Sống chết để năm nay có lãi
Sau nhiều lần không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, TTF đã mạnh dạn đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 là 2.427 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2019; lợi nhuận trước thuế 69,6 tỷ đồng.
Giải đáp những thắc mắc của nhiều cổ đông về các chỉ tiêu kinh doanh, ông Tín nói: “Cổ đông đừng nên nhìn con số doanh thu. Tôi có thể làm lớn hơn con số đó. Cam kết của chúng ta năm nay phải có lãi, đó mới là vấn đề quan trọng. Anh em chúng tôi sống chết để năm nay có lãi, nếu không tôi xin từ chức, không làm nữa”
Điểm tích cực được ông Tín chia sẻ tại ĐHCĐ là TTF chưa phải dừng hoạt động một nhà máy nào, trong khi tại tỉnh Bình Dương có gần 20 nhà máy đóng cửa, có 3/5 nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội) đều phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19.
Ông Tín cho biết thêm, dự kiến, thị trường Mỹ sẽ mở cửa trở lại từ 1/6, khi đó mới có thể ước lượng được thiệt hại nhưng với TTF, nhà máy tủ bếp vừa khánh thành đầu năm 2020 vẫn đang chạy liên tục trong mùa dịch và đủ đơn hàng đến cuối năm 2020.
Đây là nhà máy được xây trên 2 kho cũ, có diện tích khoảng 2.000 m2, công suất 60 container mỗi tháng. Dự kiến, doanh số bình quân từ nhà máy này xuất khẩu sang Mỹ đạt 50 tỷ đồng/tháng.
Theo chia sẻ của TTF, các sản phẩm tại nhà máy đáp ứng nhu cầu của các khách hàng Mỹ và có lợi thế hơn so với sản phẩm tủ bếp từ Trung Quốc đang chịu cùng lúc 3 loại thuế khi xuất vào thị trường này (thuế nhập khẩu, thuế chống trợ giá và thuế chống phá giá).
Bên cạnh đó, TTF còn thành lập liên doanh Casadora chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ nội thất có giá trị cao, trong đó TTF chiếm 60% vốn trong liên doanh. Đối tác chính là hiệu trưởng trường mỹ thuật Milan với 20 năm trong ngành.
Với thương hiệu gỗ Casadora, TTF sẽ tham gia vào phân khúc gỗ phong cách Ý cao cấp, phục vụ giới thượng lưu tại Việt Nam, đồng thời, công ty cũng sẽ tấn công các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga.
Hiện tại, TTF đã có 70% sản lượng gỗ dành cho xuất khẩu tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia… với các chuỗi cửa hàng Walmart, Tesco - là khách hàng của TTF.
Ngoài ra, dự kiến tháng 5, TTF sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sofa mới, trong đó một nửa công suất sẽ sản xuất cho hãng sofa lớn nhất thế giới.
Đồng thời, công ty cũng đã thành lập xong CTCP Central Wood nhằm đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới với công suất 9.000 m3/ tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định. Đây là địa điểm mà theo ông Tín, có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho TTF hiện nay và là nơi có cảng lớn thứ 3 trên toàn quốc.
Đối với việc hợp tác với Sứ Thiên Thanh đến nay cũng mang lại kết quả nhất định. Hiện công suất của Sứ Thiên Thanh đã được gia tăng. Công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên trong 2-3 tháng tới đi Mỹ. Hợp đồng đã ký, tiền cọc đã nhận và nhà máy đang chạy, ông Tín chia sẻ.
TTF hiện đang sở hữu hai nhà máy gỗ Đắc Lắc 1 và 2 hiện âm vốn nhưng Công ty quyết định sẽ giữ lại và gộp làm một, thành lập TTF Cao nguyên là pháp nhân đại diện, nhằm phục vụ chuyên sản xuất đồ gỗ ngoài trời.
Bên cạnh mảng xuất khẩu đang dần có vị thế vững chắc hơn, ông Tín không dấu tham vọng muốn biến TTF trở thành đơn vị chuyên thi công nội thất cho các công trình bất động sản nội địa. Tuy nhiên, đối tác lớn nhất không thể tạo đủ dự án cho TTF do những thách thức thực tế của thị trường bất động sản thời gian qua.
"Thứ mà TTF thiếu chính là thị trường bán lẻ nội địa", ông Tín nói.
Xử lý xong nợ xấu tại Đông Á, TTF chỉ còn nợ Vingroup
HĐQT TTF trình cổ đông phương án chào bán riêng lẻ gần 58 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi hơn 123 tỷ đồng nợ tại Ngân hàng TMCP Đông Á. Tỷ lệ hoán đổi là 0,2218:1 (cứ 2.128 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phần mới), tương ứng với giá phát hành riêng lẻ là 2.128 đồng/cp.
Trong quá trình đi thăm nhà máy công ty, đại diện TTF cho biết, gỗ tồn kho còn nhiều, chất đống đang được bọc bằng bạt xanh nằm ở khuôn viên ngoài trời. Môt phần lớn trong đó đã thế chấp cho khoản nợ tại Đông Á. Trong quá trình kiểm kê, TTF phát hiện tồn kho không đúng với chất lượng đã ký kết trong hợp đồng thế chấp.Tồn kho gỗ được phủ bạt xanh ngoài khuôn viên nhà máy, một phần lớn đã được thế chấp tại Ngân hàng Đông Á
Ông Tín cho biết, trong 3 năm qua, TTF không thể vay được đồng nào từ ngân hàng bởi vì khoản vay cũ với DAB là khoản nợ xấu, cụ thể nợ gốc 123 tỷ nhưng có 60 tỷ đồng tiền lãi tính tới hiện nay. Toàn bộ tiền đầu tư nhà máy mới của TTF là tiền công ty tiết kiệm được qua việc bán hàng, cung cấp dịch vụ, dùng chính tiền mặt của mình để tự bảo lãnh hoạt động khi đi thi các công trình.
Nếu trả xong khoản nợ của DAB thì TTF không còn nợ ngân hàng nào nữa và chỉ còn nợ Vingroup.
Vì sao phải trả nợ bằng phát hành riêng lẻ, ông Tín cho biết, không có nguồn nào khác để tìm. "Đây là cơ hội để giải quyết tồn đọng, có đủ điều kiện đi vay mới và phát triển, và chúng tôi không nhìn ra cách nào khác", ông Tín chia sẻ.
Nếu phát hành cho cổ đông hiện hữu thì không được thấp hơn mệnh giá, nhưng nếu phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ thì có thể dưới mệnh giá. Nhưng cách làm này sẽ khiến cổ đông chịu thiệt khi bị pha loãng tỷ lệ 15%.
Thông tin thêm về ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch HĐQT TTF, sẽ giao số cổ phần và tài sản thuộc sở hữu của ông Thành về cho TTF sẽ được ghi nhận vào thu nhập khác. Đây là chuyện không hề đơn giản, đội ngũ pháp chế của TTF đã và đang cố gắng xử lý hơn 1 năm qua.
ĐHCĐ Gỗ Trường Thành đã thông qua toàn bộ tờ trình, đồng thời tiến hành miễn nhiệm Thành viên HĐQT với ông Lê Văn Minh và bầu bổ sung ông Dương Quốc Nam vào vị trí HDQT độc lập. Ông Nam đang là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Nam - sở hữu chuỗi phân phối nội thất phố Xinh.