Ông Dominic Scriven: Rất khó hút thêm nhà đầu tư rót vốn vào chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital trao đổi với ĐTCK những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài ít tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN thời gian qua, đồng thời Việt Nam chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực về thu hút vốn gián tiếp vào TTCK.
Ông Dominic Scriven Ông Dominic Scriven

Kết quả các đợt IPO DNNN lớn thời gian qua cho thấy, NĐT nước ngoài không mấy mặn mà tham gia. Theo ông, lý do vì sao?

Thứ nhất là các doanh nghiệp không đủ độ hấp dẫn NĐT, xét trên cả khía cạnh quy mô lẫn hiệu quả kinh doanh. Đơn cử Vietnam Airlines, rất khó để chúng tôi tham gia mua cổ phần của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam khi trên thế giới, theo thống kê, trong 10 hãng hàng không đang niêm yết thì có tới 6 hãng đang giao dịch cổ phiếu dưới mệnh giá.

Trong khi đó, tỷ lệ bán ra công chúng của các doanh nghiệp rất thấp, không đủ để khuyến khích NĐT nước ngoài tham gia vào doanh nghiệp cũng như có tiếng nói quan trọng để có thể tạo ra sự thay đổi về quản trị của doanh nghiệp.

Ông Dominic Scriven: Rất khó hút thêm nhà đầu tư rót vốn vào chứng khoán Việt Nam ảnh 1

Nên chọn những DNNN điển hình thực hiện IPO trước, ví dụ MobiFone  

Từ nay đến năm sau, Việt Nam sẽ đưa nhiều DNNN ra IPO. Ở góc độ NĐT lớn, các ông mong muốn điều gì?

Chúng tôi cho rằng, nên có sự xem xét, chọn lọc để động viên thị trường, tạo hiệu ứng tốt cho tiến trình IPO bằng cách chọn những doanh nghiệp điển hình thực hiện trước. MobiFone chẳng hạn. NĐT có thể mua lô lớn, với giá trị lớn, từ đó thúc đẩy giá trị cổ phần hóa.

Với cách làm như vậy, tôi tin Việt Nam có thể thu hút được vốn đầu tư gián tiếp tới 2 tỷ USD, chứ không phải 150 triệu USD như từ đầu năm đến nay.

Qua tiếp xúc của các ông với NĐT nước ngoài thời gian qua, họ quan tâm như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Họ có quan tâm, nhưng để biến từ mức độ quan tâm của NĐT đến hành động rót vốn thì hầu như chưa có gì. Với một số doanh nghiệp trên sàn, quản trị doanh nghiệp đang có không ít vấn đề cần phải nói. Đơn cử, ngành dầu khí, HĐQT của các doanh nghiệp thường là người của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn ở các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn thì phần lớn HĐQT là người trong gia đình. Điều này rõ ràng khó thu hút NĐT nước ngoài rót vốn đầu tư.

Trong vòng 1 năm nay, chúng tôi có thu hút được thêm một số NĐT bỏ vốn vào Việt Nam, nhưng quả thực rất khó. Thông thường, các quỹ phải nghiên cứu rất kỹ xem NĐT nào có nguồn vốn rồi mới đi thuyết phục họ. Quy mô gọi vốn vào Việt Nam cũng chỉ được 100 - 200 triệu USD.

Gần đây, một số quỹ nước ngoài thoái các khoản đầu tư quy mô lớn trên thị trường. Trong vòng 2 năm tới, TTCK Việt Nam có phải lường đến bài toán, các quỹ sắp đến hạn đóng quỹ sẽ bán ra danh mục và rút vốn khỏi Việt Nam?

Sự chuyển biến đó là không tránh khỏi. Trên thế giới, các quỹ có thời gian hoạt động tới 100 năm là rất ít. Mô hình phổ biến là 5 - 8 năm, tối đa là 10 năm. Khi đến hạn đóng quỹ, các nhà quản lý quỹ buộc phải thanh lý trả lại vốn cho NĐT. Tuy nhiên, họ có thể huy động nguồn vốn đó vào loại hình đầu tư khác, quỹ mở chẳng hạn. Với các NĐT của Dragon Capital, chúng tôi nghiêng về thuyết phục theo giải pháp thứ hai.

Để góp phần giữ lại dòng vốn nước ngoài và thu hút thêm vốn mới, tăng quy mô thị trường và hàng hóa chất lượng có phải là điều kiện quan trọng nhất không, theo ông?

Có lẽ là như vậy. Có trình độ kinh tế tương đồng, quy mô dân số tương tự, nhưng TTCK Indonesia có quy mô vốn hóa 600 tỷ USD, Philippines cũng 200 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ có 50 tỷ USD. Nhiều hàng hóa chất lượng đang nằm trên thị trường tự do hoặc UPCoM, hoặc do Nhà nước sở hữu số lượng lớn. NĐT nước ngoài do vậy có sẵn tiền cũng không mấy quan tâm bỏ vốn vào những doanh nghiệp như vậy.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục