Ngân hàng CB có thể bị ông Phạm Công Danh kiện đòi 4.500 tỷ

Không đồng ý cấn trừ 4.500 tỷ đồng trong tổng thiệt hại hơn 6.100 tỷ, VKS đề nghị tòa cho ông Phạm Công Danh quyền được khởi kiện CB.
VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đối với ông Danh và đồng phạm. Ảnh: Quỳnh Trần. VKS giữ nguyên quan điểm truy tố đối với ông Danh và đồng phạm. Ảnh: Quỳnh Trần.

Phiên xét xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc VNCB), Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) cùng 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ngày 27/1 tiếp tục với phần tranh luận.

Sau gần một tuần hơn 70 luật sư lần lượt bào chữa bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người liên quan, đại diện VKSND TPHCM cho rằng một số luật sư có lời lẽ thiếu tôn trọng, mang tính quy chụp cơ quan tố tụng. Do đó, Viện đề nghị lãnh đạo các đoàn luật sư có ý kiến chấn chỉnh thái độ của họ, trách trường hợp tương tự xảy ra.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh và nhóm bị cáo của ngân hàng VNCB về việc cần xem xét bối cảnh phạm tội, VKS cho rằng vấn đề này đã được các cơ quan tố tụng xem xét trong bản án phúc thẩm giai đoạn một.

Về quan điểm nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của ông Danh và đồng phạm là do ông phải tiếp quản một ngân hàng đang thua lỗ nặng (do bà Hứa Thị Phấn để lại), VKS đã đề nghị khởi tố bà Phấn cùng đồng phạm và HĐXX đã đồng ý. Vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Đối với số tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ cho VNCB, mà các luật sư đề nghị cấn trừ vào thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của vụ án, cơ quan công tố dẫn chứng việc đại diện CB (Ngân hàng TNHH Một thành viên Xây dựng, kế thừa quyền nghĩa vụ của VNCB sau khi được nhà nước mua lại với giá 0 đồng) xác định số tiền này đã hòa vào dòng tiền của ngân hàng, không thể bóc tách.

VKS xác định số tiền hơn 6.100 tỷ đồng ông Danh mang sang gửi tại Sacombank, BIDV, TPBank để đảm bảo cho 29 lượt vay của các công ty mới là tang vật vụ án, do đó, cần thu hồi để khắc phục hậu quả. Còn 4.500 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung thì đây là quan hệ giữa Phạm Công Danh và CB. VKS đề nghị HĐXX dành cho bị cáo Danh quyền được khởi kiện VNCB (nay là CB) bằng một vụ án dân sự để đòi lại.

VKS không thu hồi tiền gửi, tiền lãi, tiền chuyển cho bà Hứa Thị Phấn, Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích... bởi đã đề nghị thu hồi từ ba ngân hàng.

"Còn nếu HĐXX xem xét đề nghị của các luật sư, nếu có căn cứ cho rằng đây là tiền tang vật vụ án thì cho thu hồi", VKS nêu quan điểm.

Về vai trò, trách nhiệm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại VNCB, VKS cho biết họ đã bị khởi tố trong một vụ án khác về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên không xem xét trong phạm vi vụ án này.

Đại diện cơ quan công tố cũng giữ nguyên quan điểm việc truy tố ông Trầm Bê, Phan Huy Khang (cựu Tổng giám đốc Sacombank) về tội Cố ý làm trái. VKS cho rằng, hai bị cáo này biết Danh không đủ điều kiện vay nhưng vẫn cho vay bỏ mặc hậu quả xảy ra. Vì vậy, việc xác định các bị cáo đồng phạm giúp sức với ông Danh là đúng người đúng tội. 

Ngân hàng CB có thể bị ông Phạm Công Danh kiện đòi 4.500 tỷ ảnh 1

Ông Phạm Công Danh bị đề nghị liên đới trả 6.100 tỷ đồng cho các ngân hàng. Ảnh: Thành Nguyễn.  

Về quan điểm cho rằng nhóm bị cáo là lãnh đạo và nhân viên BIDV Chi nhánh Gia Định (bị cáo buộc sai phạm trong việc phê duyệt cho công ty của ông Danh khoản vay 430 tỷ đồng) không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, Viện xác định ông Trần Lục Lang (Phó tổng giám đốc BIDV) xác định rõ nhiệm vụ của Chi nhánh Gia Định.

Theo đó, hội sở chỉ chấp thuận về chủ trương cho Công ty Phong Hiệp vay, còn việc thẩm định hồ sơ thì các bị cáo đã không làm. Quá trình cho vay dù các bị cáo không ý thức giúp sức, song đã ký cho công ty Phong Hiệp vay và có nhiều sai sót nên giúp ông Danh vay được tiền.

Tương tự, VKS cũng bác quan điểm bào chữa của luật sư bị cáo Đinh Việt Cường, Đặng Thị Bích Thủy (cựu Giám đốc, phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) khi cho rằng các bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái với vai trò đồng phạm giúp sức cho ông Danh.

Theo VKS, các bị cáo không bàn bạc trực tiếp với ông Danh nhưng đã bàn bạc với Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) mà Hà biết rõ mọi hoạt động của bị cáo Danh và biết Danh tìm cách rút tiền ra khỏi ngân hàng VNCB. Do đó, các bị cáo phạm tội trong trường hợp "Cố ý gián tiếp".

Đại diện VKS chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo có vai trò thứ yếu, không hưởng lợi... để hưởng mức án thấp hơn mức đề nghị của VKS.

Ông Phạm Công Danh bị cáo buộc trong quá trình tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ, tăng vốn điều lệ đã chỉ đạo cấp dưới rút trái phép hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB bằng hình thức mang tiền này sang các ngân hàng gửi. Ông và đồng phạm đã làm khống hợp đồng vay vốn, dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng để bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay Sacombank 1.800 tỷ đồng, BIDV 4.700 tỷ đồng, TPBank hơn 1.660 tỷ đồng.

Do các công ty này không có tiền trả, 3 ngân hàng đã thu nợ bằng tiền gửi của VNCB là hơn 6.100 tỷ đồng.

Mở đầu buổi làm việc, chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết hôm 23/1 đã có văn bản yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình về vấn đề 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại VNCB. Ngày 27/1, Thống đốc ngân hàng có văn bản gửi HĐXX kèm theo các tài liệu chứng minh về dòng tiền này, song tòa chưa công bố nội dung.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục