Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng ATI, Chủ tịch VCTC: Mở visa, tạo sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng, Việt Nam cần cởi mở trong chính sách visa, trợ giá dịch vụ để thu hút du khách nước ngoài, tạo sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC). (Ảnh: Chí Cường) Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC). (Ảnh: Chí Cường)

Khi du khách đến nhà thì lại “đóng cửa

Theo quan sát của ông, chính sách visa trên thế giới đang theo xu hướng như thế nào, đặc biệt giai đoạn hậu Covid-19?

- Visa chính là khởi điểm để khách du lịch đến với đất nước đó và còn là cơ hội thu hút du khách cho hành trình dài ngày, trải nghiệm nhiều tuyến điểm, nhiều dịch vụ và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước đó.

Chính vì thế, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để du khách quốc tế thuận lợi nhập cảnh qua việc miễn thị thực cho họ. Tiêu biểu Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia, Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia, Thái Lan miễn thị thực cho 65 quốc gia. Cùng với đó, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 – 45 ngày, thậm chí là 90 ngày như Thái Lan.

Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia, thời hạn miễn thị thực 15 ngày, rất ngắn so với các quốc gia trong ASEAN, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường xa, thường họ sẽ đi du lịch 3 đến 4 tuần. Chúng ta thường truyền thông và quảng bá rất nhiều về du lịch nhưng khi du khách đến nhà thì lại “đóng cửa”.

Ngoài ra, thủ tục xin visa không dễ dàng nên dẫn đến một số câu chuyện về móc nối làm dịch vụ xin visa ở nước ngoài, không tạo điều kiện tốt nhất cho khách xin visa đến Việt Nam, khiến du khách phải mất nhiều thời gian và chi phí. Điều này sẽ làm mất hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, ngay sau chữ "mở visa" là “lợi ích kép” cho phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: Hồ Hạ)

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, ngay sau chữ "mở visa" là “lợi ích kép” cho phát triển kinh tế đất nước. (Ảnh: Hồ Hạ)

Như vậy, có phải visa là một rào cản cần tháo gỡ để mở toang cửa đón khách đến Việt Nam, giúp chúng ta đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, thưa ông?

- Đến thời điểm này, song song với việc cố gắng phục hồi thì các cơ chế chính sách, đặc biệt là visa thật sự là rào cản rất lớn cho ngành du lịch để đạt mục tiêu 8 triệu khách năm nay.

Câu chuyện của Thái Lan là một điển hình. Họ mở cửa thông thoáng để đẩy mạnh phát triển du lịch và chúng ta nhìn thấy họ thật sự rất chuyên nghiệp. Tháng 9/2022, nước này đã thực hiện chính sách thị thức mới, tạo điều kiện cho du khách đến Thái Lan và lưu trú lâu hơn. Theo đó, quốc gia này kéo dài thời gian lưu trú cho khách quốc tế từ mức 30 ngày lên 45 ngày, từ 15 ngày lên 30 ngày, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại vào e-visa, cho phép du khách được nhập cảnh nhiều lần vào Thái Lan khi visa còn hiệu lực.

Nhưng điều sâu xa tôi muốn nói ở đây là việc mở visa đã thu hút đầu tư, thu hút khách đến, tiêu thụ thương mại lớn, làm đòn bẩy để hỗ trợ kết nối và thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển như hàng không, vận tải, thương mại dịch vụ,…

Thực tế, ngay sau chữ "mở visa" là “lợi ích kép” cho phát triển kinh tế đất nước, trong đó có du lịch. Minh chứng là trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng bốn năm liên tục ở mức 2 con số. Năm 2019, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, khách du lịch quốc tế đạt 18 triệu lượt người, khách nội địa đạt 85 triệu lượt; tổng thu của ngành du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP. Ước tính, có 1,3 triệu người làm việc trong ngành du lịch, chưa kể số người cung ứng những dịch vụ, sản phẩm có liên quan. Du lịch có hiệu ứng lan tỏa mạnh, là ngành xuất khẩu tại chỗ rất nhiều sản phẩm và dịch vụ khác của đất nước.

