“Chúng tôi đã nhìn thấy những tín hiệu phục hồi ngày một rõ nét qua kết quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
Mặc dù chưa phải là kết quả đã được kiểm toán nhưng lãnh đạo Tổng công ty cho biết là chắc sẽ không có thay đổi nhiều. Cụ thể, trong năm 2022 doanh thu hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt - 130,5 tỷ đồng, vượt 75,7% so với cùng kỳ (tương ứng giảm lỗ 407 tỷ đồng) và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm 373 tỷ đồng).
Trong đó, Công ty Mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế là – 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch. Công ty Mẹ không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khoản lỗ -200 tỷ đồng của Công ty Mẹ bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là -174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là - 26 tỷ đồng (trong đó các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các Công ty cổ phần vận tải đường sắt - 12 tỷ đồng, lãi vay dự án -13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ - 35,6 tỷ đồng).
Được biết, năm 2022 hoạt động vận tải của Tổng công ty vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19 trong quý I, việc triển khai các gói thầu còn lại của dự án quan trọng, cấp bách sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên việc các Công ty cổ phần vận tải theo dõi sát sao diễn biến dịch cùng biến động luồng hàng, luồng khách và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực phục vụ hành khách đi tàu đã nắm bắt kịp thời nhu cầu đi lại của hành khách sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cụ thể, hệ số sử dụng chỗ của tàu khách dịp Hè đạt mức cao hơn các năm trước (kể cả năm chưa có dịch) do các công ty đã tổ chức chạy tàu hợp lý, khoa học đáp ứng đúng nhu cầu đi lại của khách là các tuyến ngắn, các điểm đến có các khu du lịch. Luồng khách nước ngoài cũng dần phục hồi, các Công ty đã chủ động phối hợp với các công ty du lịch lữ hành khai thác tốt luồng khách này.
Một số sản phẩm dịch vụ mới được các Công ty cổ phần vận tải, Công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác sau thời gian dịch góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách và tăng doanh thu đặc biệt là tuyến Hà Nội - Hải Phòng vẫn đang thu hút lượng hành khách rất lớn vào dịp cuối tuần.
Bên cạnh việc duy trì và tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống như Apatit, phân bón, than, gạo, muối… các đơn vị trong Tổng công ty đã phối hợp tổ chức ưu tiên chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế. Ngoài việc chạy các đôi tàu chuyên tuyến như năm 2021, các công ty còn tổ chức chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và 1 đoàn tàu liên khu đoạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022 và diễn biến tích cực của thị trường, năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng và doanh thu bằng 104% trở lên so với cùng kỳ và phấn đấu cân bằng thu chi của hoạt động SXKD chính.
Năm 2023, Công ty Mẹ dự kiến không lỗ từ hoạt động SXKD chính tuy nhiên do phải bù đắp các khoản lỗ dự kiến từ các khoản chi không phát sinh doanh thu nên lỗ -55 tỷ đồng.