Ông Dương Trung Quốc và bộ sưu tập hàng nghìn tượng con giáp năm Hợi

Nhà sử học đã có hơn 30 năm sưu tập lợn mô hình và với ông đây là con vật "tượng trưng cho sự sung túc".
Nhà sử học Dương Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập lợn tại triển lãm. Ảnh: PV. Nhà sử học Dương Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập lợn tại triển lãm. Ảnh: PV.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lần đầu tiên nhà sử học Dương Trung Quốc giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập "Con giáp của tôi" tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Triển lãm giới thiệu hàng nghìn con lợn với nhiều chất liệu khác nhau được ông sưu tầm hàng chục năm qua. 

Chia sẻ với VnExpress, ông Quốc hi vọng triển lãm cá nhân này sẽ kích thích niềm đam mê sưu tập của nhiều người, để Tết năm nào cũng sẽ có nhiều triển lãm về con giáp của năm ấy.

Ông bắt đầu sưu tập mô hình con lợn từ khi nào?

Thực ra tôi chơi sưu tập lợn rất muộn. Từ năm khoảng 40 tuổi, ngẫu nhiên có một vài người bạn biết tôi tuổi Hợi nên tặng tôi mấy con lợn làm quà. Sau đó, mỗi lần đi đâu gặp bộ sưu tập lợn đẹp tôi đều mua về trưng bày ở nhà và thú chơi sưu tập hình thành từ khi nào không hay. Lâu dần, tôi đã có một đàn lợn, ngày càng đông đúc thêm.

Cách đây 12 năm, vào năm Đinh Hợi, tôi sang Nhật Bản mua được chai rượu hình con lợn rất ngon và đẹp. Tôi nói với mấy người bạn rằng đợi 12 năm sau tôi sẽ mở. Khi mở chai rượu ấy, tôi nghĩ rằng sao không mang bộ sưu tập lợn của mình ra trưng bày để mọi người cùng thưởng thức. Khi biết ý tưởng này, rất nhiều bạn bè tôi động viên và ủng hộ. 

Hơn nữa, tôi nghiên cứu lịch sử, nên thấy rằng ở nhiều nước trên thế giới, ngành bảo tàng đều bắt nguồn từ những bộ sưu tập tư nhân. Đó có thể là của người giàu có, ông vua hoặc bất cứ người dân bình thường nào. Vì vậy, tôi muốn qua triển lãm của mình sẽ khích lệ thú sưu tập của mọi người. Để mỗi dịp Tết đến, sẽ có thêm nhiều người trưng bày bộ sưu tập cá nhân ứng với con giáp của năm đó. 

Bộ sưu tập những con lợn này có ý nghĩa như thế nào với bản thân ông?

Triển lãm này trước tiên mang lại cho tôi nhiều niềm vui. Khi biết tôi có ý định trưng bày ở đây, một thanh niên khoảng 30 tuổi tìm đến nói rằng bạn ấy có bộ sưu tập gần một nghìn con lợn. Tôi khá ngạc nhiên nhưng vui lắm vì tìm thấy người đồng cảm với mình. Cậu ấy còn rất trẻ mà đã có ý thức sưu tập như vậy, thì đến khi bằng tuổi tôi bây giờ, bộ sưu tập của cậu ấy sẽ rất đồ sộ. 

Ở các nước, sưu tập là thú vui rất lành mạnh, làm cho con người có ý thức giữ gìn và trân trọng những thứ xung quanh tưởng chừng như rất bình thường. Thú sưu tập làm cho con người ta bỏ thời gian, công sức tìm hiểu nó. Chẳng hạn, nếu ai cùng chung sở thích với tôi thì nhìn vào bộ sưu tập của tôi là biết rõ con lợn đó xuất xứ từ Việt Nam hay Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu.

Nhưng quan trọng hơn là bộ sưu tập riêng tư ấy đến một lúc nào đó sẽ được chia sẻ để trở thành của xã hội và giúp ích rất nhiều cho cộng đồng. Nó làm đời sống xã hội thêm phong phú. 