Là người làm du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh mong muốn Việt Nam tạo điều kiện và mở cửa thông thoáng nhất có thể, dưới mọi hình thức để chào đón khách quốc tế. (Ảnh: Chí Cường)

Là người làm du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh mong muốn Việt Nam tạo điều kiện và mở cửa thông thoáng nhất có thể, dưới mọi hình thức để chào đón khách quốc tế. (Ảnh: Chí Cường)

Mở cửa thị thực, trợ giá dịch vụ để hút khách quốc tế

Xin ông đề xuất thêm giải pháp để chính sách visa trở thành chiến lược thu hút khách quốc tế, từ đó góp phần xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam?

- Là người làm du lịch, tôi mong muốn Việt Nam tạo điều kiện và mở cửa thông thoáng nhất có thể, dưới mọi hình thức để chào đón khách quốc tế. Đồng thời, tận dụng tốt nhất những lợi ích của việc mở cửa visa giúp nền kinh tế phát triển. Chính sách visa được điều chỉnh cởi mở, đột phá cũng sẽ góp phần xây dựng hình ảnh cho du lịch Việt Nam, một quốc gia không chỉ giàu tiềm năng du lịch mà còn năng động, linh hoạt trong chính sách thu hút du khách, đón thời cơ vàng để phục hồi.

Đúng là chúng ta rất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Thế nhưng, cũng có rất nhiều câu chuyện “cung” có nhưng tìm “cầu” không thấy hay “cầu” bị phụ thuộc chính vào một quốc gia và một lần đóng cửa khẩu thôi là cả nước thi nhau đi “giải cứu”. Tất cả các hạng mục kinh tế hay du lịch đều bị phụ thuộc quá nhiều, gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận lại câu chuyện visa và có những chính sách thông thoáng nhất, từ đó biến nguồn thu được từ việc cấp visa chuyển thành nguồn thu lớn từ mọi mặt của đất nước, tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển kinh tế hơn là phụ thuộc chính vào một quốc gia.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận lại thật kỹ câu chuyện visa, cùng bàn thảo cách tháo gỡ, mở cửa thông thoáng nhất cho khách đến Việt Nam. (Ảnh: Hồ Hạ)

Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận lại thật kỹ câu chuyện visa, cùng bàn thảo cách tháo gỡ, mở cửa thông thoáng nhất cho khách đến Việt Nam. (Ảnh: Hồ Hạ)

Xin ông cho biết nhu cầu, xu hướng đi du lịch của du khách đã thay đổi như thế nào hậu Covid-19?

- Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên xu hướng của du khách, đặc biệt khách sang trọng là tìm kiếm nơi yên bình, an toàn, trải nghiệm văn hóa bản địa và những nơi có không gian riêng biệt, đặc biệt là công nghệ thông tin số phát triển và khách tự đặt dịch vụ, tự di chuyển … Điều này mang đến cơ hội, sự thuận lợi cho nhiều mô hình du lịch, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với lữ hành.

Theo ông, Việt Nam cần những giải pháp tổng thể nào để nhanh chóng phục hồi du lịch, nhất là thị trường du lịch quốc tế?

- Chúng ta chia sẻ rất nhiều những lợi - hại, những bài học so sánh trong mối tương quan với các quốc gia khác. Vậy chúng ta cần làm gì?

Đầu tiên là cần nhìn nhận lại thật kỹ câu chuyện visa, cùng bàn thảo cách tháo gỡ, mở cửa thông thoáng nhất cho khách đến Việt Nam. Từ đó, biến cái khó thành sức mạnh cho sự đột phá về kinh tế và phục hồi ngành du lịch.

Các nước khác có thể làm tốt các vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh, chính sách visa thì Việt Nam cũng sẽ làm được. Theo tôi, để du khách không phải chờ đợi lâu khi xin visa hoặc làm thủ tục xuất nhập cảnh, đầu tiên, chúng ta cần có sự tương tác, phối hợp giữa các cơ quan an ninh quốc gia và cơ quan quản lý hỗ trợ ngành du lịch. Chúng ta làm tốt việc này sẽ tạo được sức hút lớn với du khách quốc tế.

Tiếp theo, khi đã có chủ trương đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì hãy phân tích, định hướng và xây dựng những sản phẩm du lịch có nét riêng biệt gắn liền với giá trị văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi. Chính điều đó sẽ là sản phẩm hoàn thiện để chúng ta truyền thông, quảng bá cũng như liên kết, kết nối phát triển du lịch Việt Nam.

Chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến loại hình du lịch cộng đồng, vì đây là xu hướng, nhu cầu của du khách trong giai đoạn mới. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần có nhiều sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút du khách hạng sang, có mức chi tiêu cao. Đơn cử như cần đầu tư xây dựng và quảng bá những trung tâm mua sắm cao cấp, sân golf, resort đẳng cấp thế giới và công viên giải trí hiện đại... Dòng khách sang trọng sẽ mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho ngành du lịch, dịch vụ.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam cần làm thật tốt câu chuyện chính sách nhất là mở cửa thị thực, trợ giá dịch vụ để thu hút du khách. (Ảnh: Chí Cường)

Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, Việt Nam cần làm thật tốt câu chuyện chính sách nhất là mở cửa thị thực, trợ giá dịch vụ để thu hút du khách. (Ảnh: Chí Cường)

Thưa ông, hiện nay, ngoài chính sách thị thực, các quốc gia khác cũng đang đưa ra những chiến lược hút khách quốc tế hấp dẫn với nhiều ưu đãi, chi phí hợp lý. Giá vé máy bay đến một số nước chỉ tương đương hoặc thấp hơn giá vé máy bay đi trong nước. Ông nhận định ra sao về câu chuyện này?

- Mỗi quốc gia đều có những chiến lược để phát triển du lịch, đặc biệt là với Thái Lan. Câu chuyện du lịch chính là cán cân để phát triển kinh tế, vì vậy, Thái Lan sẵn sàng đồng hành để hỗ trợ, trợ giá cho những dịch vụ nhằm thu hút khách như máy bay, khách sạn, lữ hành... và phần trợ giá đó sẽ được nhà nước khéo léo lấy lại qua các dịch vụ mà khách du lịch sử dụng. Do đó, chúng ta cần làm thật tốt câu chuyện chính sách nhất là mở cửa thị thực, trợ giá dịch vụ để thu hút du khách. Từ đó, khai thác triệt để những giá trị mà du khách mang lại mới tạo được sức mạnh quốc gia trong phát triển du lịch.

Khi chưa kịp thời điều chỉnh chính sách và các chương trình thu hút khách quốc tế, khách Việt lại đua nhau đi nước ngoài thay vì du lịch trong nước, vậy thì ngành du lịch Việt Nam sẽ thua thiệt gì, thưa ông?

- Tất nhiên, khi khách Việt Nam ra nước ngoài là một thiệt thòi đối với ngành du lịch cũng như kinh tế của chúng ta. Bởi khi khách đi du lịch, không chỉ những dịch vụ trải nghiệm mà khách đặt tour được hưởng lợi mà các hành trình khách đi qua nếu khai thác tốt đều mang lại những nguồn lợi vô cùng lớn. Chính điều này khiến chúng ta phải nhìn nhận lại tổng quan bức tranh du lịch cũng như có những chính sách, chế tài, những dịch vụ mang tầm quốc gia để hỗ trợ cho những dịch vụ đang phải bù lỗ. Từ đó bình ổn giá, cân bằng thị trường, hỗ trợ sâu cho khách đến với “đất nước hình chữ S”. Nếu làm được điều đó, giá du lịch trong nước sẽ không bị đắt hơn du lịch nước ngoài như bây giờ. Từ đó Việt Nam mới lấy lại được sức hút của mình.

Hồ Hạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục