1. Quả thật, đó là một chuyến đi đầy thú vị, một chuyến đi xuyên Việt từ vịnh Hạ Long đến tận Vũng Tàu. Tôi và các bạn thực sự bị hấp dẫn bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ và nét văn hóa độc đáo của từng vùng miền dọc chiều dài đất nước Việt Nam.
Điều mà tôi đặc biệt ấn tượng trong chuyến đi là tính cách con người Việt Nam. Tôi cho rằng đây chính là ưu thế và cũng là tài sản lớn nhất của đất nước này. Trải qua nhiều đau khổ và mất mát trong hơn 30 năm chiến tranh, nhưng con người Việt Nam luôn có những suy nghĩ tốt đẹp, không bị níu kéo bởi quá khứ nặng nề.
Thời điểm đó, Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận, ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không hợp tác với Việt Nam. Tôi đã gặp gỡ những người bạn Việt Nam và họ chia sẻ với tôi rằng: “Chúng tôi muốn làm bạn với tất cả các nước”. Nghe những lời đó cùng với tấm lòng chân tình, cởi mở, lạc quan của các bạn Việt Nam, tôi thầm nghĩ: “Nơi này chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển”.
Chuyến đi này là khởi đầu cho quyết định đã thay đổi cuộc đời tôi sau đó. Trở lại Hồng Kông, nghiên cứu lại mô hình các nước NIC (công nghiệp mới của châu Á) và Trung Quốc, tôi càng tin chắc vào tương lai phát triển của Việt Nam.
Tháng 12/1991, tôi quay trở lại Hà Nội. Tôi gọi điện cho người bạn Việt Nam và được anh mời đến nhà đón Giáng sinh. Tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động. Các bạn nên biết rằng, suốt 4 năm ở Hồng Kông, tôi chưa từng được đến nhà một người bản xứ. Tôi đến nhà người bạn đón Giáng sinh, gặp gỡ những người bạn dù mới quen nhưng cho tôi một cảm giác rất thoải mái và ấm áp. Trong lòng tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, khi đất nước Việt Nam sắp phát triển, tôi sẽ có cơ hội của chính mình.
Từ mốc sơ khởi chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, TTCK Việt Nam đã có 687 công ty niêm yết trên 2 Sở GDCK.
Trong ảnh: Chủ tịch Dragon Capital cùng Chủ tịch REE - DN niêm yết đầu tiên trên TTCK Việt Nam
Năm 1992, tôi khăn gói trở lại Việt Nam và đăng ký học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong suốt 18 tháng, tôi vừa đi học tiếng vừa tranh thủ tìm hiểu thêm về đời sống, văn hóa, lịch sử, cách làm kinh tế của người Việt Nam.
Những lúc ấy, tôi hay cùng bạn bè người Việt lê la ở các quán bia hơi nổi tiếng ở Hà Nội hay một mình lang thang khắp ngang cùng ngõ hẻm của thành phố. Để có thu nhập thêm cho việc học, tôi cũng tranh thủ làm nghề tay trái là thu thập số liệu về kinh tế Việt Nam và viết bài như một phóng viên không chuyên phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến Việt Nam và các thị trường mới nổi.
“Học đến lúc hết chữ” như các bạn người Việt trêu đùa và uống bia hơi mãi đến lúc “nhẵn túi”, tôi càng bị thu hút bởi cuộc sống ở xứ sở này, nên đến giữa năm 1993, tôi quyết định vào TP. HCM kiếm việc làm. Đến năm 1994, thôi thúc bởi suy nghĩ phải đón đầu khai thác tiềm năng của thị trường chứng khoán trong tương lai, tôi đã cùng với vài người bạn quyết định thành lập công ty đầu tư tài chính tại Việt Nam. Vậy là Dragon Capital ra đời.
2. Thời điểm Công ty Dragon Capital được thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có, môi trường pháp lý cho thị trường vốn cũng chưa sẵn sàng, nhà đầu tư muốn sản xuất - kinh doanh thì “xin mời”, nhưng đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn thì hầu như là không “có cửa”. Điều này thật sự là một khó khăn lớn cho chúng tôi khi phải đi huy động vốn từ nước ngoài.
Việc thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tại thời điểm đó thật khó, bởi bạn phải chứng minh được rằng, họ có thể hưởng lợi bằng với đầu tư vào các nước khác. Kế đó là cần chứng minh được chúng tôi có kinh nghiệm sử dụng vốn để thực hiện đầu tư. Không thể có chuyện họ đưa cho chúng tôi 1 triệu USD và chúng tôi chỉ đưa lại cho họ một tờ giấy mà nói rằng: “Ông hiện đang sở hữu 1 triệu cổ phiếu quỹ này”.
Chúng tôi phải lập một quỹ hợp pháp nữa ở nước ngoài, chứng minh cách làm, trách nhiệm của quỹ, đăng ký quỹ trên một thị trường chứng khoán ở nước ngoài để các nhà đầu tư có khả năng giao dịch cổ phiếu quỹ.
Ông Dominic Scriven: “Học đến lúc hết chữ” như các bạn người Việt trêu đùa và uống bia hơi mãi đến lúc “nhẵn túi
Tuy thế, không phải dễ mà nhận được tiền, lúc ấy chúng tôi cũng gặp gỡ với nhiều công ty tài chính ở Mỹ, châu Âu, châu Á. Ở đâu có công ty tài chính là chúng tôi tìm đến, nhưng đến 150 công ty thì có khoảng 140 công ty từ chối chúng tôi. Nguyên nhân chủ yếu là họ thấy đầu tư vào Việt Nam thời điểm đó chưa hấp dẫn lắm, hoặc quỹ của chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm…
Đến năm 1995, chúng tôi huy động được một quỹ đầu tiên (VEIL) ở nước ngoài, được 16,5 triệu USD, trong đó có cả tiền huy động từ bạn bè, người thân, ngay cả mẹ, em gái và bố tôi cũng chính là những khách hàng đầu tiên của chúng tôi. Có tiền rồi, chúng tôi thuê được một căn nhà nhỏ để làm văn phòng ở đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP. HCM.
Định hướng thì đã rõ, nhưng thời gian để thực hiện kế hoạch còn chưa rõ ràng, vì tuỳ thuộc vào nhiều điều. Lúc đó, ngoài việc huy động vốn, chúng tôi tập trung tham gia giúp các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh bằng nội lực của chính mình.
Hai cộng sự thân thiết và gắn bó của Dominic Scriven là bác lái xe và bác đầu bếp Việt Nam
Đến năm 1997, chúng tôi đã đầu tư vào 9 doanh nghiệp trong nước. Trong hai năm đầu, vì điều kiện chưa cho phép, nên tôi làm việc hầu như là không nhận lương… Lúc ấy, chúng tôi không làm được gì nhiều vì môi trường pháp lý cho thị trường vốn ở Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ ràng, tuy hoạt động không sinh lãi, g chúng tôi cũng chưa bị lỗ. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào cơ hội và tiềm năng trong tương lai của thị trường Việt Nam. Do vậy, khoảng đầu năm 1997, chúng tôi lại lên đường ra nước ngoài, kêu gọi thêm vốn và đã huy động được thêm 12 triệu USD nữa…
3. Vào giữa thập niên 1990, trên thị trường Việt Nam, có 6 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, tất cả các quỹ chỉ hòa vốn hoặc lỗ và có tới 4 quỹ (Lazard, Templeton, Vietnam Fund, Vietnam Frontier Fund) hoặc rút hẳn khỏi Việt Nam hoặc buộc phải trả lại vốn cho các cổ đông, thu hẹp hoạt động đầu tư của mình. Một trong những lý do khách quan là khung pháp lý ở Việt Nam thời điểm đó không cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư gián tiếp, các công ty cũng chưa thể phát hành cổ phiếu hay trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tìm kiếm dự án có lợi nhuận cao, đúng với mong đợi của nhà đầu tư nước ngoài và chính sách của các quỹ cũng khó…
Tại thời điểm đó, đã có nhiều người hỏi tôi về việc thoái vốn, nhưng chúng tôi vẫn cố giữ vững mục tiêu dài hạn của mình, bám trụ và lạc quan, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ, các thành phần kinh tế, cũng như sức tăng trưởng cùng cơ hội của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam không phải là nơi bạn cứ ném tiền vào là thu được lợi nhuận trong ngắn hạn, mà phải có cái nhìn dài hạn mới có thể thành công lâu bền. Các nhà đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc cần hiểu rõ thuận lợi và rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Khi tiếp cận để đầu tư với doanh nghiệp, phải đặc biệt quan tâm đến chiến lược, khả năng, bản chất của đội ngũ điều hành và lãnh đạo của doanh nghiệp đó, bởi con người là yếu tố quan trọng số 1: vừa là chủ thể chính mang lại thành công, nhưng cũng là nhân tố chính gây nên thất bại.
Bốn năm sau đó, cùng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, chúng tôi bắt đầu lỗ, trong khoảng thời gian hơn 6 năm tôi đã “nướng” gần một phần ba số tiền đầu tư của khách hàng đưa cho công ty quản lý. Hai năm đầu, tôi đã nói với mẹ mình: “Mẹ ơi, lãi không nhiều nhưng chúng ta không bị lỗ”, nhưng sau 4 năm thì tôi lại báo cáo với bà cụ là: “Mẹ ơi, vì điều kiện hơi khó khăn nên mình đã mất một phần ba số tiền đầu tư rồi”. Mẹ tôi chỉ im lặng mà không nói gì nhiều…
Và như vậy, trong suốt gần 7 năm trời trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam được khai trương, quỹ đầu tư của tôi và các bạn cứ thế bị "âm" dần. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 - 1998 những tưởng chẳng ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng thực chất lại tác động âm ỉ, dai dẳng hơn các nước láng giềng...
4. Để thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời vào năm 2000, trước đó là cả một quá trình chuẩn bị rất lâu của Chính phủ và Bộ Tài chính. Bắt đầu sơ khai Đề án từ năm 1995, nhưng đến năm 1997, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới khai sinh và đến ngày 20/7/2000, chúng ta đã được chứng kiến Lễ khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 27/7/2000, Công ty Dragon Capital hân hạnh là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trên thị trường nhận được mã số lưu ký chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, tôi còn nhớ ngày đầu tiên khai trương thị trường, ai ai cũng mừng vui, phấn khởi xen lẫn tự hào. Tuy ngày giao dịch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 2 mã cổ phiếu là REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh và SAM của Công ty cổ phần Cáp - Vật liệu viễn thông, nhưng bây giờ nhìn lại cơ sở ban đầu, dù còn rất khiêm tốn, nhưng đó là cả một thành quả đáng ghi nhận của ngành tài chính Việt Nam.
Giai đoạn 2006 - 2007 là giai đoạn tăng trưởng khá mạnh của thị trường chứng khoán, nó song hành và gắn liền với quá trình đổi mới và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chỉ số VN- Index tăng nhanh lên trên 1.000 điểm, nhưng không được bao lâu thị trường chứng khoán Việt Nam một lần nữa lại bị ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính tại Mỹ.
Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới của Mỹ tuyên bố phá sản, rồi Merrill Lynch cũng bị thôn tính, hãng bảo hiểm hàng đầu của Mỹ AIG cũng rơi vào nguy kịch. Việt Nam tuy không nằm trong “vùng lửa”, nhưng do tác động nhất định về tâm lý của nhà đầu tư cộng với tác động của lạm phát, khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống mức đáy kỷ lục 286 điểm. Một lần nữa, không riêng chúng tôi mà cả thị trường lại phải tìm cách sống chung với các khó khăn này để cùng vượt qua cơn khủng hoảng…
20 năm qua là cả một quá trình của vận động, chuẩn bị và thực hiện. Giờ đây, chúng ta có thể tự hào rằng, trong suốt quá trình đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, trải qua các cơn sóng gió, song đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự khẳng định được vị trí và vai trò của nó. Công ty Dragon Capital của chúng tôi cũng đã song hành theo từng bước phát triển của thị trường ngay từ những ngày đầu, chúng tôi cùng lớn lên, cùng nếm trải các thách thức và khó khăn và đến hôm nay, chúng tôi thật sự phấn khởi để thấy một thị trường Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cùng các cơ quan chức năng có nhiều đột phá trong chính sách thu hút vốn, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Từ mốc sơ khởi chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 687 công ty niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán, chưa kể hơn 300 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng 339 lần; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 1.590.000 tỷ đồng, tương đương 38% GDP, giá trị dư nợ trái phiếu đạt khoảng 24% GDP. Có khoảng 1,6 triệu nhà đầu tư mở tài khoản, trong đó có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia, hơn 80 công ty chứng khoán, gần 50 công ty quản lý quỹ.
Nhìn lại khi thành lập Công ty vào cuối năm 1994, chúng tôi chỉ có 8 anh em làm việc cùng nhau, quỹ huy động đầu tiên năm 1995 chỉ có 16,5 triệu USD, sau đó có lúc lên, có lúc xuống… Nhưng với những cố gắng và nỗ lực đế phát triển, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ khoảng 90 nhân viên với đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để tư vấn và quản lý một nguồn vốn vào khoảng 1,3 tỷ USD được huy động từ nước ngoài. Nguồn vốn này đang được đầu tư vào hơn 50 công ty niêm yết, chúng tôi không chỉ tham gia góp vốn, mà còn tham gia về mặt quản trị. Kỳ vọng vào “con hổ Việt Nam” của chúng tôi đã phần nào đã được hiện thực hóa.
Tròn tuổi 20, bước sang tuổi 21, ngành chứng khoán đang bắt đầu bước qua một chu kỳ phát triển mới.
- Ông Dominic Scriven quốc tịch Anh, tốt nghiệp Đại học Exeter Anh quốc năm 1985 với hai bằng đại học chuyên ngành Luật và Xã hội. Ông có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư ở châu Âu và châu Á, làm việc với nhiều công ty Anh, Mỹ và Trung Quốc.
- Năm 1992, ông theo học tiếng Việt ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đồng sáng lập Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital năm 1994.
- Công ty Dragon Capital hiện đang quản lý khoảng 1,3 tỷ USD, đầu tư trên khắp lãnh thổ Việt Nam, hiện là cổ đông chiến lược của Vietfund Management (VFM), Công ty liên doanh quản lý quỹ trong nước đầu tiên ở Việt Nam, và Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC). Năm 2014, ông Dominic đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho các đóng góp xuất sắc của ông cho thị trường tài chính Việt Nam.
- Ông còn là người sáng lập và tài trợ chính cho tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã WAR (Wildlife At Risk) tại Việt Nam, Ông cũng có những sở thích riêng khác về nghệ thuật, đặc biệt là sưu tầm tranh cổ động.