Tại Hội thảo “Hướng dẫn quy trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp” tổ chức tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ngày 11/12 vừa qua, Vụ cho biết, các DN đã đăng ký phát hành xấp xỉ 52.200 tỷ đồng TPDN trong năm nay, trong đó đã có 33.600 tỷ đồng trái phiếu DN (TPDN) được phát hành trong nước từ đầu năm 2013 tới nay.
Con số này vượt 17% so với lượng phát hành năm 2012 và vượt 1,8% so với tổng lượng phát hành giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, Vụ cũng lưu ý, trong giai đoạn 2006-2010 còn có một số đợt phát hành của DN tư nhân, nhưng chưa được thống kê, do thời gian đó chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu chính thức.
Theo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, phần lớn các đợt huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đều thành công.
Lãi suất của các khoản huy động TPCP không chênh quá nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Thống kê của Vụ cho thấy, các khoản huy động kỳ hạn dưới 3 năm có lãi suất 10 - 15%/năm, kỳ hạn từ 3 - 5 năm có lãi suất bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cộng với biên độ 3 - 5%/năm, kỳ hạn trên 5 năm có lãi suất 14 - 16%/năm.
Bên cạnh đó, tính từ năm 2006 đến nay, một nhóm DN lớn đã huy động được hơn 900 triệu USD vốn trái phiếu quốc tế (gồm cả trái phiếu thường và trái phiếu chuyển đổi) như Tập đoàn Masan, Vingroup, Ngân hàng Vietinbank. Tiếp theo các DN này, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đang dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế.
Tuy nhiên, Vụ vẫn đánh giá số lượng vốn này “còn hạn chế”, trong khi đó các DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chủ yếu là các DN lớn trong nền kinh tế.
Vụ cho rằng, thực tế này xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có việc cơ sở hạ tầng của thị trường TPDN còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng. Hiện thị trường này vẫn thiếu yếu tố quản trị doanh nghiệp, tổ chức định mức tín nhiệm, hệ thống thông tin giao dịch thứ cấp, hệ thống nhà đầu tư, đường cong lãi suất làm căn cứ định giá. Trong khi đó, điều kiện phát hành còn khá chặt, đặc biệt là yêu cầu DN phải kinh doanh có lãi, báo cáo kiểm toán phải được chấp thuận toàn phần.
Với các DN có vốn Nhà nước, để có thể phát hành trái phiếu, phải qua các khâu xin cấp phép chặt chẽ: DN 100% vốn Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập phải xin phép Bộ quản lý ngành kinh doanh chính; DN 100% vốn Nhà nước do Bộ, ngành hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và làm chủ sở hữu phải xin phép Bộ, ngành, hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với DNNN được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, phương án phát hành trái phiếu phải được tổ chức được giao chức năng đại diện phần vốn nhà nước tại DN xem xét chấp thuận.
Với các DN khác, muốn phát hành trái phiếu phải đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với các DN chuyên ngành. Đối với phát hành để đầu tư cho các dự án, DN phải có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% trong tổng mức đầu tư của dự án.
Trong khi lượng cung TPDN bị hạn chế do những yêu cầu khắt khe trên, lượng cầu cũng hạn chế do cơ sở nhà đầu tư TPDN ở Việt Nam vẫn còn rất mỏng.
Theo ông Ngô Hà Quân, Giám đốc thị trường vốn - Standard Chartered Bank, hiện nay có 6 ngân hàng nước ngoài tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu trong nước và 5 ngân hàng cổ phần nhà nước là những nhà đầu tư lớn trên thị trường. Các nhà đầu tư nhìn chung đều tập trung vào trái phiếu kỳ hạn 5 năm hoặc ngắn hơn.
“Trong số hơn 20 công ty bảo hiểm tại Việt Nam, chỉ có 5 công ty tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu”, ông Quân cho biết.
“Cần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu DN và khuyến khích hình thành các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường này”, Vụ Tài chính ngân hàng đánh giá. “Bên cạnh các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm nhân thọ, cần tiếp tục phát triển hệ thống nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường trái phiếu gồm các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư trái phiếu, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện”, Vụ khuyến nghị.