Kinh nghiệm này rút kết trong quá trình xuất khẩu sản phẩm của HSG sang các nước khác. Điển hình là câu chuyện xuất khẩu tôn sang Indonesia, theo ông Vũ, HSG là nhà xuất khẩu tôn lớn nhất thị trường này với năng suất hơn 10.000 tấn/tháng.
Tuy nhiên, hồi năm ngoái, Chính Phủ Indonesia đã khởi kiện phòng vệ thương mại lên các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm loại tôn có khổ từ 600 mm trở lên. HSG bị ảnh hưởng nặng nề khi phần lớn tôn xuất qua đây có khổ 1219 mm.
Nhưng Công ty đã lường trước và nghiên cứu biện pháp đối phó trước từ hơn nửa năm bằng cách đầu tư máy cắt về, xẻ nhỏ sản phẩm để xuất đi.
“Kết quả, từ xuất khẩu hơn 10.000 tấn/tháng, tôn Hoa Sen tăng công suất lên gần gấp ba lần vào thị trường Indonesia. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện theo”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, hội nhập tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sang nhiều thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư để đón cơ hội này nhưng nên nhớ rằng thị trường xuất khẩu chắc chắn sẽ thay đổi trong 2,3 năm tới. Việc thay đổi về công nghệ, hay một quyết định phòng về thương mại có thể đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Thị trường thời gian qua đã chứng kiến nhiều cú “ngã ngựa” của các doanh nghiệp trong nước. Điển hình như kể từ Mỹ áp dụng công nghệ dấu đá phiến trong khai thác dầu mỏ làm sản lượng gia tăng nhanh với chi phí ngày càng thấp. Nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu dầu mỏ như Ả-Rập, Trung Đông và cả là Việt Nam đều gặp khó khăn. Hay cổ phiếu các công ty xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam đã rớt giá thê thảm kể từ khi Mỹ ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam.
Ông Vũ cho biết, hiện HSG có rất nhiều đơn hàng từ Mỹ, vì nước này đang có lệnh dừng các sản phẩm tôn mạ của Trung Quốc. Đây là cơ hôi cho HSG, nhưng theo ông Vũ, chắc chắn hai ba năm nữa Mỹ sẽ lại khởi kiện các doanh nghiệp tôn của Viêt Nam.
“Doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng và có các kịch bản ứng phó khi thị trường xuất khẩu bị tác động. Tính linh hoạt, ứng phó của doanh nghiệp chưa bao giờ cần thiết như hiện nay”, ông Vũ nhận định.