“Ông lớn” logistics lên sàn sau Cảng Sài Gòn là ai?

(ĐTCK) Ngày 25/4, CTCP Cảng Sài Gòn đã chính thức đưa hơn 216,2 triệu cổ phiếu SGP lên giao dịch trên thị trường UPCoM. Sự xuất hiện của Cảng Sài Gòn nhắc nhớ không ít những ông lớn ngành logistics đang “đứng ngoài” TTCK.
Một DN lớn đáng chú ý trong lĩnh vực logistics chưa gia nhập TTCK là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) Một DN lớn đáng chú ý trong lĩnh vực logistics chưa gia nhập TTCK là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP)

Tháng 7 đón ACV lên UPCoM

Sau khi IPO thành công từ tháng 12/2015 và chọn xong nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Aeroports de Paris (ADP) của Pháp, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố lộ trình lên UPCoM vào tháng 7 năm nay.

Cụ thể, Tại ĐHCĐ lần thứ nhất của ACV ngày 16/3/2016, lãnh đạo Tổng công ty cho biết, sau khi dự kiến hoàn thành đăng ký kinh doanh và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 4, chậm nhất là tháng 7 tới, ACV sẽ đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Khi đó, ACV sẽ trở thành DN có quy mô lớn nhất góp mặt trên sàn này với vốn điều lệ lên tới hơn 22,4 nghìn tỷ đồng. Hiện ACV là DN có quy mô khai thác, vận chuyển, quản lí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh.

ACV cũng quản lý 3 cụm cảng hàng không ở ba khu vực Bắc, Trung, Nam gồm 22 cảng hàng không dành cho thương mại, trong đó có 8 Cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Bài, Phú Quốc và Cần Thơ). 

VietJet, Vietnam Airlines

Cổ phần hóa từ năm 2014, trước cả ACV, tuy nhiên đến nay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam -Vietnam Airlines vẫn chưa có lộ trình cụ thể đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Trả lời báo chí, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh từng cho biết, Tổng công ty sẽ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trước tháng 11/2015. Theo ông Minh, việc này là để tuân thủ quy định lên sàn trong vòng 1 năm kể từ thời điểm IPO (theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg – PV). Song song với kế hoạch lên sàn, Vietnam Airlines cũng đang trong quá trình tìm kiếm một số nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.

Mặc dù vậy, đến nay Tổng Công ty vẫn chưa thực hiện được kế hoạch, mà mới chỉ đạt được thỏa thuận cơ bản trong công tác tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, tháng 1/2016, Vietnam Airlines và Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản All Nippon Airways (Tập đoàn ANA) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược để ANA mua cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương 108 triệu USD). Vietnam Airlines không đưa ra số cổ phần cụ thể, nhưng báo chí quốc tế đăng tải ANA sẽ mua khoảng 8,8% cổ phần.

Tương tự kế hoạch lên sàn của Vietnam Airlines, dự định tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của CTCP Hàng không VietJet (VietJet Air) cũng liên tục bị trì hoãn.

Năm 2013, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, VietJet Air tiết lộ dự định thực hiện IPO trong vòng 18 - 42 tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, do thị trường vốn trong nước còn nhỏ nên khả năng VietJet Air sẽ thực hiện IPO tại nước ngoài.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet Air từng cho biết, Công ty đang xúc tiến các bước chuẩn bị để dự kiến IPO ngay trong năm. Sau IPO, VietJet sẽ xin ý kiến cổ đông về thời điểm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Mặc dù vậy, Công ty này vẫn chưa có gì mới.

Tháng 2/2016, hãng tin Bloomberg đưa tin, VietJet Air dự định sẽ thực hiện kế hoạch IPO vào quý II/2016 nhằm nuôi tham vọng trở thành “Emirates châu Á”. Qúy II đã đến và nhà đầu tư đang chờ đợi lộ trình IPO cụ thể của VietJet Air. 

Ngoài những tên tuổi lớn nói trên, một DN lớn đáng chú ý khác trong lĩnh vực logistics chưa gia nhập TTCK là Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP). Hiện nay, SNP là công ty khai thác cảng lớn nhất tại Việt Nam tính theo sản lượng hàng hóa container thông qua hàng năm, với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Công ty này sở hữu hệ thống các cảng lớn nằm tại các vị trí chiến lược, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa như: Cảng Cát Lái, Tân Cảng Hiệp Phước và khu cảng Cái Mép Thị Vải.

Thời gian qua, TTCK đã đón không ít DN hoạt động trong lĩnh vực logistics lên sàn như như CTCP Cảng Cam Ranh, CTCP Cảng Chân Mây, CTCP Cảng Đà Nẵng… trong đó có các “ông lớn” như Cảng Sài Gòn và trước đó là CTCP Cảng Hải Phòng (lên sàn HNX năm 2015).  Ngoài các DN này, một số tên tuổi khác tuy được giới đầu tư quan tâm và chờ đợi việc lên sàn nhưng kế hoạch này đến nay vẫn chỉ là lời hứa suông.

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục