Ông Dominic Scriven: Các thách thức với thị trường chứng khoán đã hạ nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett có phương pháp đầu tư dựa trên giá trị dài hạn, thường thích thị trường vốn mà giá trị vốn hóa thấp hơn GDP,  ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group chia sẻ trong Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 15- năm 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Ariyana - Furama Resort Danang chiều nay (2/12).
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group (ảnh: Lê Toàn) Ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group (ảnh: Lê Toàn)

Sự kiện được tổ chức kết hợp với Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên năm 2022 với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; lãnh đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đại diện gần 300 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác trên thị trường.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2022 (Vietnam Listed Company Awards - VLCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital.

Chia sẻ góc nhìn về thị trường năm 2023, ông Dominic cho rằng, tốc độ tăng trưởng giá cả hàng hoá trên thế giới bớt nóng, sau thời gian đồng USD tăng vọt so với các ngoại tệ khác, lãi suất Mỹ tăng mạnh, "tới nay, chúng ta đang thấy giá dầu đã hạ xuống, giá lương thực giảm, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nói chuyện trở lại, đâu đó kì vọng rằng Nga – Ukraine đang có những một cơ sở để cùng nói chuyện."

"Tại Việt Nam, có thông điệp mạnh của Chính phủ về số vốn đã và chuẩn bị đầu tư mạnh vào hạ tầng cơ sở, khoảng 7% GDP – đã có sẵn."

"Đặc biệt, có tin vui rằng, chỉ trong một tuần nay, Trung Quốc có thể sắp mở cửa trở lại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam, chiếm 33% mặt hàng xuất khẩu, cũng là quốc gia cung cấp khách du lịch cho Việt Nam lớn nhất. Và theo đó, việc Trung Quốc mở cửa thì hưởng lợi nhiều nhất trong 1 năm tới chính là Việt Nam”, ông Dominic nói.

Ông Dominic nhận định, các thị trường đang bắt đầu phản ánh sự hạ nhiệt của những thách thức, sức ép và những cái “nhức đầu này”. Tỷ giá VND đang ổn định lại so với đồng USD, có thể hệ thống ngân hàng có thể “hé” thêm một chút tín dụng; sự hoang mang đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bình ổn lại. Thanh khoản trên thị trường chứng khoán mới đây chạm ngưỡng 1 tỷ USD/phiên.

“Có thể nói, cả thị trường đang được cung cấp một luồng ô xy, và qua đó, ta có thể tái khởi động các hoạt động kinh doanh của mình”.

Liên quan đến vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay là trái phiếu, ông Dominic đưa ra 2 kiến nghị cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có sự ưu tiên số 1 trong việc đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ - những đối tượng không có sức chịu đựng rủi ro cao. Và thứ 2 là với những tổ chức phát hành gặp khó khăn, cần ngồi lại cùng trái chủ và các nhà đầu tư chuyên nghiệp để cùng tìm ra giải pháp, cơ cấu lại.

Song song đó, với diễn biến thị trường năm nay, ai cũng có bài học, bất ngờ, nỗi đau, thì cách tốt nhất để giữ được hướng đi của mình, tìm lại đường phục hồi là phải Quản trị rủi ro”, ông Dominic khẳng định.

Nhiều người có thể nói rằng “đã muộn rồi, rủi ro đã xảy ra rồi, nhưng không bao giờ là quá muộn để xây dựng, để nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển văn hoá quản trị rủi ro trong doanh nghiệp mình. Và khi đó, ta có thể tập trung ban đầu vào việc giảm các rủi ro ngay hôm nay trong doanh nghiệp của mình mình, theo ông Dominic.

Điểm quan trọng là phải bám vào hoạt động của HĐTQ, cần tối thiểu 1 thành viên HĐQT độc lập đúng nghĩa. Khi đó trong vấn đề khó xử nhất là khi được đề nghị các giao dịch với các bên có liên quan thì cần một thành viên độc lập đủ tầm để tư vấn.

Thêm một cách giảm thiểu rủi ro mà không quá khó, chính là doanh nghiệp phát hành các báo cáo của mình bằng tiếng Anh, mở cửa để cả giới nhà đầu tư cùng biết đến hoạt động của doanh nghiệp mình.

Nhìn trung hạn thị trường, ông Dominic kỳ vọng, bên cạnh việc tập trung khắc phục những khó khăn hiện nay, nhưng không quên tương lai thị trường vốn Việt Nam và hoạt của các doanh nghiệp niêm yết khá sáng.

"Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett có phương pháp đầu tư dựa trên giá trị dài hạn, nghĩa là mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau đà giảm mạnh, giá trị vốn hoá chỉ còn bằng 50%GDP, tương ứng 200 tỷ USD. Vậy những người theo quan điểm của Warren Buffett xem đây là cơ hội rất đáng để xem xét", ông Dominic nói.

Các cơ quan quản lý đang nỗ lực cùng HOSE để đưa Việt Nam lên thị trường mới nổi. Tổng giá trị AUM vào các thị trường mới nổi là 25.000 tỷ USD. Vậy nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi (EM) thì sẽ tiếp cận được dòng vốn này, dù rằng tỷ lệ không lớn, nhưng chỉ cần 0,4-0,5% cũng có thể thu hút được 100 tỷ USD vào thị trường. Hiện nay dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 40 tỷ USD.

“Điều này mở ra cơ hội tiếp cận vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, và khi họ muốn tìm cơ hội đầu tư thì chắc chắn họ chỉ muốn gặp các doanh nghiệp mạnh, có quản trị công ty tốt”, ông Dominic nói.

Liên quan đến vấn đề quản trị công ty, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc bình chọn VLCA 2022 chia sẻ thêm thông tin trong buổi lễ, kết quả đánh giá Quản trị công ty cho thấy điểm số chưa có khác biệt đáng kể trong năm 2022 so với năm 2021 ở cả doanh nghiệp tốt nhất và doanh nghiệp ở vị trí trung bình. Điểm của doanh nghiệp thấp nhất ở mức rất thấp cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp mới bổ sung vào trong năm 2022 có thực hành quản trị còn nhiều hạn chế cần lưu ý cải thiện.

Hội đồng trao giải có kế hoạch xây dựng lộ trình nâng cao dần các tiêu chuẩn quản trị công ty của Doanh nghiệp niêm yết theo từng năm, theo đó bộ tiêu chí đánh giá đã có sự thay đổi sau hai năm đầu thực hiện (2018-2019) để đưa nhiều hơn các chuẩn mực quản trị tốt của khu vực và thế giới vào áp dụng.

Ba năm tiếp theo 2020-2021-2022 với bộ tiêu chí mới, mặc dù mặt bằng điểm số có thấp hơn hai năm đầu đánh giá, nhưng điểm số của 3 năm này đã cho thấy sự cải thiện qua từng năm của Doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt khi năm 2022 đã có một số lượng lớn các Doanh nghiệp lần đầu được đưa vào giải chấm.

Cụ thể với sự gia tăng gần 12% số lượng Doanh nghiệp niêm yết (tăng từ 520 công ty lên 581 công ty), điểm số trung bình năm 2022 vẫn có sự tăng điểm nhất định so với năm trước, cho thấy đã có sự cải thiện trong các Doanh nghiệp đã được đánh giá từ các năm trước bên cạnh việc đưa mới 61 công ty vào quá trình đánh giá.

Nếu xếp thứ tự các doanh nghiệp theo mức điểm Công bố thông tin từ cao đến thấp và chia đều mẫu đánh giá thành 3 nhóm với số lượng sẽ có được các nhóm CBTT mức khá, mức trung bình và mức thấp. Dễ dàng thấy được có sự ổn định điểm số ở nhóm doanh nghiệp có mức độ CBTT trung bình trong các năm 2020-2022 với mức điểm dao động quanh 49%.

Trong khi đó nhóm CBTT mức khá có chiều hướng giảm điểm (từ 58.4% năm 2020 giảm xuống 54.9% năm 2022) và nhóm CBTT mức thấp lại cải thiện điểm (từ 40.7% năm 2020 tăng lên mức 43.2% năm 2022) qua mỗi năm.

Điều này cho thấy mặc dù Công bố thông tin là điều kiện cần cho quản trị tốt, các doanh nghiệp có CBTT tốt nếu chỉ mới đạt được khía cạnh này thì vẫn chưa thực sự có quản trị tốt. Quản trị tốt còn rộng hơn và tập trung nhiều hơn vào các thực hành trọng yếu của doanh nghiệp về quản trị rủi ro và vai trò giám sát của HĐQT.

Theo bà Đào, điểm mạnh về QTCT năm nay chính là việc tổ chức ĐHĐCĐ khi các Doanh nghiệp rút kinh nghiệm sau thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 nên đã tổ chức Đại hội sớm trong năm 2021. Đồng thời, hoàn thành việc công bố Báo cáo thường niên và tổ chức Đại hội trước thời điểm bùng phát Covid-19 của năm 2021.

Doanh nghiệp công bố tốt hơn thông tin của các ứng viên mới khi họ có bình chọn ứng viên mới trong HĐQT. Về HĐQT, doanh nghiệp công bố thông tin tốt hơn về tính độc lập của các thành viên trong HĐQT.

Nhưng cũng còn những điểm cần cải thiện, như doanh nghiệp giảm sự đầu tư cho việc soạn thảo tài liệu ĐHĐCĐ; Doanh nghiệp soạn thảo tài liệu ĐHĐCĐ bằng Tiếng Anh ít đi; ít công bố văn bản, nghị quyết Tiếng Anh.Ít Doanh nghiệp áp dụng cho phép cổ đông bỏ phiếu điện tử, tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến.

Về HĐQT, BKS/UBKT: Ít Doanh nghiệp công bố thông tin về chính sách cân bằng giới, nhiều Doanh nghiệp có 100% thành viên HĐQT là nam giới; Ít Doanh nghiệp có Trưởng BKS độc lập.

Một số Doanh nghiệp vi phạm về ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT duyệt các giao dịch theo thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