Ông lớn khiến ngành bia “nổi sóng”

(ĐTCK) Cuộc cạnh tranh trên thị trường đồ uống Việt Nam sau khi Sabeco rơi vào tầm chi phối của đại gia Thái Lan đang ngày một quyết liệt. Át chủ bài nằm ở chiêu thức marketing, chứ không phải là chất lượng hay giá bán.
Ông lớn khiến ngành bia “nổi sóng”

Gần đây, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) xuất hiện trên thị trường với “diện mạo” khác lạ. Đơn cử như tối 24/12/2018, Sabeco tổ chức nhạc hội “Tự hào Việt Nam” với sự tham gia của những gương mặt ca sĩ trẻ ăn khách, đặc biệt là sự có mặt của thầy trò ông Park Hang Seo, những người hùng bóng đá Việt Nam.

Thông điệp marketing của Sabeco “Uống mừng một năm 2018 đáng nhớ và đầy tự hào của đất nước, hướng tới năm mới 2019 rực rỡ phía trước” dễ đi vào lòng khách hàng, nhất là các khách hàng trẻ tuổi.

Ông Neo Gim Siong Bennett, CEO Sabeco cũng rất khéo léo khi chia sẻ với báo chí, nhấn mạnh vào sự gắn kết của thương hiệu với người tiêu dùng “là một thương hiệu thuần Việt, luôn gắn bó với mỗi sự kiện trọng đại của lịch sử Việt, chúng tôi rất tự hào khi được góp phần nhân lên và lan toả niềm tự hào Việt Nam”.

Ông lớn thứ hai trên thị trường bia là Heineken cũng chẳng chịu kém cạnh khi mở rộng độ phủ sóng bằng cách kết hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Báo Tuổi trẻ mở diễn đàn về uống có trách nhiệm, đã uống rượu bia thì không lái xe.

Habeco có vẻ lép vế hơn khi vẫn bùng nhùng trong kế hoạch thoái vốn nhà nước và những toan tính thận trọng. Trong khi đó, cổ đông lớn của Habeco là Carlsberg dường như cũng đang chịu áp lực từ sức nóng cạnh tranh của hai đại gia chiếm thị phần nhất, nhì thị trường.

Số liệu của Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế, nơi đặt đại bản doanh của Nhà máy Bia Huế với các dòng sản phẩm chủ lực là Huda cho thấy có sự suy giảm trong năm 2018 so với năm trước. Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2018, Bia Huế nộp thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu giảm so với số thu năm 2017 là 22,8 tỷ đồng.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, ngành bia Việt Nam sẽ đạt sản lượng khoảng 4,1 tỷ lít, đến năm 2025 tăng lên 4,6 tỷ lít và cán mốc 5,5 tỷ lít vào năm 2035. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, lượng tiêu thụ đã đạt hơn 4 tỷ lít, năm 2018 được nhìn nhận mục tiêu 2020 sẽ được vượt qua khi ngành bia Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng trên 5%.

Thị trường bia có tiềm năng như vậy, nhưng sự phân hóa và cạnh tranh ngày một khốc liệt. Trao đổi với báo giới gần đây, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài đã "tháo chạy" khỏi thị trường. BGI, San Miguel, Foster… đã âm thầm rút lui.

Trong nước, quyết định bán lại nhà máy bia lẫn thương hiệu Zorok của "ông lớn" Vinamilk được đánh giá là lựa chọn thông minh. Tân Hiệp Phát "buông" thương hiệu bia tươi Laser sau khi đổ vào đó 20 triệu USD trong 2 năm và gần đây nhất, Tập đoàn Masan đầu tư lớn vào thương hiệu bia Sư Tử Trắng nhưng không mấy khả quan.

"Bán bia ở Việt Nam rất vất vả, phải giỏi mới tồn tại. Những năm 2015 - 2016, các câu lạc bộ bia mọc lên dày đặc thì nay đã đóng cửa gần hết. Chỉ một số thương hiệu lớn như Heineken, Sabeco, Tiger... phát triển tốt, số còn lại khá èo uột", ông Việt dẫn chứng.

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, thị phần bia Việt Nam đang do 4 doanh nghiệp lớn là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg làm chủ, với tỷ lệ lần lượt là 40%, 28%, 18% và 8%. Bởi thế, để giữ vững thị trường đã là không đơn giản, còn gia tăng thị phần là bài toán vô cùng khó khăn.

"Thắng thua trong ngành bia phụ thuộc vào bí quyết marketing, chứ không hẳn do vấn đề tài chính, công thức sản phẩm. Các doanh nghiệp giành giật thị phần ở cả kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu, nhưng hơn nhau ở việc định vị đúng phân khúc, xây dựng thương hiệu đúng đẳng cấp khách hàng" - các chuyên gia đã thống nhất quan điểm này khi phân tích về tiềm năng của Sabeco khi doanh nghiệp này chuẩn bị niêm yết trước đây.

Trong cuộc cạnh tranh mới, các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng đẳng cấp thương hiệu và thường xuyên lưu lại hình ảnh trong tâm trí khách hàng.

Bởi thế, tại cuộc gặp gỡ với báo giới tối 5/12 vừa qua, ông Stefano Clini, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam như ra mắt thêm sản phẩm mới, thúc đẩy phát triển bền vững, tham gia nhiều hoạt động xã hội…

Carlsberg Việt Nam đã có danh mục sản phẩm phong phú đáp ứng nhu cầu của khách hàng với những nhãn nhiệu nội địa và quốc tế như Huda, Huda Ice Blast, Halida, Tuborg và Carlsberg Smooth Draught, song không dừng lại. Dự kiến, trong năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục có thêm các sản phẩm mới giới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam.

Hương Chi - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục