Nhà đầu tư nước ngoài trông chờ TTCK
Ông Dominic Scriven là nhà đầu tư tài chính người Anh, sang Hà Nội năm 1992. Lúc đầu, ông chỉ có ý định học tiếng Việt, nhưng nhận thấy Việt Nam là đất nước có lịch sử đặc biệt và có triển vọng phát triển kinh tế khi Chính phủ thực hiện cải cách đổi mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nên năm 1993 học xong, thay vì về nước hoặc sang Hồng Kông như dự định, Dominic ở lại Việt Nam.
Ông làm việc cho một ngân hàng Hồng Kông có văn phòng ở Việt Nam. Ngay từ đầu, Dominic muốn lập một quỹ đầu tư, nhưng ngân hàng không tập trung nhiều vào đầu tư tài chính, nên ý tưởng của ông không được ủng hộ. Sau đó, năm 1994, Dominic cùng một số người bạn tách ra lập nên Dragon Capital, với mục đích huy động quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Ông Dominic chia sẻ: “Hồi đó, Việt Nam chưa có TTCK, mới chỉ có đề án thành lập TTCK do ông Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội - PV) là tác giả. Ông Lịch có cho tôi xem góp ý và thực hiện một bản tiếng Anh”.
Đây là động lực thúc đẩy Dominic cùng các đồng sự quyết tâm lập quỹ. Và quỹ đầu tư đầu tiên ra đời vào năm 1995, với số vốn ban đầu là 16,4 triệu USD. Khi thành lập quỹ này, mục tiêu của Dominic là đầu tư vào Việt Nam và tham gia TTCK sau đó.
Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban Phát triển thị trường vốn, với sự tham gia của ông Nguyễn Đoan Hùng và ông Vũ Bằng. Dominic vừa đi tìm kiếm những khoản đầu tư nước ngoài, vừa tham gia động viên, góp sức thúc đẩy việc thành lập TTCK ở Việt Nam.
Theo ông Dominic, khi có được những đồng vốn đầu tiên, việc giải ngân như thế nào cũng là một vấn đề. Bởi lẽ, môi trường đầu tư ở Việt Nam lúc đó khá khó khăn, vì mới chỉ có Luật Đầu tư nước ngoài, chủ yếu phục vụ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn Luật Công ty chưa nói về vai trò của nhà đầu tư nước ngoài.
Có một số doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, nhưng chưa có chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Vì vậy, muốn tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp, phải có cơ chế riêng. Trong năm 1995, Dragon Capital có 3 cơ hội tham gia thí điểm.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước chủ trương thí điểm cho phép một số ngân hàng huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài (VPBank và Á Châu hưởng ứng chủ trương này).
Thứ hai, Bộ Tài chính cho phép CTCP Cơ điện lạnh (REE) thí điểm phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, Phó Thủ tướng duyệt cổ phần hóa một công ty xi măng ở Nam Định, trong đó cho phép gọi vốn nước ngoài.
“Cái gì cũng là thí điểm nên không có tiền lệ gì, may mình biết tiếng Việt nên cùng với các anh em thuyết phục để được làm”, Dominic nói về giai đoạn xoay xở để giải ngân đồng vốn, ngày chưa có TTCK.
Năm 1996, Chính phủ chính thức thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chuẩn bị văn bản pháp lý cho sự ra đời của TTCK. Tưởng rằng, thị trường sẽ ra đời vào năm sau đó. Tuy nhiên, tháng 5/1997, khủng hoảng kinh tế châu Á bắt đầu xảy ra, trước tiên ở Thái Lan và lan nhanh ra các nước trong khu vực. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề, phải 2 lần điều chỉnh tỷ giá rất mạnh.
Có quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã phải ra đi. Khủng hoảng kéo dài cho đến năm 1999, kinh tế các nước châu Á bắt đầu phục hồi và kinh tế Việt Nam đến năm 2000 cũng bắt đầu phục hồi. Năm 2000, Chính phủ chính thức khởi động TTCK.
“Ngày khai trương TTCK, 20/7/2000, với 2 mã cổ phiếu đầu tiên niêm yết, nguyên Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đích thân tham dự. Còn với Dragon Capital, chào mừng sự kiện này, mỗi người được thưởng một tháng lương. Lần thưởng trước đó là khi chúng tôi đóng quỹ đầu tiên”, ông Dominic nói và cho biết, ngay trước khi TTCK khai trương, Dragon Capital đã huy động thêm được 11 triệu USD, nâng tổng giá trị quỹ lên 27 triệu USD. Số tiền đó không lớn, nhưng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài trông chờ TTCK đi vào hoạt động, khi đó họ mới tin vào tiềm năng phát triển của Việt Nam sẽ thành hiện thực.
Thị trường sau đó trải qua nhiều thăng trầm cho đến ngày hôm nay, nhưng Dragon Capital cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác đã có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô khi song hành cùng TTCK.
Giao lưu, tọa đàm Doanh nhân - Doanh nghiệp và TTCK do Báo Đầu tư tổ chức ngày 13/10/2007
Quy mô của thị trường đứng trước 5 thách thức
Nhìn lại 15 năm phát triển của TTCK, ông Dominic nhận định, hiện có 5 thách thức đối với quy mô phát triển của TTCK. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang trong tâm thế chờ đợi có những đổi mới và cải cách trên thị trường.
“Nhìn chung, quy mô TTCK ngày hôm nay chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế sôi động như Việt Nam. Chúng tôi đánh giá, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất nỗ lực về mặt kỹ thuật, nhưng quy mô của thị trường đang bị thách thức”, ông Dominic nói.
Theo ông Dominic, thách thức đầu tiên là vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn ở nhiều công ty mà lẽ ra không được tính vào giá trị vốn hóa. Điển hình như BVH, GAS, CTG, VCB, đây là 4 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên TTCK, nhưng khả năng đầu tư vào các cổ phiếu này là có hạn. Cho nên, các nhà đầu tư tổ chức cho rằng, thị trường kém thanh khoản, trong khi thanh khoản được xem là vấn đề cốt lõi nhất khi xem xét đầu tư.
Thứ hai là sân chơi cho các công ty cổ phần, công ty cổ phần hóa và công ty đại chúng chưa niêm yết còn quá lớn, làm loãng vai trò của Sở giao dịch.
Thứ ba là về lựa chọn mô hình cổ phần hóa. Có một số mô hình cổ phần hóa, trong đó có loại “cổ phần hóa một chút” rồi để đó. Cách làm này không thay đổi nhiều bản chất của doanh nghiệp nhà nước. Vốn Nhà nước chiếm đến hơn 90% thì đó vẫn là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sau “cổ phần hóa một chút” không phát huy được nhiều tiềm năng của công ty đại chúng.
Ở đây có câu chuyện “con gà, quả trứng”. Nhà nước nói, phải cổ phần hóa từ từ vì không tìm được nhà đầu tư chiến lược. Nhưng nhà đầu tư nước ngoài nói, Nhà nước không bán nhiều thì làm sao chúng tôi tham gia?
Thách thức thứ tư là thành phần tham gia thị trường thiếu đa dạng, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, các quỹ chưa nhiều, quỹ hưu trí chưa có, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài chưa cao. Luật cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 49% công ty, nhưng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 10% thị trường là thấp. Bởi lẽ, thị trường có không ít doanh nghiệp niêm yết lớn, nhưng số cổ phần lưu hành có thể mua vào thì nhỏ.
Ông Dominic nhấn mạnh, thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao triển vọng TTCK Việt Nam, nhưng phần lớn đều cho rằng, thông điệp về TTCK chưa rõ ràng, ở cả thị trường thứ cấp và sơ cấp. Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải tiếp thị, phải có thông điệp, thuyết phục họ, nhất là trong một thế giới đang ngày càng cạnh tranh.
Trách nhiệm này không thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù Ủy ban đã nỗ lực hết sức trong phạm vi có thể. Điều nhà đầu tư cần là thông điệp của Chính phủ với nhà đầu tư gián tiếp, mà thông điệp rõ ràng về phát triển TTCK không chỉ có tác dụng với nhà đầu tư nước ngoài, mà nhà đầu tư trong nước cũng là đối tượng cần thu hút. Việt Nam có 90 triệu dân, nhưng hiện mới chỉ có gần 1,5 triệu tài khoản nhà đầu tư, trong đó số người thường xuyên giao dịch rất ít.
Để TTCK trở thành công cụ hữu ích cho việc phát triển nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, phải có yếu tố mới cho sự phát triển của thị trường.
“Chúng ta nghe nhiều về thế chế hóa. TTCK là một thể chế đang cần được hoàn thiện, cần đẩy nhanh việc triển khai nới room trên thực tế, thúc đẩy việc cổ phần hóa gắn liền với niêm yết, nâng cao công tác quản trị công ty và minh bạch thông tin của thị trường bằng việc tuân thủ Thông tư 121 và áp dụng Luật Doanh nghiệp 2014, triển khai hệ thống công nghệ phần mềm mới…
Rất nhiều người đang trong tâm thế chờ đợi”, ông Dominic nói rồi nhìn xa xăm với nét mặt đăm chiêu. Ông là một trong số những người chờ đợi và nặng lòng nhất với TTCK Việt Nam hơn 15 năm qua.