Ông Trầm Bê xin hình phạt thấp, hứa 'không chống án'

Nói lời sau cùng trước tòa, ông Trầm Bê khẳng định không cố ý làm trái, nếu HĐXX xem xét cho một mức án thấu tình đạt lý sẽ không chống án.
Ông Trầm Bê. Ảnh: Thành Nguyễn Ông Trầm Bê. Ảnh: Thành Nguyễn

Chiều 1/2, sau gần ba tuần bị đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Ông Trầm Bê gửi lời cảm ơn các luật sư bào chữa, đại diện VKS đã đề nghị giảm thêm án cho mình và đánh giá khách quan về vụ án. Ông cũng gửi lời xin lỗi lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Sacombank.

"Tôi có sai nhưng tôi không cố ý làm trái", ông Bê lặp lại câu nói này, ít nhất 3 lần tính từ đầu phiên xử.

"Trong quá trình công tác, tôi luôn cố gắng không vi phạm pháp luật và đây là lần đầu tiên. Khi công an vào cuộc, tôi nghĩ mình sai nhưng không đến nỗi phải xử lý hình sự. Tuổi của tôi đã cao, sức khỏe yếu, mong HĐXX xem xét khi lượng hình", ông Bê trình bày bằng giọng chậm rãi.

"Nếu bị tuyên 5 năm tù, với tôi là quá nặng. Tôi đã làm gì thì HĐXX cũng biết. Công trạng của tôi, đóng góp của tôi cho xã hội, mong HĐXX xem xét một mức án thấu tình đạt lý để tôi chấp nhận và sẽ không phải chống án", ông Bê nói và xin tòa được hình phạt "không giam giữ" hoặc mức án thấp nhất. 

Trước đó, là người đầu tiên được tòa gọi tên, ông Phạm Công Danh cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho mình được ngồi trong suốt quá trình xét xử do sức khỏe yếu.

Ông cho biết, tất cả số tiền liên quan trong vụ án đều được sử dụng cho ngân hàng, chứ không dùng cho việc cá nhân. Trong giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ), ông chưa được tòa ghi nhận nên mong muốn HĐXX lần này tiếp tục xem xét, đồng thời làm rõ dòng tiền đã sử dụng, truy thu để khắc phục hậu quả.

Trong ba năm tham gia tái cơ cấu VNCB (2012-2014), ông Danh nói rằng đã phải huy động khối lượng tiền rất lớn để duy trì việc thanh khoản, chăm sóc khách hàng cho nhà băng.

Ông cũng phải lấy tất cả tiền của Tập đoàn Thiên Thanh mà gia đình đã gây dựng trong hơn 50 năm qua, tiền của cá nhân, để dùng cho ngân hàng.

"Trước khi tôi nhận ngân hàng, kết luận thanh tra thể hiện rất rõ 90% nợ không có khả năng thu hồi. Tôi đã cố gắng duy trì ổn định, không để mất thanh khoản. Tiền bỏ vào ngân hàng mất, phần tôi làm tôi chịu.

Ngay cả ngôi nhà của vợ chồng tôi ở cũng bị kê biên để thi hành án. Vợ con tôi phải sống ở nhà thuê. Đến chiếc ôtô, môtô… cũng bán để phục vụ cho ngân hàng", ông Danh bắt đầu nghẹn giọng.

Ngừng một lát, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB gửi lời xin lỗi đến các cấp dưới, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank vì đã tin tưởng mình mà vướng vào vụ án.

"Tôi xin HĐXX xem xét cho họ mức án thấp nhất có thể. Trong suốt một tháng diễn ra phiên tòa, HĐXX cũng hiểu rõ họ không hề hưởng lợi trong vụ án này", ông Danh nói.

Ông cũng xin cơ quan tố tụng tạo điều kiện cho mình chữa bệnh do đang bị suy thận cấp độ ba, sức khỏe không tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả vụ án trong thời gian tới. 

Ông Trầm Bê xin hình phạt thấp, hứa 'không chống án' ảnh 1

 Ông Danh và cấp dưới Phan Thành Mai. Ảnh: Thành Nguyễn.

Không kìm chế được cảm xúc, bị cáo Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB, bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Danh) bật khóc trước khi nói lời sau cùng. 

"Bị cáo đã ba lần đứng ở đây, chứng kiến nhiều hoàn cảnh vướng vào vụ án, nhiều giọt nước mắt của nhiều gia đình, bậc cha mẹ. Bản thân bị cáo cũng không vụ lợi, mọi việc làm của bị cáo chỉ có một mục đích duy nhất là cứu ngân hàng", Mai nói.

"Trong suốt hai giai đoạn của vụ án, bị cáo, ông Danh và các đồng nghiệp đều khát khao làm việc trong môi trường ngân hàng chuyên nghiệp, nhưng phải đối mặt với quá nhiều nhiệm vụ khó khăn. Những nhiệm vụ này đều nằm ngoài phương án tái cơ cấu ngân hàng". 

Mai cho biết, trong đó, xuất phát từ việc ông Danh đã mua toàn bộ khối nợ xấu của nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn) đại diện để nhận tài sản nhưng không nhận được. Cả ông Danh, Mai và các đồng nghiệp đều mong muốn giảm tốc độ lỗ của ngân hàng nhưng không thể. Tiếp đó là áp lực phải tăng vốn điều lệ...

"Tại thời điểm đó, bị cáo và các đồng nghiệp không thể nghĩ được gì để cứu ngân hàng. Bản thân anh Danh cũng chỉ nhìn được một góc, không ai đủ bình tĩnh để nhìn được xâu chuỗi vấn đề, không thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất", Mai nói.

Cựu Tổng Giám đốc VNCB mong HĐXX tạo điều kiện cho ông Danh khai thác các tài sản liên quan để khắc phục hậu quả vụ án này. Ngoài ra, Mai cũng xin tòa xem xét cho các bị cáo là thuộc cấp và cán bộ tại các ngân hàng được hưởng mức án khoan hồng nhất bởi họ không được hưởng lợi gì. 

Tương tự, 43 bị cáo còn lại cũng lần lượt trình bày hoàn cảnh, tình tiết giảm nhẹ, mong HĐXX áp dụng mức án khoan hồng.

Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào sáng 7/2.

Ông Danh bị cáo buộc cùng cấp dưới dùng hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt công ty làm hồ sơ vay vốn khống của Sacombank, BIDV, TPBank, để lấy tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ. Do các công ty này không hoạt động kinh doanh nên các ngân hàng đã thu nợ, dẫn đến VNCB bị thiệt hại. 

Trong giai đoạn một của đại án, ông Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọngvà Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và những người liên quan bị buộc nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục