%), lên 1.294,7 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô có phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng hơn 1% trong ngày thứ Tư sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,3 triệu thùng, dù thấp hơn mức dự báo giảm 3,5 triệu thùng, nhưng đây là tuần giảm thứ 8 liên tiếp của kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Ngoài ra, kho dầu tại trung tâm trung chuyển Cushing, Oklahoma cũng giảm 503.000 thùng trong tuần trước.
Kết thúc phiên 23/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,58 USD/thùng (+1,20%), lên 48,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,70 USD (+1,33%), lên 52,57 USD/thùng.