Với tôi mỗi con lợn trong bộ sưu tập này là một trang ký ức để mỗi lần ngắm nhìn nó, tôi lại nhớ đến câu chuyện về số phận của từng món đồ như tìm thấy trong hoàn cảnh nào, ở đâu, người sáng tạo ra nó là ai, anh ta gửi gắm điều gì vào nó.

Tôi cũng hi vọng những nhà sưu tập, nghệ nhân ở Việt Nam đến tham quan triển lãm sẽ tìm thấy những khía cạnh tạo hình con lợn đa dạng, phong phú từ nhiều nơi trên thế giới để có thể rút ra được điều gì đó hữu ích. Như các nghệ nhân gốm Bát Tràng có thể tham khảo nhiều mẫu tượng ở đây để làm phong phú thêm cho hình tượng con lợn của họ. 

Trong thời gian diễn ra triển lãm, ông bắt gặp những câu chuyện thú vị nào?

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện, khi biết tôi có ý định triển lãm, có một chị đến gặp nói rõ là nông dân, mới học hết cấp một. Nhà chị ngày xưa làm nghề mặt nạ giấy và có làm thêm một vài chú lợn để bán. Khi biết tôi trưng bày, chị mang mấy chú lợn giấy đến để trưng bày cùng bộ sưu tập của tôi. Nhiều bạn bè tôi và các nghệ nhân đến xem đã rất ngạc nhiên về cách tạo hình sinh động của những chú lợn này. 

 Những chú lợn bằng gốm trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: PV.

Hoặc có một bạn trẻ mới theo học nghề nặn con giống bằng bột nếp ở chợ Đồng Xuân. Nhưng bạn ấy đã học được cách làm bột nếp để con vật không bị mốc, bị thiu và tạo được nhiều hình tượng mới. Biết tôi triển lãm, bạn mang đến đề nghị được trưng bày cùng. Nhiều bạn bè tôi là nhà sưu tập cổ vật, có một vài con lợn rất giá trị cũng mang đến góp vui cùng tôi. 

Cứ như vậy, nhiều người nghe tin đã cùng nhau mang bộ sưu tập lợn của họ đến trưng bày cùng tôi. Nên lúc đầu tôi chỉ dự định trưng bày một phần bộ sưu tập cá nhân của mình, nhưng hiện đã lên đến 1.000 con. 

Tôi vui vì việc làm nhỏ của mình đã kích thích sự sáng tạo và sự chia sẻ, đồng cảm của mọi người. Đây là niềm vui lớn nhất với tôi ở triển lãm này.

Trong quá trình sưu tập, ông nhớ nhất câu chuyện nào? 

Hiện nhà tôi có khoảng 6.000 con lợn. Nếu nói là tâm đắc nhất với con nào thì rất khó. Tính theo giá thị trường, có con chỉ vài trăm nghìn, có con tôi phải mất rất nhiều tiền, công sức để mua. Nhưng tôi nghĩ ý nghĩa hơn cả là mỗi con lợn gắn với câu chuyện trên hành trình sưu tập của mình. 

Tôi vẫn nhớ một lần cùng chị Tôn Nữ Thị Ninh sang gặp một công ty ở Mỹ khai thác dầu khí ở Việt Nam. Họ mời chúng tôi dùng bữa tại một quán ăn nổi tiếng ở bang Texas. Quán có bán nhiều đồ dùng để khách mua về làm quà, trong đó có chiếc đèn dầu hoả hình con lợn. Chủ quán giải thích, chiếc đèn dầu hoả này đã có mấy trăm năm trước, từ khi quán ăn được mở.

Bây giờ họ phục chế lại để bán cho du khách làm quà lưu niệm. Giá chiếc đèn khoảng 100 USD, là số tiền khá lớn với chúng tôi. Tôi với chị Ninh đều tuổi Hợi, đều muốn mua mang về nhưng cứ ngồi cân nhắc mãi có nên mua hay không.

Sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi quyết định mua. Chiếc đèn dầu hoả hình con lợn này làm tôi nhớ đến câu chuyện chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, khi người Mỹ mang chất đốt mới sang Việt Nam. Lúc đó dân ta chủ yếu dùng dầu thực vật, chưa biết đến dầu hoả. Các thương nhân Hoa Kỳ đã tặng người dân cây đèn dầu để thắp sáng thử, thấy tốt thì tiếp tục mua dầu...

Một lần khác, trong chuyến đi đến ngôi làng cổ nổi tiếng ở Áo nằm gần mỏ muối lâu năm. Ở đó có cửa hàng nghệ nhân chuyên sản xuất đồ gốm. Nhưng điều đặc biệt là với mỗi con vật, ông chỉ làm độc bản; ở cừa hàng khi thấy con lợn thì tôi mua ngay.

Khi về nhà, con gái tôi kể ba năm trước đã gặp con lợn này và định mua tặng tôi. Nhưng lúc đó qua điện thoại tôi thấy giá khá đắt nên bảo thôi. Vậy mà ba năm sau, tôi lại có duyên đến đó và con lợn vẫn chưa bị ai mua. Tôi nghĩ đây không chỉ là niềm vui mà còn là cái duyên. 

Có lần nào ông hối tiếc vì bỏ lỡ hoặc không mua được con lợn mình thích hay không?

Có nhiều chứ. Có những bộ sưu tập tôi rất thích nhưng tôi chỉ mua một ít, sau này quay lại thì không tìm được nữa. Có những con lợn mà đến bây giờ tôi vẫn hối tiếc. Có một kỷ niệm như sự ân hận của tôi trên hành trình sưu tập lợn. Đó là lần tôi tháp tùng đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sang Ý, đến hòn đảo nổi tiếng làm thuỷ tinh màu. 

 Những chú lợn nhỏ được tạo hình bằng nhiều chất liệu khác nhau. Ảnh: PV.

Khi đoàn đến thăm, các nghệ nhân làm thuỷ tinh được bố trí trình diễn cho đoàn xem. Tôi chú ý thấy trong đoàn nghệ nhân ấy có một khối thuỷ tinh màu hổ phách rất đẹp, hình con lợn. Hỏi ra thì họ giải thích đó là cục phôi thuỷ tinh, nhưng vì giống con lợn nên họ để trưng bày chứ không dùng làm nguyên liệu. 

Tôi thích lắm, nhưng khi hỏi giá thì quá đắt. Tôi không mang đủ tiền và không muốn phiền vay mượn bạn bè. Tôi đứng suy nghĩ một hồi xem có nên mượn tiền bạn để mua hay không. Rồi tôi không mua. Đến khi về nước tôi cứ tiếc mãi. Sau này, tôi có hỏi xem lại con lợn đó thì không còn nữa. Đến bây giờ tôi vẫn giữ câu chuyện này như bài học.

Theo ông, hình tượng con lợn mang ý nghĩa ra sao với đời sống người Việt? 

Lợn là con vật được nuôi dưỡng sớm và phổ biến nhất trên thế giới, trừ một vài cộng đồng tôn giáo. Với Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, con lợn càng gần gũi, gắn bó mật thiết với người dân.

Bản thân tôi và nhiều người khác đã trải qua thời bao cấp thì con lợn còn gần gũi, thân thương, gắn liền với một thời khó khăn, nuôi lợn ở nhà tập thể.  Thời đó, con lợn còn được chăm chút chẳng kém gì con người. 

Con lợn với người Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế giới, đều gần gũi, thân thiện, mang ý nghĩa biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy một cách bền vững bằng chính công sức lao động của con người. Hành động bỏ tiền vào lợn đất cũng nhắc nhở mọi người về sự tiết kiệm, tích luỹ. 

Triển lãm "Con giáp của tôi" của nhà sử học Dương Trung Quốc trưng bày 1.000 con lợn của ông và bạn bè. Triển lãm mở cửa từ 23/1 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Công chúng được thưởng thức những chú lợn đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu những bức tranh vẽ lợn của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục