Người hối hả…
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, HĐQT Tập đoàn vừa chốt phương án lên sàn trước ngày 31/12/2016. Trước đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức hồi tháng 6, kế hoạch niêm yết của Vinatex còn chưa có lộ trình cụ thể.
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cùng với việc công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Tập đoàn cho hay, sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trong năm nay.
Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và CTCP Đường Quảng Ngãi (chủ sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy) cũng đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục gia nhập UPCoM.
Hay như Tổng công ty Rau quả nông sản – CTCP (Vegetexco), sau khi “bỏ quên” việc niêm yết cổ phiếu kể từ khi thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng hồi tháng 9/2015, thì hiện cũng đang gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ để lên sàn UPCoM.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Cao Điệp, người thực hiện công bố thông tin của Vegetexco cho biết, nắm được nội dung về chế tài xử phạt tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP, Tổng công ty đang làm việc với đơn vị tư vấn để nhanh chóng thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu tại UPCoM và cố gắng hoàn tất ngay trong năm nay.
Vegetexco hiện có vốn điều lệ 731 tỷ đồng, một nửa trong đó là do T&T Group và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (2 doanh nghiệp thuộc sở hữu của “bầu” Hiển) nắm giữ, 10% được sở hữu bởi Art Export. Như vậy, một khi lên sàn, các cổ đông nắm giữ gần 30 triệu cổ phần Vegetexco sẽ có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường.
… kẻ mắc kẹt
Trong bối cảnh các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang khẩn trương hoàn tất việc đưa cổ phiếu lên sàn cho kịp “tiến độ”, thì Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4) vẫn chưa thể gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay, dù đã nhiều lần hứa hẹn.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco4 cho biết, do một số vướng mắc về kiểm toán báo cáo tài chính nên Công ty chưa thể đáp ứng thủ tục hồ sơ lên sàn ngay trong năm nay.
“Tuy nhiên, hiện tại, Công ty đang bước đầu thực hiện việc đưa cổ phiếu lên sàn, đó là tiến hành lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)”, ông Nghĩa chia sẻ.
Để xử lý nguy cơ bị phạt vì chậm trễ lên sàn, ông Nghĩa cho hay, Cienco4 sẽ có những giải trình cụ thể với cơ quan quản lý, đồng thời cố gắng hoàn tất việc lên sàn vào đầu năm 2017.
Ngoài việc lên sàn, tăng vốn điều lệ là một trong số các chủ trương lớn của Cienco4 trong năm nay. Tháng 6/2016, Cienco4 tăng vốn thành công từ 720 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng (trong kế hoạch tăng lên 1.500 tỷ đồng vào năm nay). Sau đợt phát hành này, tính đến 30/6/2016, Cienco4 có 3 cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn VPA (nắm 27% vốn), CTCP Xây dựng Dũng Hưng (22%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và dịch vụ tổng hợp Nhật Minh (14%). Còn lại 37% vốn, tương đương 37 triệu cổ phiếu sẽ được dành cho các cổ đông khác khi doanh nghiệp này lên sàn.
Ngoài Cienco4, Tổng công ty Thăng Long (TLG), một doanh nghiệp cùng “họ Cienco”, vừa chốt danh sách cổ đông để lưu ký cổ phiếu vào ngày 2/12, nhưng khả năng lên sàn của doanh nghiệp này trong năm 2016 vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, những “anh em” khác như Cienco1, Cienco6… cũng đang gặp khó khăn và chưa chốt được kế hoạch lên sàn.
Một số cái tên đáng chú ý khác như Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (Tedi), Công ty TNHH MTV Hanel (Hanel), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) hiện vẫn chưa có “động tĩnh” trong việc gia nhập thị trường chứng khoán.
Chế tài xử phạt doanh nghiệp chây ì lên sàn chuẩn bị có hiệu lực, với mức phạt cao nhất lên tới 400 triệu đồng. Chưa rõ đây có phải là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa hối hả đưa cổ phiếu lên sàn hay không, nhưng có thể khẳng định rằng, động thái này sẽ giúp thị trường có thêm nguồn cung và nhà đầu tư có thêm sự chọn lựa.
Kể từ 15/12/2016, Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn lên sàn sẽ bị phạt tiền với 6 mức khác nhau dựa theo thời gian chậm niêm yết/đăng ký giao dịch. Mức thấp nhất là từ 10 - 30 triệu đồng khi chậm thực hiện đến 1 tháng và cao nhất là 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi niêm yết/đăng ký giao dịch quá thời hạn trên 12 tháng.