Ông Phạm Hữu Phú sẽ rời Sacombank

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên ngày 25/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - mã STB) sẽ bầu chủ tịch hội đồng quản trị mới.
Ông Phạm Hữu Phú Ông Phạm Hữu Phú

Ngoài ra, Sacombank cũng đang chuẩn bị trình Ngân hàng Nhà nước đề án sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern bank).  Đó là những thông tin mới nhất mà chúng tôi có được từ cuộc phỏng vấn ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.

Có thông tin hành lang ông sẽ rời Sacombank. Có đúng như vậy không, thưa ông?

Từ đầu nhiệm kỳ hiện hành, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) có 11 người, qua thời gian biến động nay chỉ còn 7 người. Theo điều lệ của Eximbank, trong vòng 60 ngày phải bầu bổ sung cho đủ số người.

Vừa qua Hội đồng quản trị Eximbank nhận thấy tình hình ở Sacombank đã ổn định và Eximbank cũng cần bổ sung thêm nhân sự, nên đại diện Eximbank đã qua đây trao đổi với Sacombank, với tôi về việc tôi không còn biệt phái sang Sacombank nữa.

Tôi sang Sacombank là theo sự phân công của Eximbank, nay về lại làm gì cũng phụ thuộc vào phân công của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông sắp tới (Eximbank sẽ họp đại hội đồng cổ đông vào ngày 28-4-2014).

Năm 2013 Đại hội đồng cổ đông Sacombank cũng ủy nhiệm cho hội đồng quản trị tìm kiếm ngân hàng nhỏ để sáp nhập nếu thuận lợi. Sáp nhập với Phương Nam là thuận lợi vì nó tương đồng vốn liếng, chủ sở hữu.

Ông Phạm Hữu Phú

Theo ông, Eximbank có ý định chuyển nhượng khoản đầu tư vào Sacombank không?

Xét ở góc độ đầu tư tài chính, khoản đầu tư khoảng 10% cổ phần STB của Eximbank rất hiệu quả. Eximbank mua giá 16.000 đồng/cổ phiếu, sau các đợt chia tách, thưởng và trả cổ tức, giá vốn hiện còn 11.000 -12.000 đồng/cổ phiếu.

Khi tôi rời Sacombank, Hội đồng quản trị Eximbank có cử người khác thay hay thoái vốn thì chưa rõ vì còn phải chờ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông và cơ quan quản lý.

Việc ra đi của ông liệu có liên quan đến tái cơ cấu Sacombank?

Nhà nước có chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Năm 2013 Đại hội đồng cổ đông Sacombank cũng ủy nhiệm cho hội đồng quản trị tìm kiếm ngân hàng nhỏ để sáp nhập nếu thuận lợi. Sáp nhập với Phương Nam là thuận lợi vì nó tương đồng vốn liếng, chủ sở hữu.

Phương Nam cũng nhận thấy họ tự tái cấu trúc là không khả thi, nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Từ đó hai bên thống nhất nghiên cứu khả năng sáp nhập và có văn bản xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước. Việc sáp nhập này đối với cả hai là tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Nhà nước.

Theo ông, vì sao Phương Nam lại đề nghị được sáp nhập vào Sacombank?

Như tôi đã nói hai ngân hàng mang dáng dấp một chủ sở hữu.

Nói thẳng thắn Phương Nam không ở cùng vị thế mặt bằng như Sacombank. Sáp nhập có kéo lùi Sacombank lại?

Quyền quyết định sáp nhập là của đại hội đồng cổ đông. Tình hình tài chính Phương Nam thế nào? Nợ xấu, vốn còn, vốn mất? Sacombank có “cõng” được Phương Nam?... Tất cả những câu hỏi này sẽ phải được làm rõ trong đề án sáp nhập. Nếu sáp nhập làm Sacombank yếu đi thì tôi tin việc này sẽ không diễn ra.

Việc sáp nhập chỉ có thể khi hai ngân hàng nhập lại mà vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, phát triển lên được thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới chấp thuận. Đến giờ này đề án sáp nhập đang được ráo riết hoàn tất dù còn một số điểm băn khoăn.

Cụ thể, những điểm băn khoăn đó là gì?

Phương Nam và Sacombank có hòa nhập được không, có cộng hưởng được không? Bản thân tôi đang trong tình trạng stand-by (chờ), không tham gia ban trù bị sáp nhập, nên không thể nói chi tiết được.

Ông đi, chắc Sacombank sẽ có chủ tịch hội đồng quản trị mới?

Đại hội đồng cổ đông sẽ bầu chủ tịch mới. Còn tôi với tư cách đại diện cho Eximbank, tôi quan tâm đến quyền lợi của cổ đông hơn.

Tôi nghĩ các cổ đông Sacombank đều muốn đề án sáp nhập phải minh bạch, rõ ràng. Sáp nhập phải làm cho ngân hàng mạnh hơn. Thậm chí phải biết, thí dụ, sau hai năm nó mạnh hơn đến mức nào. Cổ đông Sacombank chắc chắn không muốn “ôm” một ngân hàng yếu, rồi tụt lùi luôn. Vì thế đại hội đồng cổ đông sẽ phải thảo luận, cân nhắc kỹ xem sáp nhập mang lại lợi ích gì cho họ.

Sacombank là bên mà người ta xin sáp nhập vào, sẽ có quyền chủ động?

Đúng vậy. Sáp nhập trên cơ sở tự nguyện, đáp ứng chủ trương chung, nhưng nó chỉ diễn ra nếu Sacombank mạnh hơn thì mới được cổ đông ủng hộ. Đó là cốt lõi của câu chuyện hôm nay.

Ngân hàng Nhà nước chưa có thông báo chính thức

“Giữa Sacombank và Phương Nam có khoảng cách về trình độ phát triển. Hoạt động của Sacombank đi trước một bước khá dài không chỉ ở các nghiệp vụ đơn thuần huy động - cho vay vốn, mà cả trong dịch vụ.

Đến nay chưa có thông báo chính thức nào của cơ quan quản lý về tình hình Phương Nam, tuy nhiên về hiệu quả kinh doanh và ở một số thời điểm khó khăn, Phương Nam cũng gặp vấn đề về thanh khoản. So sánh quy mô, tổng tài sản của Phương Nam bằng một nửa Sacombank; lợi nhuận thấp, chắc chừng một phần mười của Sacombank; mạng lưới bằng khoảng một phần ba đến một phần tư của Sacombank.

Về quản trị doanh nghiệp, nếu sáp nhập phải lấy Sacombank làm nền tảng để đi tiếp. Nếu đồng thuận được quan điểm, các vấn đề kỹ thuật giải quyết tiếp theo không quá khó. Phương Nam cần thời gian để tốt trở lại trước khi về chung mái nhà với Sacombank.

Nói không né tránh, Phương Nam không mạnh thì họ mới đề xuất được sáp nhập vào Sacombank. Sáp nhập cũng giải quyết vấn đề một nhóm nhà đầu tư là cổ đông hai ngân hàng mà báo chí đã nhiều lần đề cập và cũng đã tới thời điểm để tháo gỡ dứt điểm”.

(Ý kiến một cổ đông Sacombank đề nghị không nêu tên)


Theo TBKTSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục