Các nguồn tin liên quan đến thương vụ cho biết, Vinacomin đang chào bán trái phiếu riêng lẻ tới một nhóm nhà đầu tư và dự kiến sẽ chốt danh sách vào tuần này, với khối lượng dự kiến 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và 7 năm. Đây là đợt phát hành đã được Vinacomin lên kế hoạch với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ cuối năm ngoái và là hoạt động thường niên của Tập đoàn để tài trợ cho các dự án ngốn chi phí lớn. Năm ngoái, Vinacomin đã phát hành trái phiếu 2 đợt, huy động tổng cộng 7.500 tỷ đồng.
Cùng thời gian này, một tổng công ty Nhà nước thuộc ngành điện cũng đang chào bán 1.500-2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm tới một số nhà đầu tư. Tổng công ty này dự kiến sẽ phát hành tổng cộng 4.000 tỷ đồng trong năm nay và năm 2015. Một tổng công ty khác cùng ngành cũng đang có chủ trương phát hành trong nửa cuối năm, tuy nhiên các chi tiết về kỳ hạn, khối lượng chưa được xác định.
Trái phiếu của Vinacomin cùng với hai doanh nghiệp ngành điện nói trên đang được khá nhiều nhà đầu tư ưa chuộng, nhờ lợi thế ngành nghề kinh doanh ổn định và vị trí đầu ngành. So với trái phiếu những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực kém ổn định hơn đã phát hành từ đầu năm tới nay, trái phiếu của những doanh nghiệp Nhà nước này đang thu hút nhu cầu hơn hẳn.
Theo các nguồn tin tham gia vào vụ chào bán trái phiếu, lãi suất kỳ thanh toán đầu tiên của trái phiếu Vinacomin đang được chào ở mức 10-10,5%/năm. Mức lãi suất này đã giảm so với lãi suất phát hành 11,3%/năm cách đây 3 quý của Tập đoàn và thấp hơn 50 - 100 điểm so với lãi suất trái phiếu tài trợ cho Dự án Núi Pháo của Tập đoàn Masan. Đồng thời, biên độ trái phiếu của Vinacomin cho các kỳ thanh toán tiếp theo cũng giảm 30 điểm so với kỳ phát hành năm ngoái, xuống còn 3%, chứng tỏ nhu cầu cao của nhà đầu tư giúp đẩy lãi suất phát hành xuống thấp.
“Năm nay, rất khó kiếm trái phiếu doanh nghiệp tốt”, giám đốc đầu tư trái phiếu của một công ty quản lý quỹ lớn cho biết. Theo vị giám đốc này, từ đầu năm tới nay, ông chưa mua thêm trái phiếu doanh nghiệp nào, mà vẫn chỉ duy trì danh mục của năm ngoái, vì với khẩu vị rủi ro khá thấp, ông e ngại trái phiếu của những doanh nghiệp đã phát hành từ đầu năm tới nay.
Việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp lớn đang ngày càng được khuyến khích bởi xu hướng giảm lãi suất. Kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một đợt nữa đang rõ ràng hơn, sau khi lãi suất liên ngân hàng giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng giảm liên tục trên thị trường sơ cấp, cùng với thực tế là CPI tháng 6 tiếp tục thấp.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong báo cáo đưa ra ngày 16/6 đánh giá “trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dư thừa (tăng trưởng huy động đạt 4,2% từ đầu năm tới nay trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,31% tính đến 23/5 và chỉ số LDR của toàn hệ thống là 84%), cộng với yêu cầu từ Chính phủ hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ kinh tế vẫn tiếp diễn, vẫn còn dư địa để NHNN giảm lãi suất điều hành, khoảng 50 điểm”. Tuy nhiên, sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá 1% của NHNN cuối tuần vừa rồi, SSI đã đánh giá lại, giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất.
Mặt khác, việc các tập đoàn, tổng công ty phát hành trái phiếu mặt khác cũng đang có khả năng tăng thêm số nợ vốn dĩ đang trong đà tăng của các doanh nghiệp này. Đối với Vinacomin, tỷ trọng tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn trong năm 2013 đã tăng lên 2,75 lần từ mức 2,49 lần của năm trước đó, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán gửi tới nhà đầu tư của Tập đoàn.
Trong khi đó, tính đến thời điểm 31/12/2012, tổng nợ trên EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) hợp nhất của Tập đoàn đã cao hơn 4 lần, vượt mức cam kết của 3 hợp đồng vay lớn của Vinacomin.
Đối với doanh nghiệp thuộc ngành điện đang chào bán trái phiếu nói trên, tổng nợ trên EBITDA đã tăng từ 5,2 trong năm 2012 lên 6,1 trong năm 2013. Ngược lại, chỉ số đánh giá khả năng sinh lời EBITDA trên doanh thu đã giảm qua các năm từ 72% năm 2011 xuống còn 68% năm 2012 và xuống 66% trong năm 2013.